Thế giới chào đón mùa xuân

Mùa xuân là thời điểm được nhiều người yêu thích nhất trong năm không chỉ bởi tiết trời dễ chịu, ánh sáng rực rỡ, cây cỏ tươi tốt mà còn bởi ý nghĩa tuyệt đẹp mà nó mang lại. Đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc tại các quốc gia trên thế giới nhằm báo hiệu mùa xuân về.

Lạc lối giữa lễ hội hoa Floriade tại Úc. (Ảnh: Vietravel.com)

Lạc lối giữa lễ hội hoa Floriade tại Úc. (Ảnh: Vietravel.com)

Mùa xuân, mùa của khởi đầu mới

Mùa đông đi qua, mùa xuân tới cũng là lúc khởi đầu một năm mới mang theo bao cảm xúc hân hoan, chờ mong. Không tự nhiên mà người ta mong ngóng và gọi mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm bởi đây là thời điểm hội tụ của tinh hoa đất trời, mùa của cây cối đâm chồi, trăm hoa đua nở. Ngoài được đề cập đến là một mùa trong năm, mùa xuân còn thường được liên tưởng đến sự tái sinh, khởi đầu mới hay tượng trưng cho niềm tin và hy vọng.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, mùa xuân cũng được coi là mùa đẹp nhất trong bốn mùa và mang những ý nghĩa đặc biệt tùy vào văn hóa và tập quán của mỗi quốc gia. Tại Hàn Quốc, mùa xuân thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5 dương lịch. Mùa xuân nơi đây không chỉ là sự bắt đầu của bốn mùa mà còn mang ý nghĩa khi những ngày đông lạnh giá qua đi và cây cối lại đâm chồi nảy lộc nên quan trọng hơn bất kỳ mùa nào khác. Trong các tác phẩm văn học Hàn Quốc, bản thân mùa xuân thường được tượng trưng và thể hiện cho ý nghĩa sống động, tươi sáng hay hồi sinh.

Điểm khác lạ của các loài hoa xuân xứ sở kim chi là hoa hé nở trước sau đó mầm lá mới xuất hiện. Đến cuối tháng 3, khi tiết trời dần ấm áp, các loài hoa ấy bắt đầu nhú những chiếc nụ xinh xinh để chào đón ánh nắng ghé qua. Rồi làn gió se lạnh đâu đó đột nhiên tràn về và làm cho những nụ hoa giật mình không dám nở, người Hàn gọi đây là tiết trời “gió đánh ghen hoa”. Loài hoa biểu tượng của mùa xuân Hàn Quốc là anh đào cùng với hoa đỗ quyên, hoa đầu xuân, hoa mai trắng hay hoa cải dầu.

Lễ hội mùa xuân của Iran với tên gọi Nowruz. (Ảnh: Getty Images)

Lễ hội mùa xuân của Iran với tên gọi Nowruz. (Ảnh: Getty Images)

Đối với người dân nước Anh, tuy mỗi mùa mỗi vẻ nhưng họ cho rằng mùa xuân tại nước họ là mùa đẹp nhất trong năm. Từ tháng 3 đến tháng 5 là thời điểm vạn vật trỗi dậy mạnh mẽ tạo nên bản giao hưởng mùa xuân tuyệt vời tại nơi đây. Sau những thử thách của mùa đông, sự trỗi dậy của sự sống vào mùa xuân khiến đây là mùa của sự sinh trưởng mới, với những chồi non mọc trên cây và nhiều loài động vật, chim chóc ra đời. Cùng với ánh mặt trời chiếu soi rực rỡ, nên khoảng thời gian này hoa lá đâm chồi, nảy lộc mạnh mẽ nhất. Chính vì lẽ đó, mùa xuân được mệnh danh là “mùa hy vọng”.

