Thế giới ghi nhận tổng cộng 128,98 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 31/3, thế giới ghi nhận tổng cộng 128,98 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2,81 triệu người không qua khỏi do căn bệnh này.
Hiện số bệnh nhân hồi phục trên toàn thế giới là 104,05 triệu và số người cần điều trị tích cực là 96.158 người.
Với 31,10 triệu ca nhiễm và 564.752 ca tử vong do COVID-19,Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh này, tiếp sau là Brazil và Ấn Độ.
Tại châu Âu, trong khi Hungary và Ukaine ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất theo ngày từ trước tới nay, Bulgaria cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao chưa từng có trong 1 ngày với 5.176 ca.
Các dữ liệu của Đại học Johns Hopkins cũng cho thấy trong vài ngày gần đây Hungary là quốc gia Trung Âu này có tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong cao nhất thế giới. Hệ thống y tế của Hungary đang đứng trước nguy cơ quá tải, bất chấp 1/5 dân số trong tổng số 10 triệu dân của nước này đã được tiêm chủng vaccine. Với tỷ lệ này, Hungary hiện là một trong những quốc gia châu Âu có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất.
Trong khi đó, chính phủ Anh cảnh báo người dân cần nghiêm chỉnh thực thi các quy định về đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh. Báo cáo của Văn phòng thống kê quốc gia Anh cho thấy hơn 50% dân số Anh đã có kháng thể chống virus SARS-CoV-2.
Tại châu Á, các quốc gia khu vực Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm và tử vong mới do đại dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, tối 31/3, Bộ Y tếCampuchia công bố trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 trẻ tuổi nhất tử vong vào chiều cùng ngày sau khi được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Khmer-Soviet ở thủ đô.
Ca tử vong này là một bệnh nhân nữ, 28 tuổi sống ở quận Russey Keo, thủ đô Phnom Penh. Người phụ nữ này được chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp chỉ một ngày trước đó và được đưa ngay vào Bệnh viện Hữu nghị Khmer-Soviet điều trị.
Đây là ca bệnh nhân COVID-19 tử vong thứ 13 của Campuchia. Tính đến ngày 31/3, Campuchia ghi nhận tổng cộng 2.441 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.914 ca lây nhiễm cộng đồng.
Thái Lan ghi nhận thêm 42 ca nhiễm mới, trong đó 24 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, Thái Lan có tổng cộng 28.863 ca bệnh, với 27.426 người đã khỏi bệnh trong khi 1.343 người vẫn đang được điều trị và 94 người đã tử vong.
Tại Indonesia, Bộ Y tế cho biết nước này có thêm 5.937 ca bệnh mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.511.712 ca. Trong vòng 24 giờ qua, Indonesia cũng ghi nhận 104 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 40.858 người.
Bộ Y tế Malaysia cũng thông báo tổng số ca bệnh tại nước này đã tăng lên 345.500 ca sau khi ghi nhận thêm 1.482 ca nhiễm mới, trong đó phần lớn là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong 24 giờ qua, Malaysia cũng ghi nhận thêm 7 ca tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi trên cả nước lên 1.272 ca.
Còn tại Philippines, Bộ Y tế cho biết nước này đến nay có 747.288 ca sau khi ghi nhận thêm 6.128 ca nhiễm trong 24 giờ qua. Tổng số người không qua khỏi cũng tăng lên 13.297 người sau khi có thêm 106 ca tử vong do COVID-19. Chính phủ Philippines trong tuần này đã tái áp đặt một loạt các biện pháp hạn chế như lệnh giới nghiêm từ 18h hôm trước đến 5h sáng hôm sau tại khu đô thị Manila và 4 tỉnh lân cận sau khi số ca nhiễm mới tăng vọt tại những khu vực này.
Về phát triển vaccine, các công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức khẳng định vaccine do hai hãng phối hợp bào chế đã chứng tỏ hiệu quả 100% trong việc phòng ngừa virus SARS-CoV-2 đối với trẻ em từ 12-15 tuổi. Thông tin này sẽ mở đường cho hai công ty đề nghị cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ phê chuẩn tiêm khẩn cấp cho trẻ em lứa tuổi này trước năm học mới. Hiện vaccine nói trên đã được phê chuẩn sử dụng đối với người từ 16 tuổi trở lên.
Tuần trước, hai công ty trên cũng đã tiêm những liều đầu tiên trong khuôn khổ cuộc thử nghiệm vaccine với trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi.