Thế giới phía sau sòng bạc ở 'Las Vegas châu Á'

Đằng sau những sòng bạc hay những khách sạn chọc trời ở Ma Cao là cuộc sống có sự pha trộn giữa các di sản văn hóa Bồ Đào Nha, Trung Quốc và Đông Nam Á.

"Tôi chỉ đến casino một lần trong năm, vào dịp Tết Nguyên đán", Vivian Lai, cư dân thế hệ thứ hai ở Ma Cao (Trung Quốc) và hiện đang là y tá tập sự, cho biết. Với cô, đến đó và dù thắng hay thua cũng giúp cô tìm kiếm may mắn cho năm mới.

Ma Cao, đặc khu hành chính của Trung Quốc, được mệnh danh là "Las Vegas của châu Á", là nơi duy nhất ở đất nước tỷ dân cho phéo đánh bạc hợp pháp. Đường chân trời của thành phố là nơi hội tụ những tên tuổi lớn nhất trong ngành công nghiệp sòng bạc.

Du khách đến Ma Cao có thể cảm thấy phần còn lại của thành phố bị che khuất bởi những sòng bạc và khách sạn cao chọc trời. Nhưng ít ai sẵn sàng đi sâu hơn một chút để có thể khám phá văn hóa Ma Cao, nơi có sự pha trộn giữa các di sản Bồ Đào Nha, Trung Quốc và Đông Nam Á.

Ma Cao, đặc khu hành chính của Trung Quốc, được mệnh danh là "Las Vegas của châu Á". (Ảnh: Reuters)

Ma Cao, đặc khu hành chính của Trung Quốc, được mệnh danh là "Las Vegas của châu Á". (Ảnh: Reuters)

Cuộc sống trên đảo

Ma Cao được cho là nổi tiếng khắp thế giới với sòng bạc nhưng người dân địa phương cảm thấy thực tế không như vậy.

Vivian Lai chia sẻ: "Ở Châu Á, mọi người nghĩ rằng Ma Cao chỉ toàn sòng bạc, và tôi nghĩ họ không hiểu những khía cạnh khác của Ma Cao. Khi tôi đến Châu Âu và nói tôi đến từ Ma Cao, thực sự họ không biết đó là nơi nào, vì vậy tôi phải nói đó là một thành phố nhỏ bên cạnh Hong Kong".

Marina Fernandes đồng quan điểm. Cô giới thiệu bản thân là thế hệ thứ tám của người Macan, thuộc một trong những gia đình lâu đời nhất trên đảo. Giống như một số lượng nhỏ người trong cộng đồng của cô, Fernandes nói tiếng Patois, một phương ngữ pha trộn giữa tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Trung.

"Người dân địa phương hiếm khi đến casino", cô nói. "Chỉ có một số ít người thực sự đến casino để đánh bạc. Chúng tôi không đánh bạc. Chúng tôi làm những việc khác. Và thực tế, các công chức bị cấm vào casino. Những nơi đó phục vụ nhiều hơn cho khách du lịch, chứ không dành cho người dân địa phương".

Xe điện kiểu Bồ Đào Nha ở Taipa, hòn đảo phía nam của Ma Cao. (Ảnh: Bloomberg)

Xe điện kiểu Bồ Đào Nha ở Taipa, hòn đảo phía nam của Ma Cao. (Ảnh: Bloomberg)

Do chi phí sinh hoạt ở Ma Cao tăng cao, nhiều nhân viên của các sòng bạc và cửa hàng xa xỉ ngày càng có xu hướng đi lại từ Chu Hải, thành phố Trung Quốc đại lục ít tốn kém hơn nằm ngay bên bờ đối diện của Ma Cao, để chi tiêu mua sắm.

