Thế giới Tuần qua: Đại Hội đồng LHQ họp trực tuyến; Nữ thẩm phán biểu tượng của Tòa án Tối cao Mỹ từ trần
Trong tuần qua, kỳ họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) Khóa 75 và việc nữ thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ qua đời trước thềm cuộc bầu cử tổng thống là những vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm.
Các lãnh đạo thế giới phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc
Các nhà lãnh đạo thế giới đã tham gia phát biểu trực tuyến tại kỳ họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) Khóa 75 ngày 22/9 với nội dung chính xoay quanh dịch COVID-19, bầu cử Mỹ, chủ nghĩa đa phương và căng thẳng tại các khu vực.
Kỳ họp năm nay buộc phải tổ chức trực tuyến do dịch COVID-19 và quy định bắt buộc phải cách ly 14 ngày khi đến thành phố New York. Thay vì gặp gỡ trực tiếp, lãnh đạo Liên hợp quốc (LHQ), các tổng thống và thủ tướng đã gửi phát biểu được ghi hình trước đến kỳ họp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều có bài phát biểu vào ngày 22/9.
Kênh CNN (Mỹ) dẫn phát biểu của Tổng thư ký LHQ António Guterres gọi COVID-19 là “virus độc hại gây bất ổn nền móng dân chủ tại nhiều quốc gia”. Phát biểu của ông Guterres cũng đề cập tới tình trạng đói nghèo gia tăng toàn cầu và mối quan hệ ngoại giao rạn nứt giữa nhiều nước. Tổng thư ký LHQ còn cảnh báo về đối đầu ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ với mối quan hệ ngoại giao đi theo “chiều hướng vô cùng nguy hiểm”.
Cùng ngày, phát biểu của Tổng thống Trump tập trung vào việc xử lý dịch COVID-19 tại Mỹ, vai trò của cá nhân ông trong việc đạt thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Israel. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đề nghị LHQ khiến Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho dịch COVID-19.
Đối với chủ nghĩa đa phương, ông Trump nhận định: “Chỉ khi chăm lo cho chính người dân nước mình thì bạn mới có thể tìm ra ý nghĩa cơ bản của hợp tác. Với tư cách tổng thống, tôi đã đặt nước Mỹ trên hết và các bạn cũng nên đặt đất nước mình lên hàng đầu”.
Chủ tịch Tập Cận Bình trong khi đó thể hiện cam kết của Trung Quốc trong việc xây dựng nền kinh tế thế giới mở và ủng hộ thương mại đa phương với “Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là viên đá đặt nền móng”. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi nói không với chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương”. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng tuyên bố Trung Quốc hướng tới mục tiêu đến năm 2060 đạt được trung hòa carbon.
Tổng thống Nga Putin trong khi đó ca ngợi LHQ và nói rằng trong những thập niên qua tổ chức này “đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ bảo vệ hòa bình, thúc đẩy phát triển bền vững của con người và các lục địa đồng thời hỗ trợ giảm nhẹ các khủng hoảng địa phương”.
Nhà lãnh đạo Brazil Jair Bolsonaro trong bài phát biểu đã cáo buộc các yếu tố nước ngoài dẫn đến cháy rừng ở Amazon. Lửa tiếp tục bùng cháy tại Amazon trong năm thứ hai liên tiếp và nạn phá rừng không có dấu hiệu thuyên giảm kể từ khi ông nhậm chức tổng thống.
Một vấn đề khác nổi bật trong kỳ họp lần này là việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan kêu gọi tổ chức hội nghị địa phương để xử lý căng thẳng tại phía Đông Địa Trung Hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Ông Erdogan cáo buộc Hy Lạp gây rắc rối trong khu vực.
Vấn đề vaccine phòng COVID-19 cũng là trọng tâm được nhắc đến nhiều trong kỳ họp này. Tổng thư ký Guterres khuyến khích các nước thành viên LHQ tránh rơi vào chủ nghĩa dân tộc khi sử dụng vaccine COVID-19.
Một số lãnh đạo lại ca ngợi loại vaccine mà họ đang phát triển. Tổng thống Putin nói vaccine phòng COVID-19 do Nga sản xuất có tên Sputnik V là “đáng tin cậy, an toàn và hiệu quả”. Ông còn đề cập sẵn sàng cung cấp miễn phí Sputnik V cho nhân viên LHQ.
Chủ tịch Tập Cận Bình thì nhấn mạnh một khi vaccine của Trung Quốc, đang ở giai đoạn thử nghiệm thứ 3, được sản xuất hàng loạt thì đây sẽ là “điều có lợi cho toàn cầu”. Ông Tập Cận Bình cũng bổ sung rằng vaccine phòng COVID-19 của Trung Quốc sẽ được ưu tiên cung cấp cho “các quốc gia đang phát triển”.
Bên lề kỳ họp còn có nhiều thảo luận về biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và Lebanon.
Ảnh hưởng từ chiếc ghế trống của nữ thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ
Tháng 7 vừa qua, nữ thẩm phán Ruth Bader Ginsburg thông báo đang trải qua quá trình trị liệu thương tổn gan. Ngày 18/9, bà Ginsburg qua đời tại nhà riêng ở thủ đô Washington, D.C. do các biến chứng của bệnh ung thư tụy đã di căn.
Sự ra đi của nữ thẩm phán Ginsburg, chỉ 6 tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, dự kiến sẽ gây tranh cãi trong Thượng viện nước này. Nhiều ý kiến băn khoăn liệu có nên thay thế vị trí của bà Ginsburg bằng một nhân vật cho Tổng thống Trump đề cử hay quyết định nhân sự sẽ được đưa ra bởi người chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3/11 tới.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer ngày 25/9 nói rằng “nên để tổng thống mới quyết định nhân sự tiếp quản chiếc ghế trống của bà Ginsburg”.
Ngày 21/9, Tổng thống Trump cho biết vào 25 hoặc 26/9 (giờ địa phương), ông sẽ công bố nhân vật được lựa chọn thay thế vị trí của cố thẩm phán Ginsburg. Nhà lãnh đạo Mỹ nói: “Đó sẽ là một phụ nữ, một người phụ nữ tài năng”.
Năm 1993, Tổng thống Mỹ khi đó Bill Clinton đã bỏ nhiệm bà Ginsburg vào Tòa án Tối cao. Từ đây, bà Ginsburg trở thành người phụ nữ thứ hai trong lịch sử Mỹ từng tiếp nhận vị trí thẩm phán tại Tòa án Tối cao.
Trong những năm gần đây, bà Ginsburg trở thành biểu tượng đấu tranh cho bình đẳng giới. Năm 2018, một bộ phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp pháp lý của bà đã được phát hành.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 25/9, các nhà lập pháp Mỹ đã tổ chức lễ tưởng niệm cố Thẩm phán Ginsburg tại Quốc hội. Như vậy, bà Bader Ginsburg trở thành người phụ nữ đầu tiên và cũng là người Do Thái đầu tiên được quàn tại khu Mái Vòm, Điện Capitol. Điều này cho thấy sự ghi nhận đối với những cống hiến to lớn cũng như ảnh hưởng của bà trong suốt sự nghiệp đấu tranh cho phụ nữ và bình đẳng giới.
Tòa án tối cao Mỹ luôn có 8 vị thẩm phán và 1 chánh án tại vị. Các thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ được bổ nhiệm trọn đời.