Thế giới Các quốc gia đang phát triển kêu gọi 'công bằng khí hậu'
TTH - Tại Hội nghị thượng đỉnh về hành động khí hậu, diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27), các nhà lãnh đạo thế giới đã lên tiếng về những hành động cụ thể, nhất là đối với vấn đề thích ứng, cũng như tổn thất và thiệt hại.
Hội nghị COP27 đang được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Sharm El-Sheikh, thành phố Sharm El-Sheikh, Ai Cập từ ngày 6 - 18/11. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Được biết, Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry đã khởi động Chương trình nghị sự Thích ứng Sharm el-Sheikh nhằm tập hợp hành động toàn cầu xoay quanh 30 kết quả cần thiết để giải quyết những gì mà Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) mô tả là “khoảng cách thích ứng” với khí hậu.
Cụ thể, chương trình nghị sự này sẽ tăng cường khả năng phục hồi nhanh cho 4 tỷ người sống trong các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trước khí hậu vào năm 2030. Đây được xem là kế hoạch tập trung vào thích ứng toàn diện và trên quy mô toàn cầu đầu tiên, nhằm tập hợp các Chính phủ và những bên liên quan về một loạt hành động chung. Kế hoạch sẽ bao gồm các điểm hành động về những vấn đề liên quan đến an ninh lương thực nông nghiệp, nước và thiên nhiên, các khu định cư, đại dương, cũng như các thành phố,…
Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc (LHQ), gần một nửa dân số thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu vào năm 2030, ngay cả khi Trái đất nóng lên chỉ 1,5 độ C.
Trong một nhận định liên quan, ông Simon Stiell, Thư ký điều hành của LHQ về biến đổi khí hậu cho rằng: “Chương trình nghị sự này tập hợp mọi thành phần trong xã hội lại với nhau”; đồng thời tái khẳng định, Hội nghị COP27 nhằm biến những tham vọng trở thành kết quả.
Những cam kết mới
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry đã gửi lời cảm ơn đến một số quốc gia về những cam kết mới đối với vấn đề thích ứng.
“Những cam kết cụ thể có thể giúp chúng ta đi về phía trước. Tôi ca ngợi tuyên bố của Thủ tướng Anh Rishi Sunak rằng Vương quốc Anh sẽ tăng gấp 3 lần tài chính thích ứng vào năm 2025, con số này thậm chí đã vượt mức cam kết được đưa ra hồi năm ngoái ở Glasgow”, ông Sameh Shoukry nói thêm.
Trong khi đó, Đức tuyên bố cam kết 170 triệu USD dành cho vấn đề tổn thất và thiệt hại; Bỉ cam kết 2,5 triệu euro, đặc biệt dành cho Mozambique, quốc gia đã phải hứng chịu tổn thất nặng nề vào năm 2021 do những đợt mưa cực đoan. Ngoài ra, Áo cho biết sẽ cung cấp 50 triệu USD dành cho vấn đề tổn thất và thiệt hại; trong khi Scotland, với cam kết 2 triệu bảng Anh trước đó, đã thông báo bổ sung thêm 5 triệu bảng Anh.
Các điểm nhấn khác
Nhiều sáng kiến cũng đã được đưa ra, bao gồm sáng kiến Thị trường Carbon châu Phi, nhằm mở rộng sự tham gia của châu Phi vào các thị trường carbon tự nguyện, bằng cách đặt ra mục tiêu cho châu lục này và phát triển một lộ trình các chương trình hành động sẽ được thực hiện trong vài năm tới để đáp ứng các mục tiêu đó.
Một trong số những điểm nổi bật khác tại sự kiện lần này là Tuvalu, một quốc gia đảo nhỏ đã yêu cầu một hiệp ước quốc tế về không phổ biến nhiên liệu hóa thạch, nhằm loại bỏ dần việc sử dụng than, dầu và khí đốt. Trong một động thái liên quan hồi tháng 9 năm ngoái, tại Đại hội đồng LHQ, Vanuatu cũng đã lên tiếng kêu gọi việc thành lập hiệp ước này.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã kêu gọi sự hỗ trợ dành cho các quốc gia đang phát triển. “Các thảm họa khí hậu sẽ để lại một vệt dài... trong nhiều thập kỷ, nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thế hệ, và ngày càng có nhiều sự công nhận rằng, chúng ta không thể để các cộng đồng dễ bị tổn thương tự mình đối phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu này”, bà Theresa Anderson, điều phối viên chính sách khí hậu tại Tổ chức quốc tế chống đói nghèo ActionAid khẳng định.
Các quốc gia đang phát triển đều nhấn mạnh, Hội nghị COP27 thiết lập một cơ sở tài trợ để giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại. Qua đó, bà Theresa Anderson cho rằng, các quốc gia giàu có cần nhìn xa hơn, và nhận ra tầm quan trọng của một cơ sở tài chính mới, trong đó có thể giúp các quốc gia bị tàn phá khắc phục những thiệt hại và phục hồi sau các thảm họa khí hậu.
LÊ THẢO
(Lược dịch từ UN News)