Thế giới Di động mua lại 450.547 cổ phiếu ESOP từ nhân viên nghỉ việc
Sau khi ghi nhận giảm 12.183 nhân viên trong 6 tháng, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG - sàn HoSE) thông qua kế hoạch mua lại cổ phiếu ESOP từ nhân viên nghỉ việc.
Cụ thể, ngày 12/6, Thế giới Di động thông qua kế hoạch mua lại 450.547 cổ phiếu ESOP từ những nhân viên đã nghỉ việc, thời gian mua dự kiến trong tháng 6 và tháng 7 năm 2023.
Được biết, thời điểm 30/9/2022, Thế giới Di động ghi nhận có 80.231 nhân viên; thời điểm 31/12/2022 ghi nhận còn 74.008 nhân viên; và thời điểm 31/3/2023, Thế giới Di động ghi nhận còn 68.048 nhân viên.
Như vậy, từ 30/9/2022 đến 31/3/2023, Thế giới Di động đã giảm 12.183 nhân viên, tương ứng giảm 15,2% so với tổng số lượng nhân viên tại thời điểm 30/9/2022; và từ 31/12/2022 đến 31/3/2023, Thế giới Di động ghi nhận giảm 5.960 nhân viên, tương ứng giảm 8,05% so với tổng số lượng nhân viên tại thời điểm đầu năm 2023.
Có thể thấy, việc mua lại cổ phiếu ESOP từ nhân viên nghỉ việc trùng với giai đoạn số lượng lao động tại Công ty đang giảm mạnh từ 30/9/2022 tới nay.
4 tháng đầu năm 2023, doanh thu tiếp tục giảm 23% và tiếp tục ngắt quãng chuỗi công bố lợi nhuận hàng tháng
Ngoài ra, Thế giới Di động vừa công bố ước tính doanh thu 4 tháng đầu năm 2023 ghi nhận 36.847 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ và hoàn thành 27% so với kế hoạch năm (kế hoạch doanh thu 135.000 tỷ đồng). Trong đó, doanh thu chuỗi Thế giới Di động đóng góp 24% tổng doanh thu; doanh thu chuỗi Điện Máy Xanh đóng góp 50,1% tổng doanh thu; doanh thu chuỗi Bách hóa Xanh đóng góp 23,5% tổng doanh thu; và hoạt động khác đóng góp 2,4% tổng doanh thu.
Đối với chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh, trong 4 tháng đầu năm 2023, Công ty ghi nhận doanh thu đạt khoảng 27,5 nghìn tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng tháng 4, tổng doanh thu khoảng 7,3 nghìn tỷ đồng, tăng 30% so với tháng 3/2023.
Về chuỗi Bách hóa Xanh, Công ty cho biết trong 4 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng trong tháng 4, doanh thu của Bách hóa Xanh đạt 2,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ và doanh thu bình quân trên cửa hàng là 1,35 tỷ đồng/cửa hàng/tháng.
Được biết, trong quý IV/2022, chuỗi Bách hóa Xanh ghi nhận doanh thu trung bình 1,37 tỷ đồng/cửa hàng/tháng. Như vậy, so với quý cuối năm 2022, doanh thu trung bình trên cửa của chuỗi Bách hóa Xanh vừa ghi nhận giảm trong tháng 4/2023.
Ngoài ra, nếu xét về số lượng cửa hàng, trong 4 tháng đầu năm, chuỗi Bách hóa Xanh giảm 20 cửa hàng, từ 1.728 cửa hàng về 1.708 cửa hàng; chuỗi Thế giới Di động giảm 2 cửa hàng; chuỗi Điện máy Xanh tăng 8 cửa hàng …
Điểm đáng lưu ý, theo ước tính kết quả kinh doanh sơ bộ, một lần nước, Thế giới Di động không công bố ước tính lợi nhuận trong tháng 4. Trước đó, trong báo cáo ước tính lợi nhuận hàng tháng, tháng 1, 2 và tháng 3, Thế giới Di động đều không đề cập tới lợi nhuận, điều không diễn ra trong giai đoạn thuận lợi và năm 2022, Công ty liên tục công bố ước tính kết quả kinh doanh theo tháng và cập nhập cả ước tính lợi nhuận hàng tháng.
BVSC ước tính chuỗi Bách hóa Xanh có thể lỗ 1.074 tỷ đồng
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo lợi nhuận ròng năm 2023 của Thế giới Di động sẽ giảm mạnh 80,1% so với cùng kỳ, xuống còn 1.231 tỷ đồng. Trong đó, kết quả kinh doanh các quý còn lại của năm 2023 so với quý I/2023 có sự cải thiện, nhưng tiếp tục yếu hơn so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ước tính năm 2023, lợi nhuận chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh ghi nhận 2.306 tỷ đồng, giảm 69,3% so với thực hiện trong năm 2022; lợi nhuận chuỗi Bách hóa Xanh tiếp tục ghi nhận lỗ thêm 1.074 tỷ đồng so với năm 2022 ghi nhận lỗ 2.961 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý, BVSC ước tính lợi nhuận của chuỗi Bách hóa Xanh có thể tiếp tục lỗ thêm 366 tỷ đồng trong năm 2024 và sẽ có lãi 161 tỷ đồng trong năm 2025.
Lý giải cho việc dự báo lợi nhuận chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh lao dốc, BVSC cho biết điện thoại di động là mặt hàng không thiết yếu và khả năng mất nhiều thời gian để hoàn toàn phục hồi, điều này lý giải cho dự báo thận trọng trong giai đoạn 2024-2025.
Đối với chuỗi Bách hóa Xanh, BVSC kỳ vọng các yếu tố vĩ mô cải thiện sẽ tạo ra tín hiệu tốt cho tâm lý người tiêu dùng, nới lỏng chi tiêu và hướng tới các mặt hàng thiết yếu cao cấp hơn. Trong tương lai không xa hơn, người tiêu dùng cũng có thể chuyển từ các kênh truyền thống sang các cửa hàng bách hóa, điều này giúp cải thiện lượt khách tới cửa hàng, giá trị đơn hàng trung bình và biên lợi nhuận – là chìa khóa hướng tới điểm hòa vốn cho Bách hóa Xanh.
Quỹ ngoại liên tục bán ra cổ phiếu MWG
Một diễn biến đáng chú ý khác, ngày 24/5, nhóm quỹ liên quan Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd vừa bán ra 1.338.300 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 8,08%, về còn 7,99% vốn điều lệ. Trong đó, quỹ thực hiện bán là Arisaig Asia Fund Limited để giảm sở hữu từ 6,54% về còn 6,45% vốn điều lệ.
Trước đó, ngày 11/4, quỹ Arisaig Asia Fund Limited vừa bán ra 2.397.200 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu.
Ngoài ra, ngày 3/4, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital vừa bán ra 979.600 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 8,01% về còn 7,94% vốn điều lệ. Trong đó, quỹ Amersham Industries Limited bán ra 1 triệu cổ phiếu và quỹ Hanoi Investments Holdings Limited mua vào 20.400 cổ phiếu.
Điểm đáng lưu ý, thống kê từ ngày 15/4/2022 đến ngày 30/5/2023 (Trước khi nhóm quỹ liên quan Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd bán ra cổ phiếu MWG), cổ phiếu MWG vẫn đang trong xu hướng giảm, tương ứng giảm 50,5% từ đỉnh 79.580 đồng về 39.400 đồng/cổ phiếu và tính tới ngày 12/6, cổ phiếu MWG đang giao dịch vùng 43.000 đồng/cổ phiếu.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/6, cổ phiếu MWG tăng 1.600 đồng lên 43.000 đồng/cổ phiếu.