Thế giới trên 124 triệu ca mắc COVID-19

Nhân viên y tế tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho người dân tại Tangerang, Banten, Indonesia, ngày 13/3/2021 - Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 23/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 124,28 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2,73 triệu ca tử vong.

Số bệnh nhân phục hồi là 100,25 triệu người. Số ca mắc cần điều trị tích cực là 90.838 ca. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 403.270 ca nhiễm mới, trong đó Brazil có số ca nhiễm mới cao nhất, với 53.386 ca, tiếp sau là Mỹ 44.643 ca, Ấn Độ 40.611 ca, Thổ Nhĩ Kỳ 22.216 ca...

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 100.129.921 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 21.315.732 ca và 90.814 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Pháp, Nga và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vắcxin.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 556.872 ca tử vong trong tổng số 30.369.989 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 287.795 ca tử vong trong số 11.787.700 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 159.451 ca tử vong trong số 11.520.268 bệnh nhân.

Tuy nhiên, xét về khu vực, hiện châu Âu là lục địa có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới với 37.641.606 ca nhiễm virus, trong đó có 879.078 ca tử vong. Bắc Mỹ là khu vực xếp thứ hai với 35.102.226 ca mắc và 803.901 ca tử vong. Châu Á đứng thứ ba với 27.011.140 ca nhiễm virus và 416.896 ca tử vong. Đứng thứ tư là Nam Mỹ với 20.018.966 ca nhiễm và và 518.169 ca tử vong.

Mặc dù đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19, ngày 22/3, Ủy viên châu Âu về thị trường nội địa Thierry Breton nhận định Liên minh châu Âu (EU) có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng vào tháng 7 tới. Ông Breton nhấn mạnh cách thức duy nhất để đánh bại đại dịch COVID-19 là tiêm vắcxin và mặt hàng này đang được chuyển tới thị trường EU.

Đánh giá trên được đưa ra trong bối cảnh một số nước EU đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch COVID-19. Cuộc chiến chống làn sóng lây nhiễm thứ ba của EU đã trở nên phức tạp sau khi một số nước tạm dừng sử dụng vắcxin của AstraZeneca do lo ngại về độ an toàn. Hiện phần lớn các nước châu Âu đã nối lại việc sử dụng vắcxin của AstraZeneca sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đánh giá sản phẩm này là "an toàn và hiệu quả". Tuy nhiên, AstraZeneca mới chỉ bàn giao 30% trong tổng số 90 triệu liều vắcxin mà hãng cam kết phân phối cho EU trong quý đầu.

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, phát biểu sau khi kết thúc cuộc họp chính phủ ngày 22/3, Bộ trưởng Y tế Czech Jan Blatný cho biết Chính phủ nước này sẽ kiến nghị hạ viện gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày sau khi hết hiệu lực vào ngày 28/3 tới, nhằm duy trì các biện pháp hạn chế ứng phó với dịch COVID-19 cho tới khi dịch bệnh thuyên giảm.

Trong khi đó, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia ứng phó với đại dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Jan Hamáček cho biết các biện pháp hạn chế nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch đã phát huy hiệu quả, góp phần ngăn chặn không để hệ thống y tế sụp đổ.

Theo Phó Thủ tướng, nếu không áp dụng các biện pháp hạn chế như hiện nay, tỉ lệ ca nhiễm mới mỗi ngày có thể đã lên tới 25.000 trường hợp. Ông Hamáček kêu gọi người dân cố gắng thêm một thời gian nữa và tuân thủ các biện pháp hạn chế.

Tại Đức, các nguồn thạo tin cho biết tại hội nghị trực tuyến giữa chính quyền liên bang và các bang ngày 22/3, Thủ tướng Angela Merkel và thủ hiến các bang đã nhất trí kéo dài các biện pháp phong tỏa hiện nay cho tới ngày 18/4 tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, cuộc họp trực tuyến diễn ra căng thẳng, kéo dài và đã phải tạm ngừng để chuyển sang quy mô họp nhỏ hơn. Tuy nhiên, có hai điểm mà hội nghị đã đạt được là kéo dài lệnh phong tỏa tới giữa tháng Tư và giữ nguyên quy định về quy mô được gặp gỡ trong dịp lễ Phục sinh từ ngày 2/4 tới (cho phép 2 gia đình gặp gỡ với tối đa 5 người lớn).

Theo các nguồn thạo tin, cuộc họp đã bị ngừng lại sau khi Thủ tướng Merkel bác đề xuất của thủ hiến 5 bang (gồm Schleswig-Holstein, Mecklenburg-Vorpommern, Niedersachsen, Sachsen-Anhalt và Rheinland-Pfalz) khi những người đứng đầu các bang này muốn người dân trong bang vẫn được hưởng "kỳ nghỉ không tiếp xúc" trong dịp lễ Phục sinh, bất chấp tỉ lệ lây nhiễm ở mức cao.

Theo báo Bild, Thủ tướng Merkel đã chuyển sang họp nhóm ở quy mô nhỏ hơn để thảo luận về các biện pháp cứng rắn nhằm ứng phó với sự bùng phát mạnh của các biến thể mới.

Trong khi đó, Brazil cũng nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm phòng COVID-19. Theo đó, Brazil đã bỏ quy định buộc các chính quyền địa phương phải giữ lại một nửa số vắcxin nhận được để tiêm phòng mũi 2, nhằm đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng và kiểm soát số ca nhiễm đang tăng nhanh tại nước này.

Bộ trưởng Y tế Brazil Eduardo Pazuello nêu rõ mục tiêu của chính sách trên là đảm bảo tiêm phòng ít nhất 1 mũi cho nhiều người nhất trong thời gian nhanh nhất có thể. Bộ trưởng Pazuello nhấn mạnh thông qua việc sử dụng toàn bộ số hàng vắcxin hiện có, Brazil có thể tăng gấp đôi số liều sử dụng trong tuần này, qua đó bảo vệ thêm được nhiều người. Bộ Y tế khẳng định đã được các nhà cung cấp đảm bảo rằng sẽ có đủ vắcxin để tiêm phòng mũi 2 theo đúng lịch.

Cùng ngày, hãng dược phẩm CanSino Biologics Inc của Trung Quốc cho biết vắcxin ngừa COVID-19 của hãng đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Hungary. Đây là vắcxin thứ 2 của Trung Quốc được cấp phép tại quốc gia châu Âu này. Vắcxin Convidecia là loại vắcxin một liều và hiện đã được cấp phép sử dụng tại Trung Quốc, Pakistan và Mexico.

Liên quan đến việc bào chế vắcxin chống lại các biến thể mới, hãng tin Prensa Latina (Cuba) ngày 21/3 cho biết nước này và Trung Quốc đã thỏa thuận hợp tác phát triển một loại vacicne mới mang tên Pan-Corona, có thể chống lại nhiều biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2. Dự án hợp tác này xuất phát từ đề nghị của Chính phủ Trung Quốc và hiện đã được Bộ Khoa học và Công nghệ Cuba thông qua.

Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Công nghệ sinh học Cuba (CIGB) Gerardo Guillén của CIGB cho biết, để phát triển vắcxin Pan-Corona, các nhà khoa học sẽ dựa trên các mẫu virus tổng hợp được lưu trữ và không nhạy cảm với những biến đổi nhằm tạo ra những kháng thể, cùng những virus kích thích phản ứng của tế bào.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/253650/the-gioi-tren-124-trieu-ca-mac-covid-19.html