Thế giới trải qua tháng 6 nóng nhất trong lịch sử
Ngày 20/7, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết thế giới vừa trải qua tháng 6 nóng nhất trong lịch sử và dự kiến thời tiết nắng nóng sẽ còn tiếp diễn.
Các nhà khí tượng học của NOAA cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 6/2023 cao hơn 1,89 độ F so với mức nhiệt trung bình của thế kỷ 20. Theo đó, đây là tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận. NOAA chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiệt độ đất liền và đại dương tăng lên mức cao nhất trong các tháng 6 kể từ khi số liệu bắt đầu được thu thập vào năm 1850. Với tháng 6 nóng kỷ lục, 2023 nhiều khả năng sẽ là một trong 10 năm nóng nhất của Trái Đất.
Bên cạnh đó, NOAA cảnh báo hiện tượng El Nino tiếp tục tăng cường trên khắp vùng trung tâm Thái Bình Dương. Các nhà khí tượng học cho rằng nhiều khả năng El Nino sẽ kéo dài đến đầu tháng 2/2024. Cơ quan này cũng dự báo nắng nóng sẽ tiếp diễn tại khu vực này trong những tháng tới.
Đối với Mỹ, NOAA cho biết nhiệt độ trung bình của nước này trong tháng 6 là 69 độ F (20,5 độ C), cao hơn 0,5 độ F so với mức trung bình. Trong 6 tháng đầu năm nay, nhiệt độ trung bình tại Mỹ là 49,2 độ F (9,5 độ C), cao hơn 1,7 độ F so với mức trung bình.
Khoảng 30% dân số Mỹ, tức 110 triệu người, đang hứng chịu thời tiết khắc nghiệt do nắng nóng kéo dài tại khu vực phía Nam và Tây Nam, giông bão mạnh đổ bộ vào miền Trung nước Mỹ và đợt mưa lớn dự kiến làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt tại nhiều khu vực ở Bờ Đông.
Trong tháng 7 này, khoảng 110 triệu người Mỹ đã bị ảnh hưởng do đợt nắng nóng cực đoan hoành hành khu vực rộng lớn từ miền Nam bang California đến thành phố Miami. Cơ quan Thời tiết Quốc gia (NWS) dự báo đợt nắng nóng này sẽ kéo dài đến cuối tuần này tại khu vực Deep South cũng như Đông Nam và sang tuần tới tại Tây Nam nước Mỹ. Trong những ngày tới, khoảng 80 triệu người Mỹ sẽ chứng kiến nhiệt độ tăng trên 105 độ F (40,5 độ C) tại một số nơi.
Trong ngày 20/7, nhiệt độ tại thành phố Phoenix, ở bang Arizona, là 116 độ F (47 độ C). Đây là ngày thứ 21 liên tiếp nhiệt độ tại đây tăng lên hơn 110 độ F và là điều chưa từng xảy ra từ trước đến nay tại thành phố này.
Theo Cơ quan quản lý Công viên Quốc gia, tại Thung lũng Chết ở bang California, nơi có nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất với mức nhiệt 56,7 độ C vào tháng 7/1913, một cụ ông 71 tuổi đã tử vong vào ngày 18/7 khi nền nhiệt tăng lên tới 49 độ C. Đây là trường hợp hứ hai tử vong được ghi nhận trong mùa Hè này do nắng nóng tại Thung lũng Chết. Trước đó, một cụ ông 65 tuổi đã tử vong ngày 3/7.
Trong khi đó, NWS cho biết giông bão mạnh càn quét khu vực phía Tây bang Missouri, khu vực phía Nam bang Illinois và phía Bắc bang Kentucky, gây mưa đá với kích thước tương đương quả bóng bàn và sức gió 97km/h.
Tại bang Georgia, trang poweroutage.us cho biết 150.000 hộ gia đình và doanh nghiệp mất điện. Tại khu vực phía Tây bang Tennessee, 52.000 hộ gia đình và doanh nghiệp cũng mất điện ngày 20/7 sau trận giông bão mạnh vào đêm 18 và rạng sáng 19/7. Đến tối 20/7, con số này giảm xuống còn 28.000.
NWS cũng cảnh báo 2 bang New York và Vermont cảnh giác với lũ lụt do mưa giông rải rác nhưng mạnh dự kiến trút xuống khu vực này ngày 21/6, một tuần sau khi mưa lớn gây lũ lụt diện rộng. Dự báo, lượng mưa có thể vượt 25 mm/h gây lũ quét. Hiện mực nước sông hồ vẫn cao hoặc gần mức cao kỷ lục trong khi độ ẩm đất vẫn bão hòa do các cơn bão đổ bộ trước đó.