Thế giới có 107,8 triệu ca nhiễm COVID-19
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh - Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang thống kê worldometers.info, đến 9 giờ ngày 11/2 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trên thế giới hiện là 107,8 triệu người, trong đó 2.363.273 người tử vong.
Bị ảnh hưởng nhiều nhất là Mỹ, nước hiện đã ghi nhận 27.896.463 ca nhiễm, Ấn Độ đứng thứ hai với số ca nhiễm gần bằng một nửa của Mỹ (10.871.060 ca). Nếu xét theo số ca tử vong, Mỹ cũng đứng đầu với 483.039 ca, trong khi Brazil đứng thứ hai với 234.945 ca. Số cả tử vong ở Ấn Độ hiện là 155.399 ca trong khi ở Anh là 114.851 ca.
Xét theo khu vực, Bắc Mỹ ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất với 31,9 triệu ca, tiếp theo là châu Âu với 31,7 triệu ca trong khi châu Á ghi nhận 23,7 triệu ca và Nam Mỹ là 16,6 triệu ca. Châu Phi và châu Đại Dương ít bị ảnh hưởng hơn, nhưng cũng đã ghi nhận lần lượt 3,7 triệu ca và 50.480 ca nhiễm.
Tại Mỹ, trong bối cảnh số ca nhiễm mới mỗi ngày vẫn không ngừng tăng, một nghiên cứu của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết việc đeo một khẩu trang vừa khít với khuôn mặt và sử dụng 2 khẩu trang có thể làm giảm đáng kể nguy cơ phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2.
Giám đốc của CDC Rochelle Walensky cho biết những thí nghiệm cũng làm sáng tỏ rằng “việc đeo khẩu trang sẽ hiệu quả nhất khi vừa với khuôn mặt và được đeo đúng cách”. Ông Walensky cũng cho biết thêm rằng việc đeo 2 khẩu trang có thể ngăn chặn 92,5% những giọt bắn khi ho.
Tại châu Âu, Nga ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất (hiện đã vượt 4 triệu ca) trong khi Anh ghi nhận nhiều ca tử vong nhất. Tại Đức, Chính phủ liên bang và chính quyền các bang đã nhất trí kéo dài thêm 3 tuần lệnh phong tỏa hiện nay cho tới ngày 7/3 tới. Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo về một làn sóng lây nhiễm thứ ba nếu mọi người không cẩn trọng trước sự nguy hiểm của các biến thể virus.
Theo bà, thời gian từ nay tới giữa tháng 3 sẽ là khoảng thời gian "sống còn" bởi sự nguy hiểm của các biến thể là rất thực tế.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, một số điểm chính trong nghị quyết được thông qua sau hội nghị bao gồm: Kéo dài lệnh phong tỏa cho tới ngày 7/3; Việc mở lại các trường học và nhà trẻ sẽ do các bang tự quyết định theo thẩm quyền; Các tiệm cắt tóc có thể hoạt động trở lại từ ngày 1/3 với điều kiện giữ vệ sinh dịch tễ, kiểm soát lượng khách ra vào, khách đến phải đặt hẹn trước và đeo khẩu trang y tế.
Nghị quyết cũng thông qua việc nới lỏng hơn nữa các biện pháp hạn chế nếu tỉ lệ lây nhiễm giảm xuống dưới 35 ca trong 7 ngày/100.000 dân, trong đó sẽ mở lại các cửa hàng bán lẻ với điều kiện đảm bảo 20 m2 cho mỗi khách vào mua hàng; Mở lại viện bảo tàng, triển lãm cũng như các dịch vụ phải tiếp xúc gần.
Với các cuộc gặp gỡ, Chính phủ liên bang và các bang vẫn nhất trí giữ nguyên quy định hiện hành, theo đó chỉ cho phép các thành viên trong hộ gia đình gặp gỡ một người ngoài.
Ngoài ra, nghị quyết cũng khuyến cáo tiếp tục hạn chế các chuyến đi lại không cấp thiết. Làm việc tại nhà vẫn tiếp tục được khuyến khích.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị trên, Thủ tướng Merkel cảnh báo về một làn sóng lây nhiễm thứ ba trong cuộc khủng hoảng COVID-19 nếu mọi người không cẩn trọng trước sự nguy hiểm của các biến thể virus SARS-CoV-2. Theo bà, thời gian từ nay tới giữa tháng 3 sẽ là khoảng thời gian "sống còn" bởi sự nguy hiểm của các biến thể là rất thực tế.
Cùng ngày 10/2, công ty dược phẩm Biontech của Đức thông báo đã bắt đầu sản xuất vắcxin tại cơ sở mới ở thành phố Marburg (bang Hessen), sớm hơn khoảng 1 tháng so với kế hoạch. Với việc cơ sở mới đi vào hoạt động, đây sẽ là một trong những cơ sở sản xuất vắcxin mRNA lớn nhất ở châu Âu, với công suất sản xuất hàng năm lên đến 750 triệu liều vắcxin COVID-19.
Biontech có kế hoạch sản xuất tới 250 triệu liều vắcxin tại đây trong nửa đầu năm 2021 và những lô hàng đầu tiên được sản xuất tại Marburg dự kiến được chuyển giao vào đầu tháng 4/2021.
Cùng ngày, Bộ Y tế Croatia thông báo đã phát hiện trường hợp đầu tiên mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện đầu tiên tại Anh. Theo bộ trên, biến thể mới được phát hiện trong các mẫu xét nghiệm của 3 người, trong đó có 1 em bé 3 tuổi. Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận hơn 2,5 triệu ca nhiễm, trong đó 27.093 người đã tử vong.
Tại châu Á, Iran và Indonesia đều đã ghi nhận hơn 1,1 triệu ca nhiễm. Những nước ghi nhận số ca tử vong cao nhất châu lục, ngoài Ấn Độ, là Iran (58.686 ca), Indonesia (32.167 ca), trong khi các nước Iraq, Pakistan và Philippines đều đã có hơn 11.000 ca.
Tại châu Phi, Nam Phi đã ghi nhận 1.482.412 ca nhiễm, trong đó có 47.145 ca tử vong. Tiếp đến là Maroc với 476.689 ca nhiễm, Tunisia 219.650 ca. Ai Cập, Ethiopia, Nigeria, Libya, Algeria và Kenya đều đã ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/252238/the-gioi-co-107-8-trieu-ca-nhiem-covid-19.html