Thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc quan điểm của Đảng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân
Ngày 25/5, ngày làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội dành nhiều thời gian cho công tác giám sát và xây dựng pháp luật.
Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42.
Các đại biểu cho rằng, năm 2021 là năm đối diện với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, dịch COVID-19 bùng phát trên toàn quốc, diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh và mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cùng với sự chuyển hướng từ chiến lược "phòng, chống dịch COVID-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19", kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc. GDP quý IV tăng 5,22%, cả năm đạt 2,58%, nhờ đó đã hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả; 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. An sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động được triển khai tích cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân...
Đồng tình cao với Báo cáo của Chính phủ, phát biểu thảo luận tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trước tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, Chính phủ, chúng ta đã đạt thành công quan trọng bước đầu.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước chỉ rõ, đây mới chỉ là kết quả bước đầu nên không được chủ quan, thỏa mãn đồng thời lưu ý đến những thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt trong thời gian tới. Đó là dấu hiệu lạm phát khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao; giá cả năng lượng toàn cầu chu kỳ này tiếp tục thâm nhập sâu vào nền kinh tế. Các yếu tố đầu vào sản xuất tăng, kéo theo nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn chung. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng thì thời gian gần đây "bốc hơi" hàng tỷ USD. Do đó, cần biện pháp, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn nữa nhằm ổn định kênh này, để dòng vốn đến với doanh nghiệp.
Chủ tịch nước đề nghị, gói kích thích kinh tế, đầu tư công phải được thúc đẩy tốt hơn, đi vào cuộc sống để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như chủ trương của Đảng, Nhà nước. Các vấn đề xã hội khác cũng cần đặc biệt quan tâm, nhất là về giáo dục, tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ em, đuối nước, bạo lực học đường...
Cho ý kiến tại phiên họp tổ sáng 25/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5 năm đạt 6,5 - 7%. Năm 2022, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6 - 6,5%, cộng thêm 2% từ thực hiện gói chính sách theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì mục tiêu tăng trưởng cả năm sẽ là 8 - 8,5%. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của năm 2021 theo báo cáo chính thức của Chính phủ chỉ đạt 2,58% (so với 2,91% đã báo cáo). Do đó, vấn đề quan trọng nhất bây giờ, theo Chủ tịch Quốc hội, là làm thế nào để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 8 - 8,5% và đạt mục tiêu 5 năm như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra. Đây là thách thức rất lớn.
Nhấn mạnh trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế mà "có tiền không tiêu được", nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục…, còn "thể chế thì không vướng gì nữa cả", Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ nguyên nhân của tình trạng này. "Tới đây phải tính toán lại, làm rõ. Cần có giải pháp mới cho những vấn đề đã cũ - tức là những vấn đề còn kéo dài, căn bệnh trầm kha?", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Cho ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, một số đại biểu cho rằng cần khuyến khích về mặt lợi ích cho các đối tượng thực hành tiết kiệm.
Về thực hành tiết kiệm trong nhân dân, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho biết, khi tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm, nghiên cứu để phát động toàn dân tham gia công cuộc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cử tri mong muốn đặt vai trò, tầm quan trọng của tiết kiệm, chống lãng phí ngang với công cuộc phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước đang quyết tâm thực hiện.
Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ, theo đó kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến hết ngày 31/12/2023 và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách mà Nghị quyết đã mang lại, tránh gián đoạn, thiếu hụt cơ chế, tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 chưa được xử lý còn cao và dự báo có thể gia tăng trong thời gian tới.
* Trong phiên làm việc chiều 25/5, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý thì việc xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là rất cần thiết.
Dự thảo Luật gồm 12 chương và 106 điều. Tên cơ sở các chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Bộ Y tế đã xây dựng nội dung dự án Luật theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm".
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành Luật và thấy rằng, dự án Luật đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo chính sách dân tộc và đã được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, bổ sung đánh giá tác động đối với các nội dung sửa đổi, bãi bỏ so với Luật hiện hành; rà soát, đánh giá đầy đủ về thủ tục hành chính đối với từng đối tượng chịu sự tác động; thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc, cụ thể hơn nữa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân tại dự án Luật.
Cuối phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Cơ bản đồng tình với các quy định của dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu ý kiến, việc quy định phân loại phim khi phổ biến phim trên mạng chưa đảm bảo sự bình đẳng và đề nghị xem xét lại tính khả thi của việc phân loại phim theo độ tuổi trên truyền hình. Đối với việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, cần cân nhắc kỹ để đảm bảo không làm tăng bộ máy, biên chế, bảo toàn vốn điều lệ, bảo đảm nguồn thu để chi trả cho các khoản chi, nguồn thu không trùng với các khoản thu phải nộp ngân sách nhà nước.
Góp ý nội dung liên quan đến quy định hình thức phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho rằng, với sự phát triển của các nền tảng trực tuyến, khối lượng phim trên không gian mạng rất lớn, nhu cầu sử dụng ứng dụng xem phim trên không gian mạng chiếm phần lớn lưu lượng truy cập trên internet, khiến thị trường phim trên không gian mạng phát triển ngày càng sôi động. Tuy nhiên, bên cạnh các bộ phim hay cũng còn những bộ phim thiếu lành mạnh, lạm dụng hình ảnh bạo lực, phản cảm. Do vậy, cần có những quy định chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng này. Từ quan điểm đó, đại biểu để nghị cần quy định mở về hình thức để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu chủ thể phổ biến phim phải gỡ bỏ phim theo hướng khái quát. Đồng thời, bổ sung quy định về thời hạn gỡ phim; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng.