Thầy trò Đồng bằng sông Cửu Long hướng về miền Trung ruột thịt
'Khi phát động quyên góp, các bạn giúp đỡ em nhiều lắm. Một mình em thì không thể làm được như vậy', Lê Minh Duy, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Hòa An (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) chia sẻ.
Dành tiền ăn sáng ủng hộ miền Trung
Đó là chia sẻ trên trang cá nhân của nhiều học sinh Trường THPT Hòa An (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) khi hay tin các tỉnh miền Trung thiệt hại nặng nề vì thiên tai, bão lụt. Một trong những học sinh đứng ra kêu gọi, vận động là em Lê Minh Duy, học sinh lớp 12A1. Từ lời kêu gọi của em Duy, nhiều học sinh Trường THPT Hòa An chung tay ủng hộ số tiền từ việc trích số tiền ăn sáng, tiêu vặt, tiền tiết kiệm.
Theo chia sẻ của em Minh Duy, khi xem thông tin lũ lụt qua báo đài, các trang mạng, em muốn góp sức nhỏ để giúp đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn. Từ ngày 15/10, em lên kế hoạch gây quỹ và kêu gọi các bạn cùng tham gia.
Ngay khi kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung, em Duy nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các bạn cùng lớp và rất nhiều học sinh trong trường. Sau đó, tập thể lớp 12A1 mở rộng việc gây quỹ. Các em tranh thủ giờ ra chơi để đến từng lớp phát động ủng hộ. Sau 3 ngày, quỹ cứu trợ nhận được sự ủng hộ từ học sinh 15 lớp của Trường THPT Hòa An, tổng số tiền thu được hơn 750.000 đồng.
“Phần lớn kết quả quyên góp là tiền tiết kiệm của các bạn. Một số bạn trích một phần tiền tiêu vặt, tiền ăn sáng để ủng hộ. Khi phát động quyên góp, các bạn giúp đỡ em nhiều lắm. Một mình em thì không thể làm được như vậy”, Minh Duy chia sẻ.
Tại ngôi trường vùng biên giới xa xôi, Trường Tiểu học An Thạnh 1 (thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp), thầy trò cũng chung tay đóng góp với mong muốn đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn. Theo thầy Bùi Văn Sum, Hiệu trưởng nhà trường, nhằm góp phần chia sẻ, xoa dịu những tổn thất và đau thương, trường kêu gọi toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh quyên góp tiền, hiện vật để ủng hộ đồng bào miền Trung.
“Thời gian quyên góp, hỗ trợ bắt đầu từ ngày 19/10 cho đến hết ngày 22/10. Sau ngày này, nhà trường sẽ thống kê tiền, hiện vật và gửi về hỗ trợ đồng bào miền Trung ruột thịt. Mong rằng, với những hành động thiết thực sẽ góp phần giúp đỡ đồng bào các vùng bị thiệt hại.Trong đó có các thầy cô giáo và các em học sinh. Mong muốn đồng bào sớm khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống cũng như việc dạy và học…”, thầy Sum chia sẻ.
Nhân lên tấm lòng tương thân tương ái
Dù địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề vì tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và ngập úng nhưng thầy trò tỉnh Sóc Trăng đồng lòng đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung. Theo thầy Ông Duy Thiện, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (Sóc Trăng): “Trước tình hình lũ lụt gây thiệt hại nặng nề cho người dân miền Trung, Ban Giám hiệu nhà trường đã thông tin đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường. Đồng thời phát động quyên góp, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả do lũ lụt. Tại lễ phát động, với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của trường đã quyên góp, ủng hộ được hơn 19,3 triệu đồng. Toàn bộ số tiền trên sẽ được nhà trường chuyển tới các địa chỉ cần ủng hộ trong thời gian sớm nhất”.
Nhiều địa phương trong tỉnh Cà Mau phải tạm ngưng việc học do tình trạng ngập lụt. Địa phương cũng vừa ban bố tình huống sạt lở khẩn cấp đê biển Tây. Tuy nhiên thầy, trò đất mũi Cà Mau cũng không quên ủng hộ đồng bào miền Trung đang gặp khó khăn. Sở GD&ĐT Cà Mau đứng ra tổ chức vận động quyên góp, vừa ủng hộ.
Toàn thể cán bộ, công chức Sở GD&ĐT Cà Mau và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, cùng lãnh đạo các đơn vị, trường học trực thuộc trên địa bàn tham gia buổi vận động ý nghĩa này. Chương trình được thực hiện trong 5 ngày (từ ngày 20 - 25/10), tại từng đơn vị trường học. Toàn bộ nguồn kinh phí quyên góp sẽ được chuyển về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh để kịp thời chuyển đến đồng bào các tỉnh miền Trung.
Theo Sở GD&ĐT Cà Mau, trong buổi lễ phát động, toàn thể cán bộ, công chức của Sở và các đơn vị trực thuộc đã đóng góp với tổng số tiền khoảng 35 triệu đồng. Sở GD&ĐT Cà Mau cũng khuyến khích đội ngũ nhà giáo trong toàn ngành vượt qua khó khăn, ổn định dạy học. Vệ sinh trường lớp, phòng chống dịch bệnh sau mưa bão; giúp đỡ đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh khi gặp khó khăn, hoạn nạn do thiên tai gây ra…