Thế giới hụt khoảng 7 triệu tấn, xuất khẩu gạo Việt Nam có 'xô đổ' kỷ lục?
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo năm 2024, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo, đây sẽ là cơ hội cho các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội, ngành lúa gạo Việt Nam phải giải quyết tốt cân đối cung cầu trong nước và xuất khẩu, 'bắt tay' nhau để tận dụng tốt cơ hội.
Theo USDA, nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn; các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia,… cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.
Các thị trường tăng nhập
Sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023- 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam có thể đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu gạo tương đương năm 2023 nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực.
Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn thông tin từ Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo nhập khẩu gạo của Philippines trong năm 2024 vào khoảng 4,1 triệu tấn, cao hơn con số 3,65 triệu tấn cả năm 2023. Bên cạnh đó, Tổng thống Philippines đã chấp thuận gia hạn thời gian giảm thuế đối với gạo và các mặt hàng thực phẩm khác cho đến cuối năm 2024 nhằm đảm bảo giá cả ổn định trong bối cảnh lo ngại về điều kiện thời tiết khô hạn do El Nino gây ra. Như vậy, thuế suất đối với gạo nhập khẩu sẽ vẫn ở mức 35%.
Với thị trường Indonesia, Chính phủ nước này dự kiến nhập khẩu gạo năm 2024 khoảng 3,6 triệu tấn, tăng thêm 1,6 triệu tấn so với dự kiến ban đầu xuất phát từ việc gieo cấy vụ canh tác chính trong năm bị chậm vì thiếu nước canh tác, ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino trong năm 2023.
Dự báo Chính phủ Indonesia sẽ phải tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17/1/2024 vừa qua (trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn). Bên cạnh đó, các thị trường truyền thống khác như Trung Quốc, châu Phi và khu vực Trung Đông cũng được dự báo tăng nhập khẩu trong năm nay.
Theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, so với tổng quan năm 2023, hoạt động xuất khẩu trong những tháng đầu tiên của năm 2024 đã có dấu hiệu khá khả quan. Tuy nhiên, ngành lúa gạo Việt Nam phải đối mặt một số thách thức như: Tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 4-5/2024 có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất lúa, gạo vụ Hè – Thu năm 2024. Cùng với đó, tình hình kinh tế, thương mại thế giới còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi hoàn toàn trong năm 2024.
Vì vậy, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, cần quan sát, đánh giá nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ và EU do vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp tăng, kinh tế vĩ mô chưa ổn định hoàn toàn. Đồng thời, quan sát và tận dụng tốt cơ hội ở một số quốc gia, khu vực khác ở châu Á, châu Phi; có kế hoạch phù hợp để đáp ứng trường hợp nhu cầu tiêu dùng gia tăng trở lại, dự kiến phục hồi rõ rệt hơn trong nửa sau của năm 2024.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho hay, trong mỗi giai đoạn nhất định, giá gạo xuất khẩu sẽ có sự điều chỉnh lên xuống. Tuy nhiên, dự báo, tới đây, giá lúa trong nước và giá gạo xuất khẩu sẽ lên lại, nguyên nhân do thu hoạch vụ Đông Xuân đã kết thúc.
Dự báo giá gạo khó tăng mạnh
Trong khi đó, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thận trọng đánh giá gạo xuất khẩu sẽ tùy từng thời điểm, có lúc cao, có lúc thấp, nhưng để tăng đột phá như năm ngoái là không dễ. Tuy nhiên, nhìn chung, giá xuất khẩu gạo bình quân trong năm nay dự báo sẽ tốt, ước khoảng 600 USD/tấn.
Dù vậy, ngành lúa gạo nói chung và xuất khẩu nói riêng vẫn có những khó khăn nhất định. Ông Đỗ Hà Nam dẫn chứng, với thị trường Philippines, khách hàng mua số lượng lớn nhưng giá bán lại thấp. Hiện giá gạo xuất khẩu đi thị trường Philippines chỉ khoảng 600 – 605 USD/tấn, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu để có lãi phải ở mức giá trên 610 USD. Bên cạnh đó, hiện nay, lượng hàng tồn kho gạo không lớn, đây cũng là mặt khó khăn của doanh nghiệp. Mặt khác, để tạo ra được sự đột phá về giá xuất khẩu gạo là khó vì thị trường đang thiếu yếu tố thúc đẩy.
“Về mặt lý thuyết, Ấn Độ chưa mở lại việc xuất khẩu gạo, tuy nhiên, theo nhận định chung, việc này chủ yếu do vấn đề bầu cử. Hiện nay, lượng tồn kho của Ấn Độ vẫn rất lớn và khả năng sớm hay muộn thì họ cũng sẽ mở cửa xuất khẩu trở lại. Khi Ấn Độ mở cửa trở lại thì thị trường rất khó có thể đẩy giá lên”, ông Đỗ Hà Nam cho hay.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, trong điều kiện bình thường, với mức sản lượng dự kiến, sau khi đã để tiêu dùng nội địa thì Việt Nam có thể xuất khẩu được khoảng 7,6 triệu tấn gạo năm nay. Tuy vậy, Tổng Công ty lương thực Miền Bắc và Tổng Công ty lương thực Miền Nam, cùng với các Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, phải bảo đảm duy trì mức dự trữ và thu mua lương thực theo quy định của Nhà nước để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Đồng thời, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tổ chức thu mua thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu; bình ổn giá thóc, gạo hàng hóa trong nước; liên kết sản xuất, tiêu thụ và xây dựng vùng nguyên liệu; chế độ báo cáo và dự trữ lưu thông thóc, gạo theo quy định và các chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, các thương nhân chủ động phối hợp với các địa phương để xác lập cơ chế liên kết, hợp tác, bảo trợ… với các cơ sở, người sản xuất để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường và quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu. Đồng thời, chú trọng xác lập, duy trì, củng cố mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với nhau, giữa các doanh nghiệp hội viên trong Hiệp hội lương thực Việt Nam để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.