Thế giới Di động mất cổ đông lớn là quỹ ngoại tỷ USD, Chủ tịch MWG sẽ mua thêm cổ phiếu
Mất gần hai năm để gom cổ phiếu MWG, nhóm quỹ Arisaig Partners (Singapore) vừa bán ra lượng lớn cổ phiếu MWG của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm quỹ Arisaig Partners giảm từ 5% xuống còn 4,9% vốn điều lệ, tương ứng 73 triệu cổ phiếu MWG và không còn là cổ đông lớn tại MWG.
Cổ đông lớn rời MWG
Nhóm quỹ đến từ Singapore là Arisaig Partners vừa bán thêm 114.000 cổ phiếu MWG của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động, giảm sở hữu xuống dưới 5% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn.
Trong đó, quỹ bán ra là Arisaig Asia Fund Limited đã bán 114.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 3,458%, về 3,45% vốn điều lệ. Trước đó, ngày 11/4, quỹ Arisaig Asia Fund Limited cũng bán ra 2.397.200 cổ phiếu.
Ngày 24/5, nhóm quỹ liên quan Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd bán ra 1.338.300 cổ phiếu. Ngày 21/6, quỹ Arisaig Asia Fund Limited bán ra thêm 668.900 cổ phiếu. Ngày 24/7, Arisaig Asia Fund Limited vừa bán ra 576.000 cổ phiếu.
Ngày 28/8, nhóm quỹ liên quan Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd tiếp tục bán thêm 2.102.900 cổ phiếu MWG.Tương tự, nhóm quỹ Dragon Capital cũng liên tục bán ra cổ phiếu MWG. Trong đó, ngày 3/4, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital bán ra 979.600 cổ phiếu.
Ngày 1/11, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital đã bán ra 4.137.900 cổ phiếu MWG, giảm sở hữu từ 7,19%, về còn 6,91% vốn điều lệ.Bên cạnh các nhà đầu tư ngoại giảm sở hữu, lãnh đạo Thế giới Di động thời gian qua cũng liên tục đăng ký bán ra cổ phiếu MWG.
Trong đó, ngày 13/7, ông Đặng Minh Lượm - Thành viên Hội đồng quản trị bán ra 300.000 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 0,24% về còn 0,22% vốn điều lệ. Từ ngày 7 - 8/9, ông Đoàn Văn Hiểu Em - Thành viên Hội đồng quản trị bán ra 1 triệu cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 0,266%, về còn 0,197% vốn điều lệ.
Gần đây, cổ phiếu MWG là tâm điểm bán ròng, rút vốn của khối ngoại. Trong đó, nếu như ngày 22/9, room ngoại tại MWG chỉ còn hở khoảng 9,32 triệu cổ phiếu, thì tới ngày 16/11, khối ngoại có thể mua thêm tối đa 53,9 triệu cổ phiếu MWG, tương ứng tỷ lệ sở hữu nước ngoài đang là 45,32%. Như vậy, từ ngày 22/9 - 16/11, sau khi khối ngoại liên tục bán ròng, khối lượng khối ngoại có thể mua thêm đã tăng thêm 44,58 triệu cổ phiếu.
Tính từ ngày 13/9 - 17/11, cổ phiếu MWG đã giảm 27,8%, từ đỉnh 57.500 đồng/cổ phiếu, về 41.500 đồng/cổ phiếu. Quý III, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu 30.287 tỷ đồng (giảm 5,4% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế gần 39 tỷ đồng (giảm 95,7% so với cùng kỳ).
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu đạt 86.858 tỷ đồng (giảm 15,5% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế hơn 77 tỷ đồng (giảm 97,8% so với cùng kỳ) và mới hoàn thành 1,8% kế hoạch lợi nhuận năm.
Chủ tịch TGDĐ Nguyễn Đức Tài lên kế hoạch mua thêm cổ phiếu MWG
Trong buổi họp cập nhật kết quả kinh doanh quý 3/2023, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) cho biết, bản thân đang có kế hoạch để tăng sở hữu tại MWG tuy nhiên vì quá bận nên chưa có thời gian để đưa ra quyết định.
