Thể chế hóa kịp thời chủ trương lớn của Đảng, giải quyết các vấn đề thực tiễn
Chiều 17/5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư một số dự án giao thông và bế mạc phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng và yêu cầu phục vụ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung quan trọng để kịp thời trình Quốc hội, trong đó có những nội dung cấp thiết, cần trình Quốc hội thông qua sớm, vừa phục vụ yêu cầu thể chế hóa kịp thời chủ trương lớn của Đảng, vừa tháo gỡ các vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, các cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm rất cao, chủ động, linh hoạt, huy động tổng lực, phối hợp chặt chẽ, làm việc ngày đêm, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, nhanh chóng hoàn thiện các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các cơ quan; sự đóng góp tâm huyết, sâu sắc của các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình thảo luận từng nội dung cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng các quyết sách trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Quang cảnh bế mạc phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, phối hợp chặt chẽ, bám sát thực tiễn, chuẩn bị tốt các tài liệu, nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, bảo đảm tính kịp thời, chính xác, thuyết phục, góp phần vào thành công chung của Kỳ họp thứ 9 và hiệu lực thực thi các quyết sách sau khi được Quốc hội thông qua.
Đề xuất đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku
Theo tờ trình của Chính phủ, việc đầu tư dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku nhằm hình thành trục ngang đông-tây kết nối vùng Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung bộ, kết nối hệ thống trục dọc (đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, cao tốc bắc-nam phía tây, đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, Quốc lộ 1, đường bộ ven biển), phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo…
Về phạm vi đầu tư, điểm đầu dự án tại Quốc lộ 19B thuộc địa phận thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tổng chiều dài khoảng 125km; trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 40km, qua địa phận tỉnh Gia Lai khoảng 85km.
Quy mô đầu tư 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường là 24,75m, đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Chính phủ đề xuất hình thức đầu tư dự án là đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư: khoảng 43.734 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách nhà nước từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024, nguồn ngân sách trung ương và địa phương giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Dự kiến, dự án hoàn thành vào năm 2029.
Chính phủ đề xuất hình thức đầu tư dự án là đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư: khoảng 43.734 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách nhà nước từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024, nguồn ngân sách trung ương và địa phương giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Dự kiến, dự án hoàn thành vào năm 2029.
Chính phủ đề xuất cho phép áp dụng 9 cơ chế, chính sách cho dự án, trong đó có 3 chính sách đã được áp dụng cho Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, 5 chính sách đã được áp dụng cho Dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và 1 chính sách đã được áp dụng cho Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam.
Kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1.

Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Theo đó, Chính phủ kiến nghị điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư toàn bộ dự án tăng từ 17.837 tỷ đồng lên 21.551 tỷ đồng (tăng 3.714 tỷ đồng).
Nguyên nhân điều chỉnh do trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đã phát sinh một số yếu tố làm tăng tổng mức đầu tư của các Dự án thành phần được Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt, dẫn đến tăng sơ bộ tổng mức đầu tư dự án; trong đó có chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chi phí đầu tư xây dựng.
Vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 cần bổ sung 1.710 tỷ đồng, trong đó tỉnh Đồng Nai cần bổ sung 369 tỷ đồng và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần bổ sung 1.341 tỷ đồng. Hội đồng nhân dân và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đã cam kết bố trí đủ phần vốn ngân sách địa phương.
Về khả năng cân đối nguồn vốn, đối với vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cần bổ sung 1.144 tỷ đồng. Bộ Xây dựng đã rà soát kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025 của Bộ Xây dựng và đủ khả năng cân đối bố trí đủ 1.144 tỷ đồng cho dự án.
Ngân sách trung ương giai đoạn 2026-2030 cần bổ sung 860 tỷ đồng, sẽ được Chính phủ cân đối bố trí trong Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030.
Vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 cần bổ sung 1.710 tỷ đồng, trong đó tỉnh Đồng Nai cần bổ sung 369 tỷ đồng và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần bổ sung 1.341 tỷ đồng. Hội đồng nhân dân và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đã cam kết bố trí đủ phần vốn ngân sách địa phương.
Qua các ý kiến thảo luận, phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: với chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku, đề nghị Chính phủ cần làm rõ tiến độ cũng như phương án phân chia các dự án phân kỳ để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả cho dự án, khả năng đáp ứng, năng lực kinh nghiệm của các địa phương, cần có thuyết minh cụ thể đánh giá tác động.
Đối với dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1), Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân của việc điều chỉnh, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các chủ thể liên quan; đồng thời báo cáo cụ thể các giải pháp kiểm soát chi phí đầu tư, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
*Chiều qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về việc ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã tham gia trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực thi hành; và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.