Thế giới Thế giới Singapore và nỗi lo bệnh sởi được cảnh báo trên toàn thế giới

Theo thông tin từ Bộ Y tế Singapore (MOH), khả năng bùng phát dịch sởi quy mô lớn ở Singapore vẫn còn thấp, bất chấp cảnh báo gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng khả năng cao sẽ xảy ra một mối đe dọa toàn cầu do bệnh sởi gây nên.

WHO và CDC cảnh báo mức độ nguy hiểm của bệnh sởi trên toàn thế giới. Ảnh minh họa: VTV news

Sởi, còn được gọi là rubeola, là một trong số những loại virus dễ lây lan nhất ở người. Chủng virus có khả năng gây tử vong ở người này tác động đến hệ hô hấp và thể hiện thành các vết phát ban đỏ trên da.

Trả lời cây hỏi từ phóng viên báo The Straistimes, Bộ Y tế Singapore (MOH) cho biết, dân số nước này đã đạt được một mức độ miễn dịch cao để chống lại bệnh sởi và khả năng bùng phát dịch lớn hiện vẫn còn khá thấp, bởi Singapore đã đạt được mức độ tiêm chủng phòng bệnh sởi cao.

Được biết, vào ngày 23/11 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cảnh báo về nguy cơ bệnh sởi lan rộng ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.

Các chuyên gia ở hai tổ chức cho rằng, mối đe dọa từ đại dịch COVID-19 đã khiến mức độ bao phủ vaccine giảm, cùng với đó là làm suy yếu hoạt động giám sát dịch.

Đối với bệnh sởi, bệnh hoàn toàn có thể được phòng tránh nhờ biện pháp tiêm chủng và cần ít nhất 95% dân số tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng sởi để đạt được mức độ miễn dịch cao.

Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ tiêm chủng trên toàn thế giới vẫn thấp hơn so với yêu cầu, trong đó chỉ 81% trẻ em được tiêm mũi vaccine phòng sởi đầu tiên và chỉ 71% trẻ em tiêm đến mũi thứ hai.

Riêng năm 2021, ghi nhận kỷ lục 40 triệu trẻ em bỏ lỡ việc tiêm chủng vaccine phòng sởi, qua đó làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm khi chủng virus đường hô hấp này tái xuất hiện trên khắp thế giới.

Tại Singapore, tỷ lệ bao phủ về liều vaccine đầu tiên cho người dân luôn ở mức cao trên 95%, ghi nhận từ năm 2011 đến 2021, tỷ lệ bao phủ về liều vaccine phòng sởi thứ hai cũng dao động trong khoảng 90%, thông tin do Bộ Y tế Singapore (MOH) cho biết.

Để đối phó với các chủng bệnh nguy hiểm, Bộ MOH cũng khuyến khích các bậc phụ huynh đảm bảo rằng con cái họ được tiêm đủ 2 liều vaccine sởi, quai bị, rubella (MMR) đúng lịch và theo đúng khuyến cáo của bác sĩ. Trong đó, tiêm vaccine phòng sởi là điều bắt buộc theo luật cho trẻ em sinh sống tại Singapore

Bên cạnh trẻ em, Bộ MOH cũng yêu cầu tiêm chủng vaccine phòng bệnh cho người trưởng thành, bao gồm những người dễ bị nhiễm bệnh và những người không được bảo vệ, có thể kể đến như những người chưa tiêm cả 2 liều vaccine phòng sởi, hoặc chưa bị sởi trước đó.

Tính đến cuối tháng 11, Singapore đã ghi nhận 3 trường hợp nhiễm bệnh sởi trong năm 2022.

Theo các bác sĩ, virus này có thời gian ủ bệnh lên đến 14 ngày và truyền qua các giọt hô hấp, tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi hoặc họng và ít phổ biến hơn khi lây nhiễm bởi các vật dụng mới dính các dịch tiết này.

WHO và CDC cho biết, không có khu vực vào của WHO đạt được và duy trì việc loại bỏ bệnh sởi, với 10 nước trước đó vốn đã loại bỏ được bệnh sởi sau này đã tái bùng phát dịch từ năm 2016. Riêng năm 2021, ước tính có khoảng 9 triệu ca nhiễm sởi và 128.000 ca tử vong do sởi ghi nhận trên toàn thế giới.

Đan Lê (Lược dịch từ The Straistimes)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/singapore-va-noi-lo-benh-soi-duoc-canh-bao-tren-toan-the-gioi-a121052.html