Thay vì sản lượng, doanh nghiệp lúa gạo cần đầu tư mạnh vào chất lượng

Yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu ngày càng cao, các nước đang nâng cao các biện pháp, rào cản kỹ thuật để hạn chế, kiểm soát hàng nhập khẩu từ nước ngoài.

Ngày 13/12, Hội thảo quốc tế “Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới” đã được tổ chức nhằm trao đổi về tình hình thị trường lúa gạo toàn cầu, xu hướng biến động trong thời gian tới và khuyến nghị các giải pháp phù hợp đưa ngành hàng gạo phát triển bền vững.

Hội thảo là một trong các sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, được tổ chức từ ngày 11 đến 15/12 tại Hậu Giang.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, ngành hàng lúa gạo đóng một vai quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam.

"Đối với Việt Nam, lúa gạo ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, còn có vai trò đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực và thế giới. Thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế đã và đang mang lại nguồn thu giúp cải thiện đời sống của người nông dân Việt Nam, góp phần vào an sinh, ổn định xã hội", ông nói.

Thứ trưởng nhận định, thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế thời gian tới tiếp tục sôi động do nhu cầu nhập khẩu gạo lớn từ một số quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, các nước Trung đông và Châu Phi.

Tuy nhiên, việc tăng sản lượng gạo xuất khẩu sẽ có tác động đến lượng gạo dự trữ tại các nước xuất khẩu. Giá gạo xuất khẩu tăng dẫn đến giá lúa nguyên liệu tăng theo và phần nào ảnh hưởng đến giá cả của gạo tại thị trường trong nước.

Về vấn đề thị trường, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, thị trường số một của Việt Nam tiếp tục là Philippines, hiện chiếm khoảng 35% thị phần gạo Việt Nam xuất khẩu. Trong 11 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu sang quốc gia này đạt 2,63 triệu tấn, tương ứng 1,41 tỷ USD. Xếp sau là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Ông Hòa dự báo, trong năm 2023, Philippines nhập khẩu gạo hơn 2,8 triệu tấn, trong đó 90% khối lượng được nhập khẩu từ Việt Nam, 4,5% từ Thái Lan đạt 126.560 tấn, 4,3% từ Myanmar đạt 120.538 tấn, còn lại đến từ Pakistan, Ấn Độ, Campuchia.

Nhận định rõ xu hướng chuyển đổi sản xuất bền vững, phát triển xanh, tiêu dùng xanh của thị trường lúa gạo, ông Lê Thanh Hòa khuyến cáo các doanh nghiệp đi vào vấn đề chất lượng, thay vì quá quan tâm đến năng suất, sản lượng như thời gian trước đây.

Cụ thể, ông Hòa cho biết: “Yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu ngày càng cao, các nước đang ngày càng nâng cao các biện pháp, rào cản kỹ thuật để hạn chế, kiểm soát hàng nhập khẩu từ nước ngoài”.

Tổng quan về thị trường gạo thế giới và xu hướng trong thời gian tới, ông Aziz Arya - Đại diện Văn phòng FAO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết, trong trong khuôn khổ Hợp tác Nam - Nam, Hợp tác tam giác có đề cập nhiều đến lĩnh vực lúa gạo.

Ông Arya cho biết, trong chuỗi giá trị lúa gạo đang gặp những thách thức nhất định như gánh nặng kép về thay đổi nhân khẩu học dẫn đến nhu cầu về thực phẩm nhiều hơn, đa dạng hơn, chất lượng cao hơn. Biến đổi khí hậu cũng tác động đến số lượng và chất lượng nước, suy thoái đất, chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng khác, tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai, sâu bệnh tăng lên.

Ông Aziz Arya chỉ ra rằng, khoảng cách công nghệ ngày càng lớn giữa các nước và khu vực gây khó khăn trong việc sử dụng tối ưu và bền vững phân bổ tài nguyên, thiếu năng lực thích ứng với các thách thức hiện tại và mới nổi.

Bên cạnh đó còn tồn tại những thách thức như đầu tư vào nghiên cứu và khuyến nông còn hạn chế, biến động thị trường và chuỗi cung ứng kém hiệu quả...

Toàn cảnh sự kiện.

Toàn cảnh sự kiện.

Để giải quyết các thách thức này, đại diện FAO đề xuất một số phương án về chính sách trong tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, thị trường và thương mại, tiêu thụ. Theo đó, tại khâu đầu sản xuất, cần tập trung đến khuyến nông và nghiên cứu giống lúa, đất. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư hợp tác tác công tư vào chế biến. Xúc tiến đầu tư hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Về hiệu quả của Hợp tác Nam - Nam và Hợp tác ba bên trong chuỗi giá trị lúa gạo, ông Arya chia sẻ, chương trình này có hiệu quả trong tất cả các khâu trong chuỗi liên kết lúa gạo. Ví dụ, đối với khâu sản xuất, Hợp tác Nam - Nam có thể giúp cải thiện chuỗi cung ứng đầu vào, hệ thống hạt giống và kết nối các tổ chức cung cấp dịch vụ cho nông dân.

Ngoài ra, xúc tiến trao đổi giữa các cơ quan thuộc hệ thống nghiên cứu và khuyến nông giữa các bên. Từ đó, thúc đẩy hệ thống ứng phó với biến đổi khí hậu, nông nghiệp bền vững, thích ứng công nghệ và tài trợ nông nghiệp.

Đối với chế biến, chương trình này giúp thúc đẩy hợp tác công tư, tạo điều kiện tiếp cận công nghệ, thúc đẩy liên kết trước sau. Ngoài ra chương trình cũng giúp chia sẻ kỹ thuật trong các khâu phân phối và tiêu thụ thông qua thúc đẩy tiếp cận nguồn vốn, tích hợp ngang - dọc hạ tầng thị trường từ nông trường đến thị trường, bán lẻ, bán buôn, xuất khẩu.

Nguyễn Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thay-vi-san-luong-doanh-nghiep-lua-gao-can-dau-tu-manh-vao-chat-luong-a640445.html