Thế giới Thế giới Moody's: Thu hẹp khoảng cách tiền lương theo giới sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng 7%
Theo một báo cáo vừa được Công ty phân tích kinh tế Moody's Analytics công bố, việc thu hẹp sự chênh lệch tiền lương giữa nam giới và nữ giới trong lực lượng lao động có thể thúc đẩy nền kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 7%, tương đương 7 nghìn tỷ USD.
Lao động nữ làm việc tại một xưởng may ở thành phố Cape Town, Nam Phi. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Bên cạnh đó, Moody’s cho biết, có thể sẽ mất 132 năm để thế giới thu hẹp khoảng cách về giới tính trong lĩnh vực kinh tế. Sự thúc đẩy kinh tế sẽ diễn ra khi có nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động hơn và năng suất cũng tăng lên.
Theo báo cáo nói trên, tỷ lệ lớn hơn phụ nữ nắm giữ các vai trò quản lý và chuyên môn hiệu quả hơn cũng sẽ mang lại lợi ích.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế của Moody’s là bà Dawn Holland và bà Katrina Ell cho rằng: “Việc thu hẹp khoảng cách giới tính trong việc tham gia lực lượng lao động, và khoảng cách giới tính trong hoạt động quản lý ở các quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có thể nâng cao hoạt động kinh tế toàn cầu khoảng 7%, tương đương khoảng 7 nghìn tỷ USD”.
Ngoài ra, việc thu hẹp khoảng cách tiền lương ở những thị trường mới nổi, chẳng hạn như Ấn Độ, sẽ nâng cao tiềm năng đó hơn nữa.
“Sự chênh lệch thu nhập giữa nam giới và nữ giới kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của một quốc gia”, báo cáo của Moody's Analytics lưu ý; đồng thời cho biết thêm, 119 nền kinh tế trên thế giới có cơ hội cải thiện khung pháp lý để thu hẹp khoảng cách tiền lương theo giới tính.
Trong một động thái liên quan, Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh, gần một nửa các nền kinh tế trên thế giới không bắt buộc trả lương bình đẳng theo luật.
Thanh Ngân (Lược dịch từ CNBC)