Thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 223,37 triệu ca mắc COVID-19

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào một bệnh viện ở Tegucigalpa, Honduras. Ảnh: AFP/TTXVN

* WHO tiếp tục kêu gọi các nước hoãn tiêm liều vắc xin tăng cường

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 8/9 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 223,37 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 4,6 triệu ca tử vong.

Số ca hồi phục là hơn 199,88 triệu ca. Số bệnh nhân đang phải điều trị là hơn 18,87 triệu người. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với hơn 41,39 triệu ca COVID-19, trong đó 671.151 ca tử vong. Tiếp sau đó là Ấn Độ với hơn 33,13 triệu ca bệnh, trong đó 441.782 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brazil với hơn 20,92 triệu ca, trong đó 584.458 người không qua khỏi.

Tại khu vực châu Á, ở Nhật Bản, tỉ lệ sử dụng giường bệnh tại các tỉnh lân cận với thủ đô Tokyo như Saitama, Chiba, Kangawa vẫn ở mức cao, trong khi tỉnh Okinawa tuy số ca mắc mới có giảm nhưng tỉ lệ ca bệnh tính trên đầu người vẫn ở mức cao nhất cả nước và tỉ lệ sử dụng giường bệnh là khoảng 90%, rất khó khăn về y tế.

Các vùng Kansai, Chubu đã giảm số ca mắc mới nhưng tình trạng người dân ra đường vào buổi tối và ban đêm chưa cải thiện, nhất là tại các đô thị lớn như Osaka nên vẫn thường trực nguy cơ bùng phát trở lại.

Trước tình hình này, Nhật Bản đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp tại 19 địa phương, trong đó có Tokyo, Osaka, đến ngày 30/9, tỉnh Miyagi và tỉnh Okayama sẽ điều chỉnh từ tình trạng khẩn cấp xuống áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm.

Hai tỉnh này sẽ cùng với các tỉnh Fukushima, Ishikawa, Kagawa, Kumamoto, Miyazaki, Kagoshima tiếp tục duy trì áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm đến ngày 30/9, trong khi 6 tỉnh gồm Toyama, Yamanashi, Ehime, Kochi, Saga, Nagasaki sẽ được dỡ bỏ và trở lại trạng thái bình thường.

Ngoài ra, số liệu tổng kết của Bộ Lao động, Y tế và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) công bố ngày 8/9 cho thấy, việc tiêm vắc xin đã giúp giảm 100.000 ca mắc mới và hơn 8.000 ca tử vong tại nước này trong hai tháng 7 và 8.

Tại châu Âu, trong bối cảnh dịch bệnh ở Đức có dấu hiệu gia tăng trở lại và làn sóng dịch thứ tư được cảnh báo có thể bùng phát mạnh trong tháng 9 hoặc tháng 10 tới, Bộ trưởng Bộ Y tế Jens Spahn và Chủ tịch Viện Robert Koch (RKI) Lothar Wieler đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Người đứng đầu ngành y tế Đức cho biết số người chưa được tiêm chủng ở Đức vẫn còn quá cao và cảnh báo nếu nước này không đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng, làn sóng dịch thứ tư có thể bùng phát mạnh vào mùa thu và mùa đông này. Theo ông Spahn, tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 chưa được tiêm chủng tại các khoa chăm sóc đặc biệt đã chiếm tới hơn 90% số ca mắc mới.

Theo số liệu thống kê mới nhất của RKI, tính đến ngày 8/9, gần 51,3 triệu người ở Đức đã được tiêm chủng đầy đủ, nâng tỉ lệ tiêm phòng dịch tại nước này lên 61,7%, trong đó khoảng 55 triệu người đã được tiêm ít nhất một mũi.

Bộ trưởng Y tế Đức khẳng định để thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng đang chững lại ở Đức, chính phủ đang lên kế hoạch triển khai Tuần lễ Hành động tiêm chủng trên toàn quốc kể từ ngày 13/9 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người đến tiêm mà không cần đăng ký trước cũng như bỏ bớt các thủ tục phiền nhiễu tại nhiều nơi. Trong khi đó, theo RKI, số ca mắc COVID-19 trong ngày tại Đức ở mức 13.565 ca, nhưng vẫn cao hơn một chút so với tuần trước đó.

Mặc dù tỉ lệ mắc COVID-19 trong 7 ngày tính trên 100.000 dân đã giảm từ 83,8 ca xuống 82,7 trong ngày 8/9, song con số trên lại cao hơn so với mức một tuần trước đó. Người đứng đầu RKI Wieler khẳng định số ca mắc mới theo ngày có giảm nhẹ, song ông cho biết vẫn cần phải theo dõi số liệu này trong một thời gian dài.

Dự kiến, bắt đầu từ mùa thu và mùa đông tới, Đức bắt đầu áp đặt "quy tắc 3G" trên phạm vi toàn quốc. Theo đó tất cả những người tham gia các sự kiện tổ chức trong không gian trong nhà đều buộc phải trình giấy chứng nhận đã được tiêm chủng hoặc đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Cùng với đó, "quy tắc 2G" cũng đang được thảo luận, tức là việc tham gia các sự kiện trong nhà chỉ dành cho những người đã được tiêm chủng hoặc phục hồi sức khỏe sau khi mắc COVID-19.

Bộ Y tế Slovakia thông báo chính phủ nước này đã cho phép tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho tất cả trẻ em từ 5-11 tuổi. Chương trình sẽ được triển khai kể từ ngày 9/9. Bộ trưởng Y tế Slovakia Vladimír Lengvarský đã đưa ra thông báo trên sau phiên họp của chính phủ ngày 8/9, đồng thời nhấn mạnh chương trình vắc xin ngừa COVID-19 dành cho trẻ em trong độ tuổi nêu trên là hoàn toàn tự nguyện.

