Thế giới Thế giới Dịch cúm gia cầm chưa có dấu hiệu chậm lại

TTH - Một đợt bùng dịch cúm gia cầm nghiêm trọng xuất hiện trên toàn cầu kể từ năm 2021 đã và đang lên đến đỉnh điểm tại Nhật Bản vào tuần này. Một quan chức của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản ngày 7/3 cho biết, nước này có kế hoạch tiêu hủy hơn 10 triệu con gà có nguy cơ tiếp xúc với virus.

Tình hình cúm gia cầm trên toàn thế giới đang đòi hỏi hành động khẩn cấp. Ảnh minh họa: AP/VTV.vn

Được biết, cúm gia cầm là căn bệnh phổ biến hàng năm ở các loài chim hoang dã, nhưng chủng H5N1 hiện đang càn quét Nhật Bản có khả năng lây lan và gây chết gia cầm một cách đặc biệt. Bệnh gây rủi ro cao đối với các loài gia cầm nuôi nhốt, đơn cử như gà và gà tây, đến mức chỉ một lần lây nhiễm trong trang trại có thể khiến cả đàn bị tiêu hủy.

Trên toàn cầu, số gia cầm chết do virus cao kỷ lục đang được ghi nhận. Tại Mỹ, hơn bao giờ hết, nhiều tiểu bang đã báo cáo các trường hợp mắc cúm gia cầm với mức cao nhất mọi thời đại, tức gần 58 triệu con gia cầm bị ảnh hưởng kể từ tháng 1/2023.

Trong khi đó, châu Âu đang đứng giữa một đợt dịch cúm gia cầm có khả năng lây lan nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, với 2.500 ổ dịch tại các trang trại, trải dài trên 37 quốc gia, ghi nhận từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022. Khoảng 50 triệu gia cầm đã bị tiêu hủy trên khắp lục địa, mặc dù phần lớn số gia cầm ghi nhận nhiễm virus là ở Pháp.

Mới đây, Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) cho biết, Pháp đã báo cáo một đợt bùng dịch cúm gia cầm H5N1 ở loài cáo đỏ tại khu vực phía Đông Bắc Paris. Sự việc xảy ra vào thời điểm khả năng lây lan của virus sang động vật có vú làm dấy lên mối lo ngại toàn cầu.

Tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã mô tả tình hình cúm gia cầm là “đáng lo ngại” trên toàn thế giới, do sự gia tăng gần đây của các ca bệnh ở chim và động vật có vú. Tổ chức đã xem xét và đánh giá rủi ro toàn cầu dựa trên những diễn biến gần đây, bao gồm các trường hợp lây nhiễm sang người ở Campuchia, khi một bé gái 11 tuổi đã tử vong vì H5N1 vào tháng trước.

Hơn 12 tháng kể từ khi virus được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2021, số ca nhiễm vẫn ở mức cao liên tục và ít có dấu hiệu chậm lại. Trên thực tế, thậm chí chúng dường như đang tăng tốc, khi dữ liệu của châu Âu cho thấy vào mùa thu 2022, dịch bệnh thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với cùng thời điểm vào năm 2021 và số trang trại ghi nhận có dịch cao hơn 35%.

Xét về số lượng gia cầm, trang trại và quốc gia bị ảnh hưởng, số lượng gia cầm bị giết và thời gian bùng phát, tình hình dịch hiện tại thực sự là nghiêm trọng nhất trong lịch sử, các chuyên gia và quan chức trong ngành chia sẻ.

Gia cầm chết khắp nơi

Virus cúm gia cầm lần đầu tiên được phát hiện ở các loài thủy cầm nuôi ở miền Nam Trung Quốc vào năm 1996. Kể từ đó, virus đã xuất hiện định kỳ ở nhiều khu vực như châu Á, Trung Đông, châu Âu và Bắc Mỹ.

Chủng H5N1 đang lưu hành có nguồn gốc từ các loài chim hoang dã mà mô hình di cư của chúng đã đẩy nhanh quá trình lan truyền ra toàn cầu của dịch bệnh. Tỷ lệ lây nhiễm cao, một con chim có thể lây nhiễm cho 100 con khác qua đường nước bọt và các chất dịch cơ thể khác.

Có thể nói rằng, số gia cầm chết trong mùa đông vừa rồi không mang lại nhiều lý do để lạc quan cho tình hình dịch vào năm 2023. Mặc dù không phải tất cả loài chim hoang dã đều nhạy cảm với H5N1, nhưng nhiều loài trên thế giới lại rất dễ nhiễm bệnh. Điều này được thể hiện rõ nhất khi quần thể chim cánh cụt ở Nam Phi, bồ nông ở Balkan và sếu ở Israel đã giảm đi rất rõ.

Trong bối cảnh các mối đe dọa môi trường như biến đổi khí hậu đang ngày càng trầm trọng, nhiều loài có thể không bao giờ lấy lại được số lượng ban đầu.

Đối phó với dịch

Ở châu Âu, phản ứng đối với các đợt bùng dịch cúm gia cầm vừa qua là giám sát, sau đó là tiêu hủy để ngăn chặn lây nhiễm. Nhưng tình hình kiểm soát dịch vẫn chưa có nhiều tiến triển.

Nhìn chung, lây nhiễm toàn cầu hiện vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại, rủi ro đang tăng lên, đặc biệt là khi có rất ít hy vọng về thời gian dịch sẽ “giãn ra” vào mùa đông. Riêng năm 2022, virus đã kéo dài liên tục, đặc biệt là Bắc Âu ghi nhận dịch cúm gia cầm suốt mùa hè. Đó là lần đầu tiên dịch kéo dài và trở thành một căn bệnh xuất hiện quanh năm.

Đối với các loài chim hoang dã, khó có thể đưa ra các giải pháp lâu dài. Sẽ là phi đạo đức nếu tiêu hủy cả quần thể. Do đó, các biện pháp phòng ngừa khả thi, đơn cử như loại bỏ những con chết ra khỏi đàn phải được thực hiện mà không làm ảnh hưởng đến cả quần thể động vật hoang dã trong môi trường sống xung quanh.

Các chuyên gia đã kêu gọi hạn chế săn bắn và thả chim săn để bảo tồn đời sống của chim và giảm lây nhiễm. Trong khi đó, đối với một số loại gia cầm nuôi, có thể tiến hành can thiệp có hệ thống, như tăng khả năng miễn dịch qua tiêm phòng.

Hiện nay, việc tiêm phòng cho gia cầm thường xuyên có thể trở thành một điều tất yếu. Khi cuộc sống của con người được cho là đang bước vào thời đại của hậu đại dịch COVID-19, điều tương tự cũng đúng với các loài chim và gia cầm. Hiện chúng ta phải đối mặt với mối đe dọa rằng, những đợt bùng dịch này lại có thể xảy ra sau 4 hoặc 5 năm. Vì vậy, chính phủ các nước phải xem xét các biện pháp can thiệp và cách chúng ta kiểm soát căn bệnh để tạo thế cân bằng, có lợi cho mục tiêu loại bỏ cúm gia cầm. Tiêm chủng rõ ràng sẽ đóng một vai trò quan trọng.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ France24 & Bangkok Post)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/dich-cum-gia-cam-chua-co-dau-hieu-cham-lai-a124763.html