Mặc dù Ma Cao là một đặc khu hành chính, nghĩa là những người di chuyển giữa Chu Hải và Ma Cao vẫn phải qua kiểm soát biên giới, nhưng thủ tục này diễn ra nhanh hơn đối với cư dân thường trú và công dân có thẻ căn cước Trung Quốc nhờ các làn đường nhanh.

Việc đi lại giữa Ma Cao và đại lục giờ đây cũng dễ dàng hơn nhờ cầu Hong Kong - Ma Cao - Chu Hải khổng lồ, cây cầu vượt biển dài nhất thế giới, được hoàn thành vào năm 2018. Đây chỉ là một trong số nhiều dự án của Trung Quốc nhằm kết nối và thúc đẩy khu vực “Vịnh Lớn”.

Bất chấp đầu tư xây dựng một cây cầu trị giá tới 20 tỷ USD, cơ sở hạ tầng trong Ma Cao lại là một câu chuyện khác. Người dân địa phương không có ô tô, chủ yếu di chuyển dựa vào xe buýt công cộng. Trong khi Hong Kong có hệ thống tàu điện ngầm hiệu quả, được tổ chức tốt thì hệ thống LRT (tàu điện hạng nhẹ) của Ma Cao mới đi vào hoạt động vào năm 2019 và cho đến nay chỉ có một tuyến. Uber đã ngừng dịch vụ tại Ma Cao vào năm 2017 và taxi chỉ chấp nhận tiền mặt.

Cầu Hong Kong - Ma Cao - Chu Hải khổng lồ, cây cầu vượt biển dài nhất thế giới. (Ảnh: CNN)

Cầu Hong Kong - Ma Cao - Chu Hải khổng lồ, cây cầu vượt biển dài nhất thế giới. (Ảnh: CNN)

Những định kiến bên ngoài

Theo điều tra dân số năm 2021 của Ma Cao, khoảng 1/6 dân số Ma Cao có nguồn gốc các dân tộc Trung Quốc. Chỉ có vài nghìn người Bồ Đào Nha. Mặc dù tiếng Bồ Đào Nha vẫn là ngôn ngữ chính thức của thành phố và phải được sử dụng trên biển báo và trong tài liệu chính phủ, nhưng nhiều người dân địa phương đã chọn học tiếng Anh hoặc tiếng Trung để thay thế, đặc biệt là trước thềm thời kỳ bàn giao - khi Ma Cao được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1999.

Fernandes đã dành vài năm sống ở Bồ Đào Nha, nhưng cô cảm thấy xa lạ ở đó và quyết định quay trở lại Ma Cao.

“Chúng tôi được học về lịch sử Bồ Đào Nha. Chúng tôi biết mọi thành phố của Bồ Đào Nha. Chúng tôi có thể hát quốc ca Bồ Đào Nha một cách tự hào”, Fernandes nói. “Tuy nhiên, sau khi Ma Cao được trao trả, họ (người dân ở Bồ Đào Nha) không biết chúng tôi. Họ không hiểu rằng chúng tôi cũng là người gốc Bồ Đào Nha”.

Cô ấy nói rằng những khuôn mẫu mà cô gặp phải về Ma Cao liên quan đến cờ bạc, băng đảng xã hội đen và mại dâm, cũng như những định kiến cũ về người Trung Quốc như phụ nữ vẫn mặc trang phục truyền thống sườn xám và đàn ông có kiểu tóc bím hoặc đuôi ngựa.

Hiện đã nghỉ hưu và con cái trưởng thành, Fernandes đã cống hiến cả cuộc đời mình cho việc bảo tồn và phát huy văn hóa Macan bản địa. Cô ấy làm việc tại Hiệp hội người Macan (Associação dos Macaense) và đã mở căng tin ở đó cho công chúng để mọi người có thể thử nhiều món ăn truyền thống của Macan hơn như minchi (thịt băm, thường là thịt lợn, xào với khoai tây và nước tương). Mục tiêu tiếp theo của cô là mở một nhà hàng thương mại phục vụ khách du lịch.

