Thế giới trước ngưỡng cửa năm 2023: Kỳ vọng về một thế giới hòa bình, ổn định
Trong những thời khắc cuối cùng của năm 2022, thế giới ngoảnh lại nhìn một chuỗi biến động, bùng vỡ trên hành trình tái định hình diện mạo của chính mình. Và có lẽ, trong chúng ta, không ít người bàng hoàng nhận ra: Hầu như tất cả mọi câu chuyện đều vẫn đang dang dở. Điều đó khiến cho hình hài của năm 2023 trước mắt lại càng trở nên mịt mờ và khó đoán định.
Xung đột đóng vai trò tâm điểm
Trong biên niên sử nhân loại, chắc chắn, sự kiện đầu tiên được gắn kèm nhằm định dạng năm 2022 chính là chiến dịch quân sự đặc biệt mà nước Nga bắt đầu tiến hành từ ngày 24/2, tại miền Đông Ukraine.
Trên lý thuyết, đó vẫn chưa phải là một cuộc chiến tranh quy ước đúng nghĩa, theo những mệnh đề thuần túy quân sự, khi chưa có bất cứ lời tuyên chiến nào được đưa ra và quy mô của các cuộc giao tranh vẫn được giới hạn ở một mức độ nhất định, từ phía Moscow.
Cho đến tận lúc này, Điện Kremlin vẫn chỉ sử dụng những lực lượng tham chiến hạn chế. Và, sau các đợt cao trào hồi đầu cuộc xung đột, những đợt không kích đã trở thành hình thái chính, được lựa chọn nhiều nhất.
Kể từ khi bùng nổ, xung đột này trải qua 3 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu (từ ngày 24/2 đến tháng 4/2022), Moscow đã triển khai lực lượng nhanh chóng, sử dụng các đợt pháo kích và tên lửa tầm xa để sớm nắm quyền kiểm soát thủ đô Kyiv của Ukraine. Giai đoạn thứ hai (tháng 4/2022 - 28/8/2022), Nga tập trung lực lượng ở miền Đông Ukraine và giành quyền kiểm soát một số thành phố.
Dù vậy, sau khi Kyiv điều động lực lượng, mở chiến dịch phản công lớn tại miền Nam và miền Đông, xung đột đã bước sang giai đoạn thứ ba (từ ngày 28/8 đến nay). Theo đó, Nga tích cực huy động lực lượng để củng cố quyền kiểm soát tại Donetsk và Lugansk, song song với các đợt không kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trong bối cảnh mùa đông tới gần, qua đó tạo ưu thế trên thực địa một khi các bên nhất trí triển khai đàm phán hòa bình.
Vấn đề là, một giải pháp hòa bình vẫn còn đang ở tận chân trời, khi lập trường của Moscow và Kyiv vẫn còn quá cách xa nhau - điều khiến mọi nỗ lực kết nối và đối thoại đến hiện tại vẫn luôn “giậm chân tại chỗ”. Chưa bên nào thực sự tỏ ý muốn “xuống thang” bằng các thỏa hiệp cần thiết mang tính khởi đầu, bất kể lực lượng vũ trang Nga bị giới quan sát cũng như truyền thông phương Tây cho là đã phải chịu những tổn thất nặng nề, hay cho dù cơ sở vật chất của Ukraine đã bị tàn phá nghiêm trọng, qua những đợt còi báo động vang lên mỗi ngày trên toàn lãnh thổ, trước các đợt không kích dữ dội của không quân Nga cũng như các máy bay không người lái (UAV).
Về mặt quân sự, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của nước Nga tại miền Đông Ukraine có vai trò và dáng dấp không hề thua kém so với một cuộc chiến đích thực. Chiến sự đã kéo dài sang đến tháng thứ 10 và trong quãng thời gian đó, những đường nét của chiến tranh hiện đại, nhất là tính chất phi đối xứng, đã được khắc họa cực kỳ rõ nét. Đây là “cuộc chiến tranh công nghệ cao thời 4.0” đầu tiên của thế kỷ XXI, trong đó vai trò của tác chiến điện tử, của những thiết bị không người lái và của cả chiến tranh tâm lý - tuyên truyền trên các nền tảng truyền thông trực tuyến... được khuếch trương đến cực đại.