Là đất nước của sự lãng mạn, người dân nước Pháp càng yêu thích mùa xuân trên đất nước họ hơn bao giờ hết. Sau mùa đông dài giá lạnh, mùa xuân đã rũ bỏ chiếc áo khoác băng giá và bắt đầu thức giấc trên đất nước tình yêu. Tại Pháp, mùa xuân có sự tương đồng với tuổi trẻ, nó không chỉ đánh dấu sự kết thúc của mùa đông mà còn là sự đổi mới của thiên nhiên và thời điểm hái những bông hoa anh thảo, loài hoa báo trước những ngày nắng. Đây là lý do tại sao mùa phổ biến nhất ở Pháp là mùa xuân đối với nhiều người.

Tựu trung, mùa xuân không chỉ là một khoảnh khắc thời gian tiếp nối xoay vần mà còn là thời điểm mang ý nghĩa sâu sắc đối với các quốc gia trên thế giới. Đối với con người, bước sang mùa xuân mới, người ta khép lại quá khứ để sống cho hiện tại và hướng về tương lai với những mục tiêu mới. Còn đối với thiên nhiên, mùa xuân khiến thiên nhiên như bừng tỉnh và khoác trên mình một chiếc áo mới, đẹp đẽ và lộng lẫy hơn. Mặt trời sau những ngày vắng bóng vào ngày đông, nay trở lại sưởi ấm lòng người, chiếu soi từng đất nước.

Tục lệ tặng vòng tay martenitsi tại Bulgaria. (Ảnh: Getty Images)

Tục lệ tặng vòng tay martenitsi tại Bulgaria. (Ảnh: Getty Images)

Tục lệ chào đón mùa xuân

Được coi là mùa đẹp nhất và quan trọng nhất trong năm, mùa xuân tại nhiều quốc gia trên thế giới không chỉ giàu ý nghĩa mà còn gắn với các tục lệ, lễ hội chào đón mùa xuân độc đáo với những bản sắc văn hóa riêng biệt. Tại Nhật Bản, để báo hiệu mùa xuân về, lễ xuân phân (Shunbun no hi) được tổ chức với ý nghĩa mừng xuân về và cảm tạ thiên nhiên. Ngày lễ xuân phân ra đời vào năm 1948 và là ngày lễ quốc dân chính thống tại Nhật Bản. Một truyền thống quan trọng của Nhật Bản vào ngày xuân phân bao gồm việc đi viếng mộ tổ tiên. Các gia đình dành cả ngày để lau chùi bia mộ và để lại những bông hoa xuân tươi ở nghĩa trang.

Còn tại Thái Lan, Songkran là ngày tết cổ truyền mừng năm mới và là một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm của Thái Lan. Songkran được tổ chức vào ngày đầu năm theo Phật lịch để đón năm mới. Là một phần của lễ đón xuân và năm mới, đây là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật, dọn dẹp nhà cửa, té nước vào người cao tuổi nhằm tỏ lòng tôn kính. Trong thời gian diễn ra lễ hội, các con đường lớn đóng cửa để nhiều cuộc diễu hành, thi sắc đẹp diễn ra.

Ngày đầu tiên của mùa xuân ở Iran cũng đánh dấu sự khởi đầu của năm mới. Một lễ hội mùa xuân được gọi là Nowruz (trong tiếng Ba Tư có nghĩa là “ngày mới”), được tổ chức và cũng là ngày lễ quốc gia ở Iran. Đây được coi là thời điểm để nhìn lại năm cũ đã qua và đưa ra các dự định cho tương lai. Trước khi bắt đầu lễ Nowruz, người Iran chuẩn bị trước nhiều tuần bằng cách dọn dẹp nhà cửa từ trên xuống dưới. Họ giặt thảm, cửa sổ, rèm cửa và đồ nội thất để chào mùa. Lễ dọn dẹp mùa xuân hàng năm này được gọi là khouneh tekouni, hay “lắc nhà”. Ngoài ra còn có truyền thống mua một bộ quần áo mới. Vào ngày xuân phân, các gia đình mặc quần áo mới và đi thăm gia đình, bạn bè. Người lớn tuổi tặng quà cho trẻ em là kẹo và tiền xu.

