THẾ GIỚI 24H: Nga cáo buộc Mỹ, Anh 'tiếp tay' Ukraine tấn công cầu Crimea
Bộ Ngoại giao Nga hôm 17/7 đã lên tiếng chỉ trích Ukraine thực hiện cuộc tấn công cầu Crimea với 'sự tham gia trực tiếp' của Mỹ và Anh.
“Cuộc tấn công vào cầu Kerch (hay còn gọi là cầu Crimea) hôm nay do chính quyền Kiev thực hiện. Các quyết định được đưa ra bởi các quan chức và quân đội Ukraine với sự tham gia trực tiếp của các cơ quan tình báo và chính trị gia Mỹ và Anh”, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết trên Telegram. Cùng ngày, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS cho biết Ủy ban Điều tra của Nga khẳng định, vụ tấn công cầu Crimea do các lực lượng đặc nhiệm của Ukraine tiến hành. Cơ quan điều tra Nga đang xác định danh tính của các cá nhân trong lực lượng đặc nhiệm Ukraine và các tổ chức vũ trang đồng lõa lên kế hoạch và thực hiện “tội ác” này.
Lãnh đạo Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF), một trong hai bên đối địch trong cuộc xung đột hiện nay tại Sudan, ngày 17/7 cho biết, các cuộc đàm phán giữa RSF và quân đội Sudan tại Jeddah, Saudi Arabia có thể đạt tới một lệnh ngừng bắn toàn diện mới trong những ngày tới.
Điện Kremlin tuyên bố đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc. Ngày 17/7, thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, thỏa thuận ngũ cốc đã ngừng hoạt động, do các yêu cầu của Nga không được đáp ứng. Ông Peskov giải thích, “trên thực tế, các thỏa thuận Biển Đen đã hết hiệu lực. Như Tổng thống Nga V.Putin đã nói trước đó, hạn chót là ngày 17/7. Thật không may, phần liên quan đến Nga, vẫn chưa được thực hiện cho đến nay. Do đó , hiệu lực của nó bị chấm dứt”. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga nhấn mạnh, ngay sau khi phần của các thỏa thuận liên quan đến Nga được thực hiện, Moscow sẽ ngay lập tức "quay trở lại việc thực hiện thỏa thuận này".
Cựu Tổng thống Mỹ Trump nêu kế hoạch hòa bình Ukraine “24 giờ”: Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố ông có thể đưa các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine hướng tới một giải pháp được đàm phán giữa các bên. Sau khi liên tục tuyên bố có thể chấm dứt xung đột Nga-Ukraine trong vòng 24 giờ nếu được bầu lại làm tổng thống Mỹ vào năm 2024, ông Donald Trump mới đây đã vạch ra kế hoạch để có thể mang lại một thỏa thuận hòa bình. Ông Trump cho biết, ông có đủ ảnh hưởng với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để ngăn chặn đổ máu.
Các nước Baltic sẽ tách khỏi lưới điện của Nga vào đầu năm 2025. Thủ tướng Estonia Kaja Kallas mới đây đã thông báo các quốc gia Baltic sẽ tách khỏi lưới điện của Nga vào đầu năm 2025. Thủ tướng Kallas cũng nhấn mạnh việc ngắt kết nối sẽ được được thông báo bằng một văn bản gửi tới các nhà vận hành mạng lưới điện chung của các nước Baltic, Nga và Belarus vào tháng 8/2024.
Tiêm kích Su-25 của Nga rơi ở biển Azov. Trang tin tức quân sự Avia.pro trích dẫn thông cáo của Quân khu miền Nam Nga cho hay, vụ tai nạn xảy ra gần thành phố cảng Yeysk thuộc vùng Krasnodar. Yeysk nằm đối diện khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine qua biển Azov.
Hàn Quốc điều tra vụ ngập lụt đường hầm gây chết người. Ngày 17/7, giới chức Hàn Quốc xác nhận chính phủ nước này đã khởi động cuộc điều tra vụ ngập lụt đường hầm mới đây ở thành phố Osong khiến 13 người thiệt mạng.
Thụy Điển viện trợ bổ sung hơn 500 triệu USD cho nỗ lực tái thiết Ukraine. Ngày 17/7, Chính phủ Thụy Điển cam kết sẽ viện trợ bổ sung 6 tỷ kronor (586 triệu USD) cho nỗ lực tái thiết Ukraine và tạo điều kiện cho Kiev thực thi cải cách để mở đường cho việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Triều Tiên cảnh báo Mỹ ngừng khiêu khích. Ngày 17/7, phản ứng trước nhận định của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng Triều Tiên sẽ tiếp tục thử thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), KCNA (Triều Tiên) dẫn lời bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhấn mạnh: “Mỹ nên dừng hành động có thể gây nguy hiểm cho an ninh của họ bằng việc khiêu khích chúng tôi”.
Ba Lan có thể đóng cửa cơ sở ngoại giao Nga. Ngày 17/7, đài phát thanh RMF FM (Ba Lan) dẫn lời người đứng đầu Văn phòng Chính sách Quốc tế Tổng thống Ba Lan, ông Marcin Przydacz cho biết nước này có thể áp dụng “nguyên tắc có đi có lại” sau khi Nga thông báo sẽ đóng cửa một lãnh sự quán Ba Lan vào ngày 31/8. Ông nêu rõ: “Ba Lan bảo lưu khả năng thực hiện các bước tương tự”.
Ukraine muốn sửa đổi hiến pháp để cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexei Reznikov cho rằng, điều khoản quy định trong hiến pháp về việc không triển khai các căn cứ quân sự nước ngoài giờ đã lỗi thời. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov đã đề nghị loại bỏ điều khoản về việc không triển khai các căn cứ quân sự nước ngoài khỏi điều 17 của Hiến pháp Ukraine.