Thế đối đầu Nga-Thổ nguy hiểm để lại hậu quả khủng khiếp ở Syria?
Việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào các đơn vị của SAA trả đũa cho việc các cơ sở hạ tầng của họ bị tấn công dễ gây thương vong cho người Nga.
Theo jamestown, lực lượng hàng không vũ trụ Nga và Quân đội Ả Rập Syria (SAA) đã chuyển mục tiêu tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở tây bắc Syria, bao gồm cả những khu vực thuộc quyền kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này được cho là có liên quan đến các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo nhằm vào các nhà máy lọc dầu và tàu chở dầu dọc theo các khu vực do phe đối lập được Ankara hậu thuẫn kiểm soát. Điều này có thể tạo tiền đề cho sự leo thang ở Syria, thậm chí có nguy cơ biến thành một vụ va chạm vũ trang giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Nga và chính phủ Syria đang theo đuổi hai mục tiêu chiến lược chính bằng cách nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở các thành trì của phe đối lập thân Thổ Nhĩ Kỳ.
Các báo cáo từ thực tế chiến trường cho thấy dù bạo lực đã hoành hành trên đất nước Syria hơn một thập kỷ nhưng cho đến thời điểm này một số tuyến đường thương mại nối các nhà máy lọc dầu của Syria với các tàu chở dầu vẫn chưa bao giờ ngừng hoạt động. Kinh tế từ dầu khí đã hỗ trợ hàng nghìn người Syria có cuộc sống tốt hơn. Các kế hoạch của Nga ở Syria là tìm cách khôi phục trật tự và đưa các vùng lãnh thổ này trở lại nguyên trạng.
Những bất ổn đã làm bùng phát làn sóng tị nạn, đặc biệt là từ Idlib và chính điều này tạo đòn bẩy mạnh mẽ của Nga với Ankara. Nói một cách đơn giản, nếu nền kinh tế dầu mỏ địa phương tàn lụi ở các khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở phía bắc Syria, thì Thổ Nhĩ Kỳ có thể sớm đối mặt với một làn sóng mới của hàng loạt người di cư Syria và người di tản tìm cách nhập cảnh vào Ankara.
Ankara đã phải chịu gánh nặng của hàng triệu người tị nạn Syria đổ vào mọi ngóc ngách của đất nước kể từ khi cuộc xung đột Syria bắt đầu và dường như Ankara không thể chịu đựng thêm một làn sóng lớn nữa đến từ nước láng giềng phía nam. Nếu các cuộc không kích và tên lửa tiếp tục gia tăng, thì đến một lúc nào đó, chiến dịch leo thang này có thể buộc chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan phải phản ứng bằng cách nào đó để ngăn chặn. Tại thời điểm này, câu hỏi quan trọng nhất đó là việc làm sao để Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng khả năng quân sự để giải quyết vấn đề mà không gây ra xung đột trực diện với lực lượng Nga đang hoạt động ở Syria.
Cho đến nay, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã rất cẩn trọng trong việc nhận diện sự khác biệt giữa Quân đội Ả Rập Syria và Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga khi xác định thủ phạm của các cuộc không kích gần đây. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ quy trách nhiệm cụ thể cho lực lượng của ông Assad và tránh công khai nhắc đến vai trò của Nga.
Tuy nhiên, lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công vào các vị trí chiến đấu của SAA để đáp trả.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có lợi thế trong việc sở hữu lực lượng máy bay không người lái cùng mạng lưới hỏa tiễn mạnh. Sự kết hợp của hai yếu tố này có thể giáng một đòn mạnh vào lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad hồi đầu năm 2020. Do đó, về mặt lý thuyết, Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây thiệt hại lớn cho SAA một cách đáng kể mà không chịu rủi ro từ các cuộc tấn công trên bộ của Syria.
Tuy nhiên, không nên quên rằng các cố vấn quân sự Nga đã tham gia ở gần như tất cả các đơn vị chiến đấu của SAA. Tình hình phức tạp này có thể dẫn đến một tình huống nguy hiểm khác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ở Syria.
Khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay phản lực cường kích Su-24 của Nga vào tháng 11/2015, Lực lượng Không quân Ả Rập Syria và các dàn máy bay của Nga thường xuyên bay sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian đó. Hiện nay, việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào các đơn vị của SAA trả đũa cho việc các cơ sở hạ tầng của họ bị tấn công rất có thể dẫn đến thương vong cho người Nga. Quan hệ Ankara-Moscow bởi vậy rất có thể rơi vào một ngõ nguy hiểm.