Thế giới chia sẻ với Việt Nam về những thiệt hại do bão lũ
Mỹ, Argentina, Australia, Nhật, Hàn Quốc... là những quốc gia đầu tiên đã có những chia sẻ cũng như hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão số 3. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đang tích cực xem xét viện trợ trên cơ sở nhu cầu thực tế của phía Việt Nam.
Ngày 12/9 (theo giờ địa phương), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ra tuyên bố về những thiệt hại do bão Yagi (bão số 3 tại Việt Nam) gây ra, trong đó gửi lời thăm hỏi chân thành nhất tới nhân dân Việt Nam đang hứng chịu hậu quả do cơn bão này; đồng thời cho biết Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đang cung cấp viện trợ nhân đạo để hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam nhằm khắc phục hậu quả do bão, bao gồm viện trợ tài chính, lều bạt, nước uống và thiết bị vệ sinh, cũng như các vật dụng cần thiết khác…
Trước tình hình dự báo tiếp tục có mưa lớn trong những ngày tới đây, các chuyên gia về thảm họa của USAID tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đối tác ứng phó khẩn cấp ở địa phương. Ngoại trưởng Blinken cũng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác, trong đó có khuôn khổ nhóm Bộ tứ (Quad) nhằm hỗ trợ người dân Việt Nam trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), sẽ cung cấp 1 triệu USD (hơn 24 tỷ đồng) viện trợ nhân đạo khẩn cấp để hỗ trợ Việt Nam khắc phục những thiệt hại.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho biết khoản hỗ trợ 1 triệu USD này dựa trên nền tảng những hỗ trợ lâu dài dành cho Chính phủ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để giúp nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và tăng cường năng lực ứng phó thiên tai, thảm họa cho các cộng đồng trên cả nước.
Ông Knapper khẳng định Mỹ là đối tác cam kết của Việt Nam trong nỗ lực ứng phó và phục hồi khẩn cấp sau thảm họa thiên nhiên này.
Ngày 12/9, Chính phủ Argentina đã bày tỏ tình đoàn kết với Chính phủ và người dân Việt Nam trước những thiệt hại mà cơn bão Yagi để lại làm ít nhất 200 người thiệt mạng và nhiều người mất tích.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Argentina nhấn mạnh: “Argentina bày tỏ tình đoàn kết với Chính phủ, nhân dân Việt Nam và gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân trước hậu quả bi thảm do cơn bão Yagi gây ra”.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Chính phủ và Nhân dân Việt Nam trước những mất mát do thiên tai gây ra.
“Australia đánh giá cao sự chỉ đạo hiệu quả của Chính phủ Việt Nam trong việc điều phối các hoạt động cứu trợ và ứng phó khẩn cấp tại các khu vực bị ảnh hưởng; chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình khắc phục hậu quả và tái thiết,” Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski nhấn mạnh.
Trước đó, Chính phủ Australia đã công bố sẽ cung cấp cho Việt Nam khoản viện trợ ban đầu trị giá 3 triệu AUD (khoảng 49 tỷ đồng), bao gồm nỗ lực hỗ trợ nhân đạo, vật tư cứu trợ khẩn cấp và các dịch vụ thiết yếu khác nhằm ứng phó với các thiệt hại do siêu bão Yagi gây ra. Lô hàng cứu trợ khẩn cấp đầu tiên đã đến Hà Nội tối 11/9
Cũng ngày 12/9, Đại sứ quán Hàn Quốc cho biết Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định cung cấp viện trợ nhân đạo trị giá 2 triệu USD (gần 50 tỷ đồng) với hy vọng sẽ góp phần khôi phục các khu vực bị thiệt hại và giúp người dân vùng thiệt hại quay trở lại cuộc sống thường nhật trong thời gian sớm nhất.
Ngày 12/9, Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sĩ (SDC) thông báo sẽ cử 6 chuyên gia từ bộ phận Viện trợ Nhân đạo Thụy Sĩ đến Việt Nam và cung cấp 1 triệu franc để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi.
Thông báo cho biết các chuyên gia, bao gồm các chuyên gia về nước và vệ sinh, nơi trú ẩn khẩn cấp và giảm thiểu rủi ro thiên tai, sẽ hỗ trợ chính phủ Việt Nam đánh giá nhu cầu và xây dựng các phản ứng ngắn hạn và trung hạn.
SDC cũng đang chuẩn bị để gửi hàng cứu trợ, bao gồm 300 lều gia đình và hai hệ thống phân phối nước có khả năng phục vụ 10.000 người. Trong thời gian tới, SDC cũng sẽ liên lạc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để chuyển hàng hóa thiết yếu do Thụy Sĩ tài trợ đến các khu vực bị ảnh hưởng. Ngoài ra, SDC cũng dành riêng 1 triệu franc để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Đây được xem là nỗ lực cụ thể của Bern cho Quỹ ứng phó thảm họa khẩn cấp của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC-DREF), đơn vị cũng đã giải ngân tiền để hỗ trợ các hoạt động cứu trợ. Theo đánh giá, Việt Nam là quốc gia ưu tiên của Ban thư ký nhà nước về các vấn đề kinh tế (SECO), đơn vị hiện đang xem xét việc phân bổ lại một số hoạt động để giải quyết các nhu cầu phát sinh từ thảm họa.
Nhân dịp này, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cho hay thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), hiện Chính phủ Nhật Bản đang xem xét tích cực việc hỗ trợ vật tư phục vụ công tác khắc phục hậu quả cơn bão trên cơ sở nhu cầu của phía Việt Nam.
Hàng hóa viện trợ từ JICA bao gồm: 40 máy lọc nước cầm tay; 200 tấm bạt nhựa đa năng, dự kiến sẽ được chuyển đến Sân bay quốc tế Nội Bài trong ngày 16-17/9.
Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA) sẽ hỗ trợ 2.002 bộ dụng cụ gia đình; 1.008 bộ dụng cụ sửa chữa nhà cửa; 1.015 bộ dụng cụ bếp; 3.031 bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân. Dự kiến hàng viện trợ được chuyển đến Sân bay quốc tế Nội Bài trong ngày 13-14/9.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã khẩn cấp vận chuyển 80.000 viên lọc nước tới Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thái Nguyên và 4.000 lít nước tới Bệnh viện tỉnh Lào Cai để đảm bảo cung cấp nước uống cho 800 người.
Trong những ngày tới, UNICEF sẽ cung cấp viên lọc nước, bồn chứa nước, bộ lọc gốm, dung dịch rửa tay khô và xà phòng cho chính quyền địa phương để phân phát đến các hộ gia đình, trường học và cơ sở y tế tại các tỉnh Yên Bái và Lào Cai.
Các nhà tài trợ khác như: UN Women, Đại sứ quán Thụy Sỹ, Đại sứ quán Pháp, Save the Children đang làm việc với cơ quan chức năng Việt Nam để thống nhất về phương án hỗ trợ khẩn cấp...