Thế bế tắc của Ủy ban châu Âu trong lựa chọn nhân sự cấp cao
Châu Âu phải làm gì để phá vỡ thế bế tắc sau khi hội nghị thượng đỉnh Ủy ban châu Âu bất thường hôm 30/6 chưa chọn được người vào vị trí Chủ tịch?
Mâu thuẫn trong Liên minh châu Âu
Ngày hôm qua (1/7) Liên minh châu Âu đã tạo nên một kỷ lục mới trong các phiên họp của khối này khi đã trải qua các cuộc họp kéo dài đến 19 tiếng đồng hồ, từ tối ngày 30/6 đến trưa ngày 1/7, mà không tìm được bất cứ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt sự bế tắc trong việc phân chia ghế lãnh đạo Liên minh.
Đây thực sự là một cuộc chiến cân não của rất nhiều đảng phái, rất nhiều cá nhân và rất nhiều nhóm nước trong nội bộ Liên minh châu Âu. Tình thế hiện nay vẫn rất phức tạp, nhưng nổi lên là các mâu thuẫn và chia rẽ sau: nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm chiếm nhiều ghế nhất tại Nghị viện châu Âu, không dễ dàng chấp nhận việc nhường chiếc ghế Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhiều quyền lực nhất vào tay các đối thủ khác. Nhóm này cho rằng dù không còn chiếm đa số tại Nghị viện châu Âu nhưng họ vẫn là lực lượng chính trị lớn nhất nên không thể để các phe phái yếu hơn áp đặt.
Vì thế, trong tối ngày 30/6, một vài lãnh đạo của EPP, như Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar hay các chính trị gia của nhóm đảng này tại Bồ Đào Nha, Luxemburg… đã lên tiếng công khai phản đối việc Thủ tướng Đức, Angela Merkel, cũng là người thuộc nhóm đảng này, chấp nhận thỏa hiệp với phe các nước Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha để đưa ứng cử viên của nhóm đảng Dân chủ- xã hội (SD) là Frans Timmermans lên làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Sự chia rẽ trong nội bộ EPP này là rất đáng chú ý, một, là nó cho thấy quyền lực của bà Merkel, người được xem là chính trị gia lãnh đạo EU trong 1 thập kỷ qua, đã suy yếu nghiêm trọng và bà Merkel không còn đủ uy tín để thuyết phục cũng như điều khiển cuộc chơi trong nội bộ EPP. Hai, đó là việc EPP phản đối ứng viên Frans Timmermans có thể dẫn đến sự tê liệt khi bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu bởi EPP đủ số phiếu để ngăn cản bất kỳ ƯCV nào.
Mâu thuẫn lớn thứ hai, là giữa một nhóm, gồm Italia và các nước Đông Âu như Ba Lan, Hungary, CH Séc, Slovakia, với ông Frans Timmermans. Do ông Timmermans trên cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu trong thời gian qua luôn chỉ trích các nước này về việc vi phạm các chuẩn mực về nhà nước pháp quyền nên các nước Đông Âu cho rằng ông Timmermans không thể tạo nên sự đoàn kết trong EU.
Cuối cùng, vướng mắc lớn thứ 3 khiến quá trình lựa chọn các chức danh lãnh đạo của EU trở nên khó khăn hơn bao giờ hết là việc một vài nước như Pháp hay Hà Lan đề ra yêu cầu phải đảm bảo sự cân bằng giới trong 4 vị trí lãnh đạo chủ chốt là Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Nghị viện châu Âu và Cao ủy phụ trách đối ngoại và an ninh. Vì tất cả những điều trên, việc lựa chọn được các ứng viên đáp ứng được tốt nhất lợi ích và tính toán chính trị của tất cả các nước thành viên và các lực lượng chính trị tại châu Âu trở nên vô cùng khó khăn.
Trước mắt, theo những gì đã và đang diễn ra trong hơn 1 tháng qua, EU không còn cách nào khác là tiếp tục phải đàm phán và thỏa hiệp cho đến khi một trong các bên chấp nhận nhân nhượng. Đó là lí do mà sau 19 tiếng thất bại, các lãnh đạo EU sẽ vẫn tiếp tục họp trong ngày hôm nay tại Brussels để cố gắng phá thế bế tắc, trong bối cảnh thời gian đang cạn kiệt vì vào ngày mai, 3/7, Nghị viện châu Âu khóa mới sẽ họp phiên đầu tiên và bắt buộc phải bầu một Chủ tịch Nghị viện châu Âu mới.
