Thế giới có trên 163,9 triệu người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 21/6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 179.369.956 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.884.375 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 163.954.265 người.
Châu Á hiện đang được coi là khu vực có số ca mắc cao nhất thế giới. Với 75.858 ca mới trong 24 giờ qua, châu Á đã ghi nhận tổng cộng 54.555.314 ca mắc bệnh, trong đó có 768.590 ca tử vong. Châu Âu đứng thứ hai với 47.481.947 ca mắc và 1.093.080 ca tử vong. Bắc Mỹ đứng thứ ba với 40.342.355 ca mắc và 911.855 ca tử vong.
Ngày 21/6, bang Maharashtra của Ấn Độ đã ghi nhận 20 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với tên gọi là “Delta plus” (B.1.617.2.1), là thể mới của biến thể Delta đã được phát hiện trước đó tại Ấn Độ. Theo thông tin từ giới chức y tế địa phương, biến thể Delta plus có thể là một trong những nguyên nhân gây ra làn sóng dịch COVID-19 thứ hai tại Ấn Độ.
Quốc gia láng giềng của Ấn Độ là Nepal đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa 1 tuần đến ngày 28/6 tới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, mặc dù có nới lỏng đáng kể một số quy định. Theo quy định mới, phương tiện cá nhân sẽ được được phép lưu hành theo quy định số chẵn-số lẻ và hầu hết các cửa hàng được mở cửa vào các ngày khác nhau trong tuần, trong đó các cửa hàng bách hóa lớn, trung tâm thương mại, cửa hàng bán đồ thể thao, may mặc, giầy dép, mỹ phẩm, quà tặng, sẽ được hoạt động trở lại vào các ngày thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hàng tuần.
Indonesia cũng thông báo sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại ở một số khu vực trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 22/6 sau khi xuất hiện tình trạng gia tăng các ca mắc COVID-19. Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Airlangga Hartarto cho biết việc thắt chặt các biện pháp trên bao gồm hạn chế số lượng nhân viên làm việc tại các văn phòng và cấm các hoạt động tôn giáo tại các nơi thờ tự. Các biện pháp này sẽ áp dụng tại "các vùng đỏ" nơi số ca mắc đang gia tăng nhanh chóng.
Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia thông báo ghi nhận thêm 735 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này từ đầu mùa dịch đến nay lên 43.446 ca. Giới chức nước này cho biết dịch COVID-19 lây lan nhanh có thể liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ một số nước khác đang khiến Campuchia lo ngại khó kiểm soát được dịch bệnh trong nước.
Liên quan đến chiến dịch triển khai vaccine ngừa COVID-19, Bộ Y tế Lào thông báo nước này vừa bắt đầu chương trình tiêm vaccine của hãng Sinopharm (Trung Quốc) cho những công dân trên 60 tuổi và những người mắc bệnh nền. Theo Trung tâm Thông tin và giáo dục y tế thuộc Bộ Y tế Lào, bộ này và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cho phép tiêm vaccine của hãng Sinopharm cho những người trên 60 tuổi và những người mắc bệnh nền.
Tại Ấn Độ, nhằm đẩy mạnh chương trình tiêm chủng trong nước, chính phủ đã quyết định tiêm vaccine miễn phí cho tất cả những người trưởng thành. Theo đó, giới chức y tế thông báo đã mở rộng chương trình tiêm vaccine cho cả những người trưởng thành dưới 45 tuổi từ ngày 1/5, nhưng các bệnh viện nhà nước và tư nhân phải tự thu mua vaccine cho nhóm người trẻ tuổi này, dẫn đến tình trạng lộn xộn và thiếu hụt vaccine. Tuy nhiên sau đó, nhà chức trách tuyên bố sẽ mua 75% lượng vaccine và phân phối vaccine cho các bang để tiêm miễn phí cho người dân.
Trong những tháng gần đây, tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Ấn Độ chậm đáng kể do thiếu vaccine và tâm lý e ngại của người dân dù nước này phải chật vật đối phó với làn sóng dịch bệnh bùng phát dữ dội trong tháng 4 và 5 vừa qua. Đến nay, quốc gia Nam Á đã tiêm được 275 triệu liều vaccine, với chỉ 4% dân số được tiêm đủ liều. Chính phủ đặt mục tiêu tiêm chủng cho tất cả gần 1,1 tỷ người trưởng thành vào cuối năm nay.