Thế giới sẽ ra sao nếu kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại?
Các nền kinh tế lớn đều gặp những vấn đề riêng, và Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ. Bắc Kinh cần gấp rút thực hiện các cải cách để tránh ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đối với sự thịnh vượng của quốc gia cũng như thế giới.
Chính phủ Trung Quốc thừa nhận rằng nước này đã không đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2022 với mức tăng trưởng hàng năm là 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5%.
Ngoại trừ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu làm tê liệt các nền kinh tế ở khắp mọi nơi, năm 2022 đánh dấu mức tăng trưởng chậm nhất được báo cáo ở Trung Quốc kể từ những năm 1970, cũng như lần đầu tiên nước này thừa nhận đã bỏ lỡ đáng kể mục tiêu tăng trưởng. Tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào tháng 3 năm 2023, các nhà lãnh đạo một lần nữa đặt mục tiêu tăng trưởng GDP “khoảng 5%” cho năm nay.
Những người vẫn lạc quan khẳng định rằng đất nước sẽ hồi phục trở lại nhanh chóng khi các biện pháp phong tỏa và hạn chế được dỡ bỏ. Tuy nhiên, sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi các điều kiện cấu trúc xảy ra trước đại dịch. Các nhà quan sát nhận ra rằng tốc độ tăng trưởng đã không còn được như trước.
Dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi vào năm 2023, nhưng tốc độ tăng trưởng được dự đoán lại dưới mức 4% sau năm 2024. Con số này thấp hơn đáng kể so với dự báo trước đây của IMF, cũng như dự đoán của các nhà kinh tế Trung Quốc được hiệu chỉnh để hỗ trợ mục tiêu tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người vào năm 2035.
Khi Trung Quốc mở rộng kinh tế chậm hơn, nhiều vấn đề liên quan đến khí hậu phải được cộng đồng thế giới tính đến. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể quyết định từ bỏ đầu tư vào các chương trình xanh khi phải đưa ra những quyết định về tái cơ cấu nợ của chính quyền địa phương và các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Trong khi các ngành công nghệ xanh vững vàng như năng lượng gió và mặt trời, rộng hơn là xe điện, đã có thể tự mình phát triển, thì các ngành như hydro xanh và nhiên liệu hàng không bền vững, vẫn phải tiếp tục dựa vào hỗ trợ của chính phủ.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, Trung Quốc phải đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng đắt đỏ như xây dựng tường chắn sóng. Giai đoạn tiếp theo trong quá trình khử cacbon của Trung Quốc sẽ có thể thực hiện được với những khoản này, nhưng chi phí sẽ cao hơn do tốc độ tăng trưởng chậm hơn.
Bắc Kinh sẽ không thể lập kế hoạch cho thách thức tài chính này nếu không nhận ra rằng sự chậm lại của kinh tế quốc gia là một xu hướng dài hạn.
Chương trình hành động về khí hậu toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng do tình trạng kinh tế vĩ mô bình thường mới của Trung Quốc. Một số nhà phân tích phương Tây tập trung so sánh những lợi thế của hàng hóa Trung Quốc giá rẻ với những nguy cơ về an ninh, nhưng lại không tính đến khả năng sẽ không thể mua hàng hóa giá rẻ của đất nước tỷ dân được nữa.
Bên cạnh địa chính trị và môi trường, một Trung Quốc chậm lại sẽ có những tác động đáng kể khác đối với Nam bán cầu. Bắc Kinh sẽ bị hạn chế khả năng cung cấp các chương trình hỗ trợ phát triển và tài trợ quá trình chuyển đổi xanh ở nhiều khu vực chưa phát triển.
Ngoài ra, sự chậm lại cũng sẽ dẫn đến việc giảm lượng khoáng sản và các nguyên liệu thô khác được nhập khẩu từ các quốc gia muốn thâm nhập vào thị trường rộng lớn của đất nước tỷ dân. Phần còn lại của thế giới ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang bị “hãm phanh”.
Anh Tuấn (Theo Foreign Affair)