Hậu quả của việc không thể thống nhất
Việc không thể thống nhất nhân sự trước hết sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Nghị viện châu Âu. Nghị viện châu Âu khóa mới bắt buộc phải có 1 Chủ tịch mới trong thời gian sớm nhất và nếu các nước EU vẫn bất đồng như hiện nay, một kịch bản có thể xảy ra, như cảnh báo của Chủ tịch Nghị viện châu Âu sắp mãn nhiệm, ông Antonio Tajani, là Nghị viện châu Âu sẽ tự bầu ra Chủ tịch. Tức là khi đó thì mọi toan tính chính trị, vận động hậu trường hay thành lập liên minh mà các nước châu Âu tiến hành thời gian qua bị đảo lộn. Đáng ngại hơn là nó phá vỡ các quy trình lựa chọn lãnh đạo trước đây của EU, đặc biệt là với chức danh Chủ tịch Ủy ban châu Âu vốn thực chất là do các nước thành viên chọn ra để Nghị viện bỏ phiếu phê chuẩn. Vì thế, trước mắt thì sự bế tắc này có thể tạo ra một đứt gãy trong quy trình lựa chọn lãnh đạo truyền thống của EU, phát đi một hình ảnh xấu về một EU bất lực trong việc xử lý các vấn đề lớn.
Về lâu dài, một khi các bế tắc trong việc phân chia ghế lãnh đạo EU càng kéo dài thì các mâu thuẫn, bất đồng giữa các lực lượng chính trị, giữa các nước đầu tàu, như Pháp và Đức, giữa các nhóm nước như phe Visegrad ở Đông Âu với phe Tây Âu… sẽ càng trở nên trầm trọng, đe dọa phá vỡ sự đoàn kết vốn đang mong manh trong nội bộ khối, khiến EU ngày càng khó đương đầu hơn với các thách thức lớn cũng như khó có thể tiến hành cải cách triệt để. Như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có cảnh báo, nếu 28 nước EU hiện nay không sớm giải quyết được xung đột nội bộ trong việc chọn lãnh đạo thì không thể hy vọng một EU mở rộng hơn trong tương lai, thêm nhiều thành viên mới, lại có thể hoạt động tốt.
Giải pháp phá vỡ bế tắc
Xung quanh những tranh luận đầy căng thẳng liên quan đến việc lựa chọn nhân sự cho vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu, sự chú ý đang đổ dồn vào Pháp và Đức. Anh có thể lý giải vì sao năm nay Pháp và Đức lại bất đồng đến mức như vậy và hai quốc gia đầu này có thể có bước đi như thế nào nhằm phá vỡ thế bế tắc hiện nay?
Việc Đức và Pháp mâu thuẫn như hiện nay trong vấn đề lựa chọn lãnh đạo cho EU cũng không phải là điều bất ngờ. Từ khi thành lập cho đến nay thì Đức và Pháp luôn là hai quốc gia đầu tàu, lãnh đạo khối. Đây là động lực để EU tiến lên nhưng cũng có thể là cản trở bởi sự cạnh tranh giữa Đức và Pháp mang tính lịch sử và truyền thống. Cả hai đều muốn giữ vai trò lãnh đạo EU và tuy cả hai đều hiểu rằng việc hai nước hợp tác tốt với nhau sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn nhưng bất cứ khi nào có cơ hội thì cả Đức, và nhất là Pháp, đều muốn áp đặt chính sách cũng như tham vọng của mình.
Hiện tại, việc mâu thuẫn Đức-Pháp đang gay gắt hơn có nguyên nhân lớn nhất là sự suy yếu quyền lực của bà Angela Merkel. Trong hơn 1 thập kỷ qua, bà Merkel vốn được xem là nhà lãnh đạo số 1 của châu Âu, đại diện cho một nước Đức hùng mạnh về kinh tế, kỷ luật chặt chẽ về ngân sách. Tuy nhiên, hai năm qua bà Angela Merkel suy yếu rõ rệt trên chính trường Đức, buộc phải từ bỏ vai trò lãnh đạo đảng CDU cũng như đã tuyên bố sẽ rút lui khi hết nhiệm kỳ Thủ tướng Đức trong 2 năm tới khiến bà Merkel đang có dấu hiệu bị xem là một chính trị gia xế chiều. Dấu hiệu rõ nhất là nội bộ đảng EPP đã phản đối công khai và gay gắt việc bà Merkel thỏa hiệp với nhóm các nước Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha tại G20.
Đối với nước Pháp thì đây là cơ hội để chiếm thế thượng phong. Pháp vốn đã bất đồng với Đức từ trong hồ sơ Brexit, khi Pháp muốn cứng rắn với Anh còn chính phủ Đức của bà Merkel lại muốn mềm dẻo. Pháp cũng dị ứng với việc từ bà Merkel cho đến các lãnh đạo của các đảng CDU và CSU tại Đức công khai chỉ trích và phản đối các kế hoạch cải tổ châu Âu rất tham vọng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Vì vậy, sau cuộc bầu cử châu Âu với kết quả là sự suy yếu của nhóm đảng EPP, trong đó có đảng CDU của bà Merkel, phía Pháp đã tìm cách gạt bỏ cơ chế “Spitzenkandidat” của Đức trong việc lựa chọn Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đồng thời vận động nhiều nước khác chống lại ứng viên của Đức là Manfred Weber. Đức dĩ nhiên cũng không chấp nhận thua thiệt khi cũng ngăn cản các ứng viên do Pháp đưa ra. Đây là cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng mà nếu như vị thế của bà Angela Merkel không suy yếu nghiêm trọng như thời gian qua thì có thể mâu thuẫn Đức-Pháp cũng sẽ không trở nên rõ rệt như vậy./.