Thể chế minh bạch
Chính phủ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng thể chế, pháp luật nâng cao hiệu quả từ chi tiêu công đến hoạt động kiến tạo để doanh nghiệp phát triển.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng ở mức 8% trong năm 2025 và cao hơn trong các năm tiếp, bên cạnh việc phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống, Việt Nam cần tập trung xây dựng một hệ thống thể chế kinh tế và thể chế chính trị phù hợp. Điều này là hết sức quan trọng.
Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam xem xét, đánh giá thể chế kinh tế thị trường của mình nhằm chuẩn bị tốt cho giai đoạn chuyển sang nhóm thu nhập trung bình cao vào năm 2030, hướng đến trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Năng lực thể chế hay nói cách khác là thúc đẩy thể chế, một mặt là hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật về kinh tế, mặt khác là nâng cao năng lực của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế. Đó là hai định hướng quan trọng để trên cơ sở đó dù đối mặt khó khăn và bất kỳ vấn đề nào thì chúng ta vẫn phải dựa vào đó để giải quyết.
Đặc biệt, minh bạch sẽ là yếu tố quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế của Việt Nam. Sự minh bạch đi đôi với ứng dụng công nghệ sẽ giúp hệ thống quản lý hành chính hiệu quả hơn.
Công nghệ đã và đang được đẩy mạnh áp dụng trong quản lý kinh tế, hệ thống hải quan, hệ thống theo dõi thuế quan… giúp Việt Nam khắc phục được những bất cập trước đây khó giải quyết.
Đáng chú ý, minh bạch thể hiện ngay trong đàm phán thương mại Việt Nam - Mỹ về thuế đối ứng toàn cầu. Theo đó, tăng cường minh bạch sẽ giúp thương mại Việt Nam ngăn chặn nguy cơ là thị trường cho hàng nước ngoài né thuế, ngăn chặn giả mạo xuất xứ để xuất khẩu qua thị trường Mỹ. Điều này giúp chúng ta có một lợi thế tốt hơn, vị trí tốt hơn trong đàm phán với Mỹ.
Minh bạch còn giúp kéo giảm chi phí sản xuất và chi phí phi chính thức, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Bên cạnh đó, hệ thống thể chế có tính bao trùm chính là nền tảng quan trọng cho một nền kinh tế thị trường đầy đủ và giúp khuyến khích sự tham gia của đại đa số người dân vào các hoạt động kinh tế.
Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật theo hướng giảm thiểu can thiệp hành chính, tăng cường hiệu quả thực thi và bảo đảm sự bình đẳng, minh bạch. Cần cải cách tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước vừa thúc đẩy sự sáng tạo, từ bỏ lối tư duy "không kiểm soát được thì cấm".
Tôi tin rằng với quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, sự nỗ lực của tất cả bộ, ban ngành và sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam sẽ giải quyết được những vấn đề còn bất cập, tháo gỡ "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn".
Chính phủ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng thể chế, pháp luật nâng cao hiệu quả từ chi tiêu công đến các hoạt động kiến tạo để doanh nghiệp phát triển. Và những định hướng mà Chính phủ đang thực hiện, theo đuổi là rất cần thiết như: Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả đầu tư công, giảm bớt chi phí chi thường xuyên…
Cùng với đó, chính mỗi doanh nghiệp cũng cần nỗ lực hơn trong đề xuất, tháo gỡ điểm nghẽn thủ tục hành chính. Đây đều là những mục tiêu trong khả năng vươn tới của kinh tế Việt Nam, đưa đất nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/the-che-minh-bach-post321484.html