Song, vượt trên khía cạnh chiến tranh thuần túy, tính chất toàn diện và những thứ sức mạnh tổng hợp được huy động chung quanh xung đột quân sự Nga - Ukraine mới là điều đáng sợ đích thực.
Nước Nga không chỉ tiến hành một cuộc chiến đơn lẻ với Ukraine. Sâu xa hơn, từ ngày 24/2, Moscow đã khơi dậy một cuộc đọ sức về tiềm lực kinh tế (cũng như khả năng chịu đựng khó khăn) với toàn phương Tây, nghĩa là Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nước Anh, nước Mỹ cũng như các đồng minh khác của họ. Mục tiêu tối thượng sau cuối, như Tổng thống Nga Vladimir Putin từng không ít lần khẳng định: Trật tự thế giới đơn cực - với Mỹ cùng hệ giá trị phương Tây, là cực duy nhất - cần phải sụp đổ.
Chính vì thế, chưa ai dám chắc chắn bất cứ điều gì về tương lai cuộc xung đột quân sự này, khi phương Tây vẫn liên tục cam kết viện trợ cho Ukraine, còn phía Nga vẫn đang có sẵn 300.000 binh sĩ mới động viên hồi mùa thu. Giới quan sát chỉ có thể hy vọng, rằng ở các thời khắc sinh tử, những nhà lãnh đạo các cường quốc hàng đầu thế giới sẽ giữ được sự tỉnh táo (như các nhà lãnh đạo Liên Xô và Mỹ đã giữ được sự tỉnh táo trong cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân ở Cuba năm 1962), để không thổi bùng xung đột này thành cuộc Đại chiến Thế giới kế tiếp - điều hoàn toàn có thể tạo nên sự hủy diệt đích thực dành cho nhân loại.
Xung đột Nga - Ukraine là quan trọng nhất, nhưng cũng không phải cuộc xung đột quân sự duy nhất trong năm 2022. Đụng độ vũ trang tại biên giới Armenia - Azerbaijan tháng 9/2022 hay dọc biên giới Kyrgyzstan - Tajikistan sau đó cũng là những câu chuyện chưa hồi kết, để lại hệ quả nghiêm trọng, tác động tiêu cực tới tình hình an ninh Trung Á nói riêng và thế giới nói chung. Quan trọng hơn, các cuộc xung đột ấy cho thấy tình trạng bất ổn giữa các nước láng giềng, đặc biệt là tại khu vực biên giới, sẽ dễ dàng bùng phát thành đối đầu, thậm chí xung đột vũ trang. Điều này không chỉ cần thiện chí của các bên trong kiểm soát sự cố trên thực địa, duy trì đường dây nóng, mà còn đòi hỏi đối thoại thẳng thắn, nhằm tìm kiếm giải pháp cho nguyên nhân sâu xa, bản chất vấn đề, vì hòa bình bền vững.
Những cuộc khủng hoảng tiếp nối
Đặt cuộc khủng hoảng địa chính trị Ukraine ở vị trí trung tâm, chúng ta sẽ có được một bức tranh hoàn hảo về sự kết nối và liên hệ mật thiết giữa nó với những biến động khốc liệt của thế giới, suốt 10/12 tháng của năm 2022. Trong đó, điều đau đớn là những hệ lụy nặng nề nhất lại đổ xuống đầu những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất.
Hệ quả từ xung đột Nga-Ukraine, cùng tác động từ đại dịch COVID-19 đã khiến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng càng trở nên trầm trọng hơn. Theo phân tích của Tạp chí Nikkei (Nhật Bản) vào cuối quý II, số lượng hàng tồn kho do 2.349 công ty sản xuất toàn cầu niêm yết nắm giữ đạt mức kỷ lục 1.870 tỷ USD. Lượng hàng tồn kho lớn, nhu cầu tiêu thụ chậm, thiếu hụt nguyên vật liệu then chốt, quá trình vận chuyển kéo dài đã khiến không ít nhà sản xuất ngừng làm việc, ảnh hưởng nghiêm trọng và làm giảm tốc độ phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Song song, như chuyên gia kinh tế Mark Zandi tại Moody’s Analytics nhận xét: “Nếu không có chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, chúng ta sẽ ở một vị trí rất khác”. Cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn (ở đây là Nga và các cường quốc dẫn đầu phương Tây) dẫn đến những lệnh cấm vận và các biện pháp trừng phạt lẫn nhau, khốc liệt chưa từng có, nhằm triệt hạ nguồn “quốc lực” của đối thủ.
