Thế giới Thế giới Các tổ chức quốc tế lên tiếng kêu gọi hành động khẩn cấp
Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO) Qu Dongyu, Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) David Malpass, Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley, và Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala vừa ban hành tuyên bố chung, kêu gọi hành động khẩn cấp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu.
Các trẻ em trong một trại tị nạn ở Afghanistan. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Tuyên bố chung cho hay, đại dịch COVID-19, sự gián đoạn trong các chuỗi cung ứng quốc tế, và cuộc xung đột tại Ukraine đã làm gián đoạn nghiêm trọng các thị trường thực phẩm, nhiên liệu và phân bón, vốn có liên kết với nhau.
Theo số liệu từ WFP, vào tháng 6/2022, số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng lên mức 345 triệu người ở 82 quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, khoảng 25 quốc gia đã phản ứng với giá cả lương thực cao hơn bằng cách áp dụng những biện pháp hạn chế xuất khẩu, ảnh hưởng đến hơn 8% thương mại lương thực toàn cầu.
Ngoài ra, một yếu tố làm phức tạp thêm phản ứng cung ứng lương thực là giá phân bón tăng gấp đôi trong vòng 12 tháng qua, phản ánh chi phí đầu vào như khí đốt tự nhiên ở mức cao kỷ lục… Tất cả những điều này đang xảy ra vào thời điểm mà không gian tài chính cho hành động của các Chính phủ vốn đã bị hạn chế nghiêm trọng sau đại dịch COVID-19. Xa hơn nữa, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng về mặt cấu trúc đến năng suất nông nghiệp ở nhiều quốc gia.
Nhằm tránh sự chậm trễ hơn nữa trong nỗ lực đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), các tổ chức quốc tế nói trên nhận định, cần có hành động ngắn hạn và dài hạn trong 4 lĩnh vực chính dưới đây.
Cung cấp sự hỗ trợ ngay lập tức cho những người dễ bị tổn thương
Theo đó, cần nhanh chóng tăng cường các mạng lưới an toàn dành cho những hộ gia đình dễ bị tổn thương ở cấp quốc gia, đồng thời đảm bảo WFP có đủ nguồn lực để phục vụ những người có nhu cầu nhất là ưu tiên hàng đầu.
Hoạt động của WFP cần được tạo điều kiện thông qua các hành động, chẳng hạn như thỏa thuận gần đây của các thành viên WTO nhằm không áp đặt những biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với việc mua sắm thực phẩm vì mục đích nhân đạo.
Tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và nguồn cung lương thực quốc tế
Trong ngắn hạn, việc giải phóng các kho dự trữ, phù hợp và nhất quán với các quy định của WTO… sẽ giúp giải quyết sự sẵn có và khả năng chi trả của các nguồn cung cấp lương thực.
Tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và cải thiện chức năng, cũng như khả năng phục hồi nhanh của các thị trường toàn cầu đối với lương thực và nông nghiệp, bao gồm ngũ cốc, phân bón và các nguyên liệu đầu vào sản xuất nông nghiệp khác chính là chìa khóa, như đã được nêu trong Tuyên bố của các Bộ trưởng WTO về Ứng phó khẩn cấp đối với an ninh lương thực.
Tuyên bố chung chỉ ra, cuộc khủng hoảng năm 2008 đã cho thấy bài học rằng, việc áp đặt các biện pháp hạn chế thương mại toàn cầu sẽ trực tiếp dẫn đến sự gia tăng của giá lương thực. Việc loại bỏ các hạn chế xuất khẩu và áp dụng quy trình kiểm tra và cấp phép linh hoạt hơn sẽ giúp giảm thiểu tình trạng gián đoạn nguồn cung và giá cả thấp hơn. Ngoài ra, tăng cường tính minh bạch thông qua các thông báo cho WTO và cải thiện hoạt động giám sát biện pháp thương mại sẽ đóng vai trò rất quan trọng.
Thúc đẩy sản xuất
Cần có hành động để khuyến khích nông dân và ngư dân thúc đẩy sản xuất lương thực bền vững ở cả những quốc gia đang phát triển và những quốc gia phát triển, đồng thời cải thiện các chuỗi cung ứng kết nối với 8 tỷ người tiêu dùng trên thế giới.
Điều này đòi hỏi phân bón, hạt giống và các nguyên liệu đầu vào khác có giá cả phải chăng, thông qua khu vực tư nhân với tư cách là tác nhân chính trong những thị trường này.
Đầu tư vào nông nghiệp thích ứng với khí hậu
Hỗ trợ các khoản đầu tư thích ứng vào năng lực nông nghiệp và cung cấp sự hỗ trợ để thích ứng, các trang trại quy mô nhỏ, những hệ thống lương thực và công nghệ thông minh với khí hậu là các yếu tố cần thiết, nhằm phát triển một nền nông nghiệp thích ứng thông minh với khí hậu, trong đó sẽ đảm bảo sản xuất ổn định trong những năm tới.
Bên cạnh đó, việc xây dựng định mức và tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị cũng rất quan trọng, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và làm giảm sự bất bình đẳng.
“Chúng tôi kêu gọi các quốc gia tăng cường mạng lưới an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, thúc đẩy sản xuất và đầu tư vào nông nghiệp có khả năng phục hồi nhanh”, tuyên bố chung lưu ý. Trong đó, những nhu cầu cụ thể của từng quốc gia cần được xác định thông qua một quy trình dựa trên từng quốc gia, huy động các khoản đầu tư từ những ngân hàng phát triển đa phương để kết nối các cơ hội ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Cuối cùng, các tổ chức quốc tế cam kết hợp tác để hỗ trợ quá trình này thông qua Liên minh Toàn cầu về An ninh Lương thực để giám sát các yếu tố thúc đẩy, cũng như tác động của giá cả cao hơn, đồng thời giúp đảm bảo đầu tư, tài chính, dữ liệu và kiến thức có sẵn cho các quốc gia có nhu cầu.
Lê Thảo (Lược dịch từ The Edge Markets)