Thế giới bàng hoàng tiễn biệt Giáo hoàng Francis
Giáo hoàng Francis qua đời ở tuổi 88 sau thời gian chống chọi với viêm phổi kép, để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong lòng hàng triệu tín đồ và lãnh đạo thế giới.
Giáo hoàng Francis, vị giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Latinh trong lịch sử Giáo hội Công giáo La Mã, đã qua đời, theo thông báo của Vatican hôm 21/4. Ông hưởng thọ 88 tuổi và được xác nhận là đã phải chống chọi với một cơn viêm phổi kép nghiêm trọng trong thời gian gần đây.
Ngay sau tin buồn, nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu đã lên tiếng chia buồn, tưởng niệm vị giáo hoàng có sức ảnh hưởng sâu sắc trong thế kỷ 21.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance bày tỏ:
“Tôi vừa hay tin Đức Giáo hoàng Francis đã qua đời. Xin chia buồn với hàng triệu tín đồ Thiên Chúa giáo trên toàn thế giới, những người yêu quý ngài. Tôi rất vui vì đã được gặp ngài hôm qua (Chủ nhật), dù rõ ràng ông ấy rất yếu. Nhưng tôi sẽ mãi nhớ bài giảng tuyệt vời của ông vào những ngày đầu đại dịch COVID – một khoảnh khắc truyền cảm hứng và sâu sắc”.

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance gặp Giáo hoàng Francis vào ngày lễ Phục sinh 20/4. Ảnh: X/VP
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni mô tả sự ra đi của Giáo hoàng là mất mát của “một người đàn ông vĩ đại, một người chăn cừu vĩ đại”. Bà nói thêm:
“Tôi đã có vinh dự được tận hưởng tình bạn, lời khuyên và sự dạy dỗ của ông – những điều không bao giờ ngừng lại, kể cả trong những thời khắc đau thương nhất”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết:
“Trong suốt triều đại của mình, Đức Giáo hoàng Francis luôn đứng về phía những người dễ bị tổn thương và mong manh nhất, và ông đã làm điều đó với một trái tim khiêm nhường. Trong thời đại của chiến tranh và tàn bạo, ông là hiện thân của lòng cảm thông”.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gọi Giáo hoàng là biểu tượng toàn cầu của lòng trắc ẩn, sự khiêm nhường và dũng cảm. Ông viết:
“Ngài đã cống hiến cho người nghèo và người bị áp bức. Đối với những người đang đau khổ, ngài là nguồn hy vọng. Tôi trân trọng nhớ lại những lần gặp ông và lấy cảm hứng từ cam kết của ông cho một thế giới phát triển toàn diện, bao trùm. Tình cảm của ngài dành cho người dân Ấn Độ sẽ luôn được ghi nhớ”.
Thủ tướng kế nhiệm Đức Friedrich Merz chia sẻ trên nền tảng X (trước đây là Twitter):
“Đức Giáo hoàng Francis sẽ được nhớ đến vì sự tận tụy không mệt mỏi đối với những thành viên yếu thế nhất trong xã hội. Ông ấy được dẫn dắt bởi lòng khiêm nhường và đức tin vào lòng thương xót của Chúa”.
Tổng thống Israel Isaac Herzog gọi Giáo hoàng Francis là “một người đàn ông có đức tin sâu sắc và lòng trắc ẩn vô bờ bến”.
“Ông đã cống hiến đời mình để nâng đỡ người nghèo và kêu gọi hòa bình trong một thế giới đầy biến động. Tôi thực sự hy vọng rằng những lời cầu nguyện của ông cho hòa bình Trung Đông và sự trở về an toàn của các con tin ở Gaza sẽ sớm thành hiện thực”.
Đức Hồng y Pablo Virgilio David, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines, không giấu được cảm xúc:
“Tôi vô cùng sốc vì chuyện này. Chúng ta hãy cùng rung chuông nhà thờ và kêu gọi mọi người cầu nguyện cho sự an nghỉ vĩnh hằng của Giáo hoàng Francis, người đã qua đời cách đây khoảng mười phút”.
Giáo hoàng Francis, sinh năm 1936 tại Argentina, đã ghi dấu ấn bằng cách tiếp cận cởi mở, khiêm nhường và kiên quyết đứng về phía người yếu thế. Sự ra đi của ông không chỉ là một mất mát to lớn với Giáo hội Công giáo mà còn với thế giới – nơi ông từng là biểu tượng của hy vọng trong thời đại đầy biến động.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/the-gioi-bang-hoang-tien-biet-giao-hoang-francis-10287830.html