Theo như thông báo trước đó, Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu MWG trong khoảng từ 8/11 đến 7/12 với mục đích tăng tỷ lệ sở hữu. Nếu giao dịch thành công, ông Nguyễn Đức Tài sẽ nâng lượng cổ phiếu nắm giữ tại Tập đoàn lên 36,13 triệu đơn vị, tỷ lệ 2,469%. Ước tính, ông Tài sẽ cần chi khoảng 40 tỷ để hoàn tất giao dịch.
Ngoài ra, ông Tài cũng bỏ ngỏ về kế hoạch mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ của MWG khi công ty đang có tới 20.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Ông cho biết đã nghĩ tới phương án này nhằm tăng lợi ích cho cổ đông, bởi nếu so sánh với việc gửi ngân hàng lấy lãi thì dùng tiền mua cổ phiếu tại thời điểm này sẽ có lợi hơn nhiều. Tuy nhiên do chưa có thời gian làm việc với Giám đốc Tài chính để trao đổi về tính khả thi của phương án nên vị Chủ tịch HĐQT chưa thể xác nhận lại với nhà đầu tư, song khẳng định chắc nịch "hết quý 1 năm sau sẽ muộn mất thời điểm để hành động".
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài lại đang liên tục bán ròng cổ phiếu MWG. Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại cổ phiếu ngành bán lẻ này liên tục hạ xuống mức thấp hơn sau mỗi phiên giao dịch trong vòng 3 tháng vừa qua. Tại thời điểm cuối phiên 13/11, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại MWG ghi nhận ở sát mức 45%, tương ứng lượng cổ phiếu NĐTNN có thể mua thêm lên tới hơn 55 triệu đơn vị. Đây là mức "hở room" ngoại lớn nhất của MWG trong nhiều năm qua.
Nói về động thái bán ròng miệt mài của khối ngoại, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng điều này có thể xuất phát từ những nghi ngại về kết quả kinh doanh của MWG, nỗi lo về câu chuyện Bách Hóa Xanh hòa vốn trong năm 2023 không như kỳ vọng hoặc sự phục hồi của chuỗi Thế Giới Di Động. Vị
Chủ tịch cho rằng bất kỳ doanh nghiệp nào cũng sẽ trải qua thời điểm như vậy, thách thức lòng tin của nhà đầu tư. "Ai có niềm tin sẽ bình tâm, tin tưởng vào hoạt động tái cơ cấu của công ty và coi đây là cơ hội để mua vào. Còn ai không đủ niềm tin với doanh nghiệp thì có thể bán ra", ông Tài chia sẻ.
Cũng tại buổi trao đổi, MWG đã hé lộ kết quả kinh doanh tháng 10/2023 với mức tăng trưởng dương về doanh thu hàng tháng đầu tiên trong năm nay. Ước tính sơ bộ MWG đạt doanh thu 11.000 tỷ đồng trong tháng 10 vừa qua, trong đó, hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh ghi nhận doanh thu khoảng 7.600 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 5% so với tháng trước.
Chuỗi Bách Hóa Xanh vượt mức 3.000 tỷ đồng doanh thu trong tháng 10, tăng trưởng hơn 5% so với tháng trước, doanh thu bình quân đạt hơn 1,7 tỷ đồng/cửa hàng.Riêng về Bách Hóa Xanh, lãnh đạo MWG tỏ ra chắc chắn về khả năng hòa vốn của chuỗi siêu thị trong tháng 12/2023.
Sau quý 4/2023, Bách Hóa Xanh sẽ bước sang giai đoạn khác khi chủ động trong doanh thu và lợi nhuận thu về để phục vụ cho hoạt động bán hàng, thuê địa điểm, kho bãi, logistics…, Tập đoàn MWG sẽ không hỗ trợ về tài chính ngoài giải quyết những tồn đọng trong quá khứ.