Các liều vắc xin được sử dụng cho trẻ em sẽ được quản lý dựa trên yêu cầu của các bậc cha mẹ và có sự nhất trí của bác sĩ riêng của các em. Theo đó, mỗi em nhỏ trong độ tuổi theo chương trình này sẽ được tiêm 1/3 liều vắc xin của Pfizer/BioNTech và bác sĩ riêng của các em sẽ giám sát liều lượng này.

Bộ Y tế Ireland thông báo nước này sẽ tiêm mũi tăng cường vắc xin phòng COVID-19 cho những người cao tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ ít nhất 6 tháng. Theo thông báo của Bộ Y tế Ireland, nhóm người trên 80 tuổi và những người trên 65 tuổi sống trong các cơ sở chăm sóc nội trú dài hạn sẽ được tiêm mũi tăng cường vắc xin phòng COVID-19 của hãng Pfizer hoặc Moderna, bất kể ban đầu họ đã được tiêm loại vắc xin nào.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 8/9 đã kêu gọi các nước gia hạn việc tạm ngừng triển khai tiêm liều tăng cường vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện cho mọi quốc gia tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số.

Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, tại cuộc họp báo tại Geneva, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết một tháng trước ông đã kêu gọi toàn bộ các nước trên thế giới trì hoãn tiêm liều vắc xin tăng cường ít nhất cho đến cuối tháng 9, để ưu tiên tiêm chủng cho những người có nguy cơ cao trên thế giới chưa được tiêm liều đầu tiên.

Ông Tedros nhấn mạnh tình hình dịch bệnh trên thế giới không thay đổi nhiều kể từ thời điểm đó, vì vậy ông kêu gọi các quốc gia gia hạn việc tạm ngừng triển khai liều tăng cường cho đến ít nhất cuối năm nay, để cho phép mọi quốc gia tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số.

Vào đầu tháng 8, lời kêu gọi của WHO được đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia đã bắt đầu triển khai tiêm liều tăng cường vắc xin ngừa COVID-19 cho những người đã tiêm đủ hai liều, do lo ngại về hiệu quả miễn dịch của vắc xin trước sự nguy hiểm của biến thể siêu lây nhiễm Delta.

Tuy nhiên, cố vấn cấp cao của Tổng Giám đốc WHO Bruce Aylward dẫn dự báo mới nhất của COVAX, cho biết số liều vắc xin viện trợ thông qua chương trình này giảm 25% nếu không có hành động khẩn cấp từ các nước thuộc Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và các nhà sản xuất vắc xin.

Theo thống kê của WHO, trên toàn cầu có 5,5 tỉ liều vắc xin đã được sử dụng, nhưng 80% đã được sử dụng ở các nước có thu nhập cao và trung bình cao. Mặc dù các quốc gia có thu nhập cao đã cam kết tặng hơn một tỉ liều, nhưng chưa đến 15% số liều đó đã được bàn giao.

Tổng giám đốc WHO Tedros khẳng định không muốn có thêm bất kỳ cam kết nào nữa, chỉ mong muốn có vắc xin. Ông Tedros nhắc lại rằng liều thứ ba có thể cần thiết cho những nhóm dân số có nguy cơ cao nhất, nhưng hiện tại WHO không muốn thấy việc sử dụng rộng rãi liều vắc xin tăng cường cho những người khỏe mạnh đã được tiêm chủng đầy đủ.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) khuyến nghị các quốc gia châu Mỹ nên ưu tiên việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho phụ nữ mang thai và cho con bú nhằm bảo vệ bà mẹ và thai nhi khỏi dịch bệnh và nguy cơ tử vong.

Giám đốc PAHO, bà Carissa Etienne cho rằng phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ phát triển bệnh nặng hơn nếu mắc COVID-19, dẫn tới khả năng sinh non cao, thậm chí sảy thai. Quan chức này cho rằng các loại vắc xin ngừa COVID-19 đã được WHO phê duyệt là an toàn cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú.

Trong diễn biến khác, phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho rằng khả năng cao thế giới sẽ không thể xóa bỏ hay loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 như những tuyên bố lâu nay.

Theo tiến sĩ Ryan, virus SARS-CoV-2 sẽ luôn tồn tại và cuối cùng sẽ trở thành một dạng virus giống như những virus gây đại dịch cúm hay những loại virus khác từng ảnh hưởng đến con người. Các quan chức WHO từng nói rằng các loại vắc xin phòng bệnh không thể đảm bảo thế giới sẽ xóa sổ được đại dịch COVID-19 giống như với một số loại virus khác. Một số chuyên gia y tế hàng đầu, trong đó có cố vấn dịch bệnh hàng đầu của Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci, và Giám đốc điều hành của hãng dược Moderna Stephane Bancel, mới đây cũng từng cảnh báo thế giới sẽ phải sống chung với COVID-19 mãi mãi, giống như với bệnh cúm.

Các quan chức WHO cho rằng nếu toàn thế giới sớm thực hiện các biện pháp ngăn chặn virus lây lan thì tình hình hiện nay có thể đã rất khác. Cũng tại cuộc họp báo ngày 7/9, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO phụ trách đại dịch COVID-19, Maria Van Kerkhove, thế giới đã có cơ hội để hành động ngay từ khi đại dịch bùng phát và tình hình có thể đã không tồi tệ như hiện nay nếu cơ hội đó không bị bỏ lỡ.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/263759/the-gioi-ghi-nhan-tong-cong-hon-223-37-trieu-ca-mac-covid-19.html