Thế gia xuất quan
Dòng họ Lê ở Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh có 4 chi nổi tiếng: Lê Mậu (chi trưởng), Lê Cảnh, Lê Bá, Lê Văn. Theo gia phả, do tộc họ có một số người trực tiếp tham gia tích cực vào khởi nghĩa Lam Sơn nên sau khi Lê Lợi lên ngôi vua, trong 4 chi họ Lê đều có người được phong tước hầu, tước bá...
Đến sau năm 1520, chi Lê Mậu có Lê Mậu Doãn giữ tước Doãn Lộc hầu, chi Lê Cảnh có Lê Cảnh Sắc được phong Đô Thắng Bá, còn các chi khác vẫn giữ nếp nhà tướng làm phó tướng, vệ úy, cai đội, bách trưởng...
Thời kỳ đó, triều Hậu Lê giao cho Mậu Doãn, Cảnh Sắc và tướng tá trong họ Lê giữ các cửa biển như Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Khẩu, bờ biển Quảng Bình đến tận Đèo Ngang.
Năm 1525, trưởng nam nhà Lê Mậu là Lê Mậu Hải cùng trưởng nam nhà Lê Cảnh là Lê Cảnh Sơn ở độ tuổi 17 - 18 sau khi đỗ Hương Cống, mong muốn được kiến công lập nghiệp nên xin song thân cho phép lai kinh để năm sau dự kỳ thi Hội.
Cả đi thuyền và đi bộ hơn 1 tháng, 2 chàng trai đầy hoài bão mới ra đến kinh thành Thăng Long. Sau khi nhờ người hỏi thăm, 2 chàng tìm được chỗ thuê nhà ở chung với chủ, Mậu Hải và Cảnh Sơn được xếp 1 phòng nhỏ nhìn thẳng ra Hồ Tây xa xa.
Tuy nhiên, số phận của 2 chàng họ Lê không an bài theo hướng thi cử mà lại gắn bó với 3 nhân vật nổi danh thời đó như anh em chúa Bầu Vũ Văn Uyên (1479 - 1557), Vũ Văn Mật (1493 - 1571), Tứ dương hầu Phạm Tử Nghi (1509 - 1551).
Mùa xuân 1526, vào tiết Tết thượng nguyên (rằm tháng Giêng), anh em Mậu Hải, Cảnh Sơn hòa vào dòng người vui xuân đến xem một sàn đấu võ. Tại sàn, có một võ sĩ da ngăm đen, tóc quăn, mắt to đậm, mày rậm, cao lớn đã hạ được nhiều võ sĩ khác bằng kỹ thuật đấm, đá, vật, quăng quật đã hạ mấy người.
Mậu Hải, Cảnh Sơn xuất thân nhà tướng, chăm chỉ luyện tập võ nghệ và thủy chiến, nhưng quan sát một lát thì đều nói thành lời: “Đúng là cao thủ kỳ nhân”.
Thấy 2 chàng trai trẻ vừa nói vừa hướng vào mình, lại thêm đám đông hưởng ứng hoan hô, nên võ sĩ da đen chắp tay, cúi người cám ơn mọi người và hỏi có ai muốn lên giao hữu không? Cảnh Sơn thấy Mậu Hải tay chân có vẻ ngứa ngáy, bèn đẩy Mậu Hải lên đài, Hải tự tin vái chào xung quanh rồi lên sàn nói với đối thủ rằng: Tôi Là Lê Mậu Hải đến từ Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh xin được chỉ giáo.
Võ sĩ da ngăm cũng vái 1 cái rồi nói: Còn ta là võ sĩ Phạm Tử Nghi của xứ Đông (Hải Dương) đây. Mậu Hải trụ chân trái, quỳ gối phải chắp tay theo thế “Đồng tử bái Phật” ở thế thấp, chờ địch. Tử Nghi quan sát thấy Mậu Hải nhỏ hơn mình, da đậm chất biển, tay chân săn chắc thế thủ, liền vừa vờn vừa nhảy tới, hay tay sàng che thân, chân lướt theo chữ Chi, chờ sơ hở.
Đến đúng tầm đá, Mậu Hải vỗ đầu gối trái, phóng chân phải đá bằng mũi chân, Nghi tránh được thì Hải xoay bàn chân đá tiếp cạnh bàn chân vào cổ Nghi, Nghi phải dùng 2 bàn tay chặn và vuốt, Hải hạ thấp chân đá ngang vào ống đồng Nghi làm Nghi phải lùi lại.
Nhân đà, Hải nhảy lên song phi liên tiếp vào ngực Nghi, thấy có cơ hội, Nghi tấn vững rồi dùng cánh tay trái cứng như sắt gạt, lựa khi Hải vừa chạm đất chưa vững, Nghi vồ được cổ tay trái Hải, nhanh như cắt Nghi dùng thế xoay người lấy lưng làm đệm quật Hải ngã.
Vốn tập võ trên bãi biển quê hương hơn 10 năm nên Hải ngã nhẹ nhàng và bật ngay dậy vào thế đinh tấn, nhưng nhận thấy đối thủ vẫn hơn mình 1 bậc, Hải cười chắp tay nói: Đa tạ tráng sĩ đã nương tay.
Thế rồi Tử Nghi kết bạn tri giao với 2 anh em họ Lê. Cũng trong năm 1526, Mạc Đăng Dung mang quân vào đánh xứ Thanh. Lê Chiêu Tông sai đại tướng thân tín là Trịnh Duy Thuận bảo vệ hoàng tử Lê Ninh còn mình mang quân ra đón đánh Mạc Đăng Dung.
Lê Chiêu Tông thua trận, bị Đăng Dung bắt mang về Thăng Long giam lỏng. Trịnh Duy Thuận mang hoàng tử Ninh chạy trốn sang Lào, cùng các tướng lĩnh khác lấy ngọc tỉ lập ngự doanh, cắt cử mọi việc, điều hành việc phục quốc.
Duy Thuận xin hoàng tử cử mấy tướng tâm phúc về giữ vùng biển từ Hà Tĩnh đến Đèo Ngang và lệnh cho các tướng cũ như Doãn lộc hầu, Đô Thắng bá mang quân tiến sâu vô vùng Quảng Trị - Thừa Thiên lập ấp, xây thành, mộ quân, để phòng việc sau này.
Đây là một chiến lược có tầm nhìn rất xa. Thấy có dấu của ấn ngọc, anh em các chi họ Lê đang trấn thủ ở Hà Tĩnh, Quảng Bình vội thu xếp lên đường bằng đường biển và cử người ra kinh thành tìm hiểu tình hình để cần thì gọi Mậu Hải, Cảnh Sơn về Nam.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung giành ngôi nhà Hậu Lê. Đầu thời Mạc Phạm Tử Nghi đỗ tạo sĩ khoa thi võ cử và nhờ vào tài năng xuất chúng. Tử Nghi được nhà Mạc thu dụng, là võ tướng hiển hách, sau trở thành phò mã lấy công chúa con vua Mạc Đăng Doanh, được ban tước Tứ Dương hầu và dần dần được thăng tới chức Thái úy. Do quý mến, tin cậy Mậu Hải nên Tử Nghi tiến cử Hải với triều Mạc, Hải được phong làm phó tướng chỉ huy thủy quân ở Quảng Ninh.
Năm 1533, Nguyễn Kim tái lập nhà Hậu Lê, tạo thành thế đối lập Nam - Bắc với nhà Mạc.
(Còn nữa)
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gia-xuat-quan-post604353.html