Bởi vậy, giá dầu mỏ liên tục “đội trần”, treo ở mức trên 100 USD/thùng suốt một thời gian dài, tác động tiêu cực và nặng nề đến mọi hình thức đầu tư - sản xuất - vận chuyển - kinh doanh. Đến tận gần đây, do nhiều nguyên nhân, giá dầu mới tạm hạ nhiệt. Vậy mà, với việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC) cùng đối tác (OPEC+) tuyên bố giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng, với cả việc Trung Quốc tuyên bố mở cửa trở lại (nghĩa là nhu cầu dầu mỏ thế giới tăng lên), nhiều chuyên gia dự đoán: Giá dầu thế giới sẽ nhanh chóng quay trở lại mức trên 100 USD/thùng vào đầu năm 2023.
Bên cạnh khủng hoảng năng lượng - vấn đề đang làm một khu vực thịnh vượng hàng đầu thế giới như EU “điên đảo” bởi sự thiếu thốn nguồn cung, khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu cũng thoát thai từ xung đột Nga - Ukraine, cộng hưởng với tiến trình biến đổi khí hậu - môi trường đã làm trầm trọng hơn các vấn đề nhân đạo trên toàn thế giới. Nga và Ukraine đều là những nhà cung cấp ngũ cốc hàng đầu và bởi chiến sự, hàng loạt quốc gia phụ cuộc vào nguồn cung từ họ (kể cả nguồn cung phân bón) phải “điêu đứng”.
Một con số lạnh người cũng mới được Liên hợp quốc công bố hồi đầu tháng 12: UNICEF cần 10,3 tỷ USD, để hỗ trợ cho hơn 110 triệu trẻ em. Bởi, hiện thế giới đang có tới 400 triệu trẻ em sống trong các khu vực xung đột và khoảng một tỷ trẻ em (nghĩa là phân nửa số trẻ em trên thế giới) sống tại nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương bởi các tác động của biến đổi khí hậu. Hàng chục triệu người, đặc biệt là ở châu Phi, đứng trước nguy cơ chết đói, dù châu Phi lại là khu vực phát thải ít nhất toàn cầu (chỉ khoảng 4% toàn lượng khí thải phát ra).
Có ít nhất 36,5 triệu trẻ em phải rời bỏ nhà cửa; 8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở 15 quốc gia bị khủng hoảng có nguy cơ tử vong do suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Số trẻ em cần được hỗ trợ nhân đạo hiện tại đang nhiều hơn bất cứ lúc nào, kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Với hiện trạng tốc độ nóng lên của trái đất chóng mặt như hiện tại, với sức ép quay trở lại sử dụng những nguồn nhiên liệu hóa thạch nhằm chống đỡ với nguy cơ khủng hoảng năng lượng, với sự xuất hiện không ngừng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, với sự thu hẹp các diện tích canh tác, với cả nguy cơ những cam kết giảm phát thải tại Hội nghị Thượng đỉnh các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) không thể thực hiện đúng hạn do các sức ép kinh tế - xã hội..., hệ lụy hoàn toàn có khả năng gia tăng trong năm 2023 vẫn sẽ là nghèo đói, bất bình đẳng, lạm phát, di cư - nhập cư bất hợp pháp và sự gia tăng các loại hình tội phạm mới, trên phạm vi toàn cầu. Trong khi đó, đại dịch COVID-19 toàn cầu vẫn chưa hoàn toàn bị dập tắt...
Một bức tranh toàn những gam màu xám mà ánh sáng mới chỉ hắt lên từ những nỗ lực không mệt mỏi, như cách Liên hợp quốc tìm mọi phương thức có thể nhằm tác động, đưa những chuyến tàu chở ngũ cốc rời khỏi Biển Đen, thông qua các hình thức ngoại giao.