Thể chế hóa những nội dung mang tính đặc thù của thi hành án kinh doanh thương mại
Đây là một trong những yêu cầu tại Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 13/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại giai đoạn 2023-2028.
Đơn giản hóa trình tự, thủ tục
Tiếp tục hoàn thiện thể chế về THADS là một trong những giải pháp quan trọng theo Quyết định số 17/QĐ-TTg nhằm nâng cao hoạt động THADS nói chung, công tác thi hành án đối với các bản án, quyết định kinh doanh thương mại (KDTM) nói riêng. Theo đó, rà soát, đánh giá tổng thể quy định của Luật THADS, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đề xuất giải pháp hoàn thiện, trong đó đặt trọng tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành bản án, quyết định KDTM, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án, thể chế hóa những nội dung mang tính đặc thù của thi hành án KDTM;
Cùng đó là rà soát, đánh giá, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản năm 2016, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo hướng quy định cụ thể những đặc thù trong quá trình bán đấu giá tài sản THADS, thi hành án KDTM; công khai, minh bạch hóa việc bán đấu giá tài sản thi hành án; đơn giản hóa thủ tục xác lập quyền sở hữu cho người mua được tài sản bán đấu giá; có cơ chế giám sát, kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản bảo đảm khách quan, có cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá...;
Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về phá sản nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác THADS nói chung, thi hành các bản án, quyết định KDTM nói riêng; Nghiên cứu, đề xuất, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS; Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục xử lý tài sản thi hành án là cổ phần, cổ phiếu, vốn góp (xác minh giá trị phần vốn góp, kê biên, thẩm định, bán đấu giá phần vốn góp, cổ phần, cổ phiếu...); Nghiên cứu, làm rõ vai trò, trách nhiệm của luật sư trong hoạt động thi hành án dân sự, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành.
Quyết định cũng nêu rõ: trên cơ sở rà soát, đánh giá tổng thể quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đề xuất giải pháp hoàn thiện, trong đó làm rõ hạn chế, bất cập để sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Trọng tài thương mại về thời hiệu thi hành phán quyết trọng tài; về thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài; giải thích đối với phán quyết trọng tài,...
Tập trung tổ chức thi hành những vụ việc KDTM có giá trị lớn
Thời gian qua, nhận thức được công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là một nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, ngay từ đầu năm, để kịp thời có cơ chế giải quyết một số tồn tại, vướng mắc của pháp luật về ủy thác THADS, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ tham mưu giúp Chính phủ xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 09 Luật trong đó có Luật THADS để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào ngày 11/01/2022. Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/BCSĐ về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm THADS, theo dõi THAHC giai đoạn 2022-2026 trong Hệ thống THADS. Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Hệ thống THADS tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan hữu quan trình Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022, theo đó, kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành có liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại”.
Cùng với việc giao trách nhiệm cho Bộ Tư pháp và các Bộ, ban ngành liên quan, Quyết định 17/QĐ-TTg giao Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh: Tiếp tục chỉ đạo công tác THADS tại địa phương, xác định công tác THADS là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương; quan tâm chỉ đạo cơ quan THADS, Ban Chỉ đạo THADS cấp huyện tập trung tổ chức thi hành những vụ việc KDTM có giá trị lớn, có khó khăn, phức tạp; chỉ đạo các sở, ban, ngành chuyên môn thực hiện tốt công tác phối hợp với cơ quan THADS, nhất là trong công tác cưỡng chế thi hành án, công tác xác minh điều kiện thi hành án... Căn cứ điều kiện thực tiễn địa phương bố trí kinh phí và ngân sách thực hiện nhiệm vụ của Đề án; khi kết thúc Đề án chuyển giao kết quả thực hiện về Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.