Cũng có tục lệ tặng quà vào những ngày mùa xuân, tại Bulgaria, bạn bè và gia đình tặng nhau những chiếc vòng tay dệt nhỏ màu đỏ và trắng, đôi khi có đính kèm búp bê. Những chiếc vòng tay này được gọi là martenitsi và được đeo quanh cổ tay hoặc trên quần áo. Chúng là biểu tượng của hạnh phúc. Màu trắng tượng trưng cho tuyết và màu đỏ tượng trưng cho mặt trời lặn. Đeo martenitsa là phong tục cổ xưa, tràn đầy niềm vui và hy vọng của người Bulgaria. Là một điềm báo của mùa xuân, phong tục này đã giữ gìn qua hàng thế kỷ cho đến ngày nay.

Lễ hội té nước Songkran tại Thái Lan. (Ảnh: Getty Images)

Lễ hội té nước Songkran tại Thái Lan. (Ảnh: Getty Images)

Còn đất nước Ba Lan lại đón mùa xuân tới bằng một cách vô cùng độc đáo đó là ném các con búp bê xuống nước, một truyền thống lâu đời của họ. Đây là một con búp bê đặc biệt, thường được làm bằng rơm và mặc quần áo nhiều màu sắc. Đến với Ba Lan vào mùa xuân sẽ bắt gặp hình ảnh các gia đình và bạn bè người Ba Lan mang theo những con búp bê này khi họ đi xuống ao hoặc sông. Con búp bê này tượng trưng cho mùa đông, vì vậy để tạm biệt mùa đông và chào đón mùa xuân, những con búp bê này được ngâm trong nước, đôi khi chúng còn bị đốt.

Tại Mexico, nhiều thị trấn trên đất nước này tổ chức lễ hội mùa xuân để chào mừng mùa mới. Với các cuộc diễu hành dành cho trẻ em được nhiều người yêu thích, trong đó trẻ em hóa trang thành hoa và động vật. Một trong những lễ kỷ niệm mùa xuân lớn nhất lại diễn ra tại một địa điểm cổ có tên là Chichén Itzá, một thành phố lớn được xây dựng bởi người Maya cổ đại. Mọi người từ khắp Mexico và hơn thế nữa đã tụ tập để chào mừng lễ hội xuân phân, thời điểm đổi mới và tái sinh.

Khác với các nước nói trên, muốn đón mùa xuân tại nước Úc phải đợi đến tháng 9 hàng năm. Úc nằm ở phía bên kia thế giới - bán cầu Nam, nghĩa là mùa xuân của nước Úc trùng với mùa thu của các nước ở bán cầu Bắc. Nhưng nếu có thể đợi đến tháng 9 sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng một nước Úc xinh đẹp đang rộn ràng chào đón những lễ hội hoa xuân vô cùng rực rỡ như: Lễ hội hoa Floriade, Lễ hội hoa tulip Tesselaar, Lễ hội mùa xuân Bright Spring Festival,… Tại Lễ hội hoa Floriade, trong 30 ngày, một triệu bông hoa khổng lồ tràn ngập Công viên Commonwealth ở Thủ đô Canberra cùng với các tác phẩm điêu khắc, nhạc sống và cuộc thi trang trí thần lùn, đây là một lễ hội mùa xuân ấn tượng của nước Úc.

Có thể thấy, mặc dù mỗi tục lệ, lễ hội tại mỗi đất nước có đặc thù văn hóa khác nhau nhưng tất cả đều hướng đến kỳ vọng cho sự đâm chồi nảy lộc, nhiều may mắn trong thời gian tới.

Linh Chi (t/h)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/the-gioi-chao-don-mua-xuan-post504667.html