Thế giới vẫn cần nam châm đất hiếm của Trung Quốc
Các chuyên gia và nguồn tin trong ngành cho biết, nhiều quốc gia vẫn khó có thể từ bỏ phụ thuộc vào nam châm đất hiếm của Trung Quốc.
Nam châm đất hiếm là tên gọi của các loại nam châm vĩnh cửu được làm từ các hợp chất hoặc hợp kim của các nguyên tố đất hiếm và kim loại chuyển tiếp.
Hiện có 2 loại nam châm vĩnh cửu đất hiếm chính, trong đó nam châm Neođim, còn được gọi là nam châm