Ma Cao có sự pha trộn văn hóa Bồ Đào Nha, Trung Quốc và cả Đông Nam Á. (Ảnh: CNN)

Ma Cao có sự pha trộn văn hóa Bồ Đào Nha, Trung Quốc và cả Đông Nam Á. (Ảnh: CNN)

Người Bồ Đào Nha ở Ma Cao

Ricardo Balocas, người gốc Lisbon (Bồ Đào Nha), rời châu Âu để đến Ma Cao vào năm 2013, đã đảm nhận nhiều công việc khác nhau, bao gồm các vị trí quản lý tại Sân bay Quốc tế Ma Cao và Đại học Saint Joseph.

Hầu hết người nước ngoài - giống như Balocas - chuyển đến Ma Cao đều đủ điều kiện thường trú sau 7 năm sinh sống, làm việc và nộp thuế. Điều đó có nghĩa là họ có thể sống ở Ma Cao mà không cần thị thực làm việc và không cần công ty bảo lãnh.

Cư dân có thẻ căn cước địa phương cũng có thể sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe xã hội hóa của thành phố. Công dân Ma Cao và thường trú nhân được nhận một khoản phụ cấp hàng năm trị giá 10.000 pataca (1.240 USD) từ chính quyền địa phương.

Tuy nhiên trong thời kỳ đại dịch, Balocas ước tính rằng khoảng một nửa dân số người Bồ Đào Nha ngoại quốc ở Ma Cao đã rời đi, vì hòn đảo có một số yêu cầu khắt khe nhất trên thế giới, bao gồm cả việc cách ly 21 ngày.

Đó là lý do tại sao anh ấy tin tưởng vào những địa điểm như Albergue 1601, một nhà hàng nằm trong một tòa nhà di sản từ thời thuộc địa, để giữ cho di sản Bồ Đào Nha của thành phố luôn sống động.

"Khu phố này có những chiếc đèn trên đường phố giống hệt như ở Lisbon", anh nói. "Vì vậy, nếu bạn đi dạo quanh đây, bạn gần như cảm thấy mình đang ở Lisbon. Đôi khi tôi thậm chí còn nói đùa rằng bạn có thể đến đây chụp ảnh và nói rằng bạn đang ở Lisbon mà không cần bay sang tận Bồ Đào Nha".

Một khu phố bình dị ở Ma Cao bị che khuất bởi những sòng bạc và khách sạn cao chọc trời. (Ảnh: Pinterest)

Một khu phố bình dị ở Ma Cao bị che khuất bởi những sòng bạc và khách sạn cao chọc trời. (Ảnh: Pinterest)

Balocas thừa nhận dù yêu hay ghét sòng bạc, thì cũng không thể bỏ qua chúng, bản thân anh đôi khi cũng tham gia một trò chơi poker vào ngày nghỉ. Nhưng theo quan điểm của Balocas, khách du lịch cũng nên rời khỏi khách sạn hay những sòng bạc để đi bộ ra ngoài và khám phá Ma Cao.

"Điều tôi muốn là mọi người hãy khám phá khi đến Ma Cao, hãy ra khỏi các sòng bạc", Balocas nói. "Có rất nhiều thứ để khám phá. Chúng tôi có những bảo tàng tuyệt đẹp và những khu phố xinh đẹp".

Anh giới thiệu thêm, khi du khách đến thăm Ma Cao, điểm dừng chân đầu tiên nên là đài quan sát tháp Ma Cao, để có thể thấy toàn cảnh thành phố như thế nào.

"Ngay cả bây giờ, sau 11 năm ở đây, đôi khi tôi vẫn thích lạc đường. Đừng chỉ khám phá trung tâm, hãy khám phá những con hẻm", Balocas.

Hoa Vũ (Nguồn: CNN)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/the-gioi-phia-sau-song-bac-o-las-vegas-chau-a-ar867604.html