Thế giới gần 700.000 ca tử vong, trên 18,4 triệu ca bệnh

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Heathrow ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 198.390 ca mắc COVID-19 và 4.333 ca tử vong. Dịch bệnh diễn biến căng thẳng nhất ở Mỹ Latin và Caribe với tổng số ca bệnh đã vượt 5 triệu người, trong đó một nửa là ở Brazil.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 7 giờ sáng 4/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trên toàn cầu là 18.433.961 ca, trong đó có 696.784 người thiệt mạng. Các nước cũng ghi nhận 11,.663.513 bệnh nhân đã bình phục, số ca nguy kịch hiện là 64.735 và 6.073.664 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 3/8, chính phủ Peru đã quyết định cho phép ký hợp đồng với các bác sĩ người nước ngoài dù bằng cấp của họ chưa được công nhận tại nước này nhằm tăng cường lực lượng y bác sĩ để đối phó với đại dịch COVID-19. Sắc lệnh ngoại lệ này được coi là biện pháp ngoại lệ giúp hàng nghìn bác sĩ người Venezuela nhập cư vào Peru trong những năm qua có cơ hội được hành nghề, cũng như đóng góp vào nỗ lực chung trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump ngày 3/8 (theo giờ địa phương) đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm mục đích mở rộng quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa (telehealth) và cải thiện chăm sóc sức khỏe khu vực nông thôn.

Mặc dù công nghệ telehealth đã xuất hiện được khá lâu, nhưng chỉ thực sự mở rộng khi xảy ra đại dịch. Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, trung bình trước đại dịch, chỉ có 13.000 người thụ hưởng Medicare với thăm khám từ xa trong một tuần; nhưng trong đại dịch, từ tháng 3 đến tháng 7 có tới 10,1 triệu người đã thụ hưởng dịch vụ này.

Tại châu Á, tình hình dịch bệnh có dấu hiệu dịu xuống tại một số quốc gia điểm nóng. Theo trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), quốc gia này có thêm 23 ca mắc mới, trong đó có 3 ca lây nhiễm trong cộng đồng - mức thấp nhất trong gần 3 tháng qua. Tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc đến nay là 14.389 người trong đó tổng số ca được chữa khỏi lên 13.280 trường hợp.

Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia đang hướng đến việc thiết lập hành lang du lịch với Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) nhằm khôi phục hoạt động kinh doanh đang chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Trong cuộc họp trực tuyến mới đây, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã thảo luận kế hoạch hợp tác thiết lập hành lang du lịch và dự kiến sớm hoàn tất thỏa thuận này. Các chuyến đi thiết yếu theo các giao thức y tế được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy hoạt động kinh tế an toàn và hiệu quả giữa hai nước.

Tại Singapore, Chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long ngày 3/8 ra thông báo nhấn mạnh tất cả các du khách nhập cảnh vào đảo quốc này - những người phải cách ly tại nhà trong 14 ngày, cũng sẽ phải đeo một thiết bị giám sát điện tử. Quy định trên bắt đầu có hiệu lực kể từ 23h59 đêm 10/8 và được áp dụng đối với các công dân Singapore, công dân có hộ khẩu thường trú, những người được cấp thị thực (visa) dài hạn và visa theo diện làm việc tại Singapore cùng các trường hợp nằm trong diện phụ thuộc. Những người dưới 12 tuổi được miễn thực hiện quy định này.

Trong khi đó, dịch dường như đang tăng tốc tại châu Phi. Báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho thấy số ca tử vong liên quan tới COVID-19 ghi nhận tại châu lục đã vượt mốc 20.000 lên mức 20.288 ca trong khi số ca mắc bệnh là 957.035 ca. Như vậy, chỉ trong 1 ngày, số ca bệnh tại châu Phi đã tăng thêm 12.585 ca trong khi số ca tử vong tăng 368 ca. Nam Phi là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất châu Phi với 511.485 ca nhiễm, tiếp theo là Ai Cập, Nigeria, Ghana, Algeria, Maroc…

Các quốc gia châu Âu tiếp tục áp dụng các biện pháp thận trọng tránh dịch tái bùng phát. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn yêu cầu những người trở về Đức từ các nước có nguy cơ cao về COVID-19 sẽ phải xét nghiệm bắt buộc từ cuối tuần này. Trong khi đó, hàng nghìn trẻ em tại miền Bắc nước này trở thành những học sinh đầu tiên tại châu Âu bắt đầu năm học mới trong ngày 3/8. Khẩu trang sẽ là vật dụng cần thiết hằng ngày cho 150.000 trẻ em quay trở lại trường học tại tỉnh Mecklenburg-Western Pomerania, bang đầu tiên của nước Đức mở cửa trở lại trường học sau kỳ nghỉ Hè. Khẩu trang cần phải đeo ngoài hành lang, các lớp học phải được thông gió và học sinh được yêu cầu rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc cơ thể. Các quy định nghiêm ngặt trên được đưa ra để hạn chế sự lây nhiễm của dịch bệnh trong bối cảnh các ca nhiễm trên khắp nước Đức đã tăng trung bình hơn 500 mỗi ngày trong những tuần gần đây.

Ngày 3/8, Chính phủ Anh xác nhận nước này có thể sẽ hạn chế đi lại tại thủ đô London và một số thành phố vùng England trong bối cảnh lo ngại COVID-19 sẽ gia tăng mạnh vào mùa Đông tới. Chính phủ cho biết có thể áp dụng một số biện pháp nhằm hạn chế hoạt động đi lại của người dân và đóng cửa một số tuyến đường giao thông trong những tháng tới.

Theo phóng viên TTXVN tại London, xác nhận trên được đưa ra khi số liệu chính phủ công bố mới nhất cho thấy số ca phát hiện nhiễm COVID-19 trong ngày 3/8 lên tới 938 trường hợp. Đây là mức lây nhiễm hằng ngày tăng cao nhất tại Anh kể từ ngày 26/6 vừa qua.

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/243025/the-gioi-gan-700-000-ca-tu-vong-tren-18-4-trieu-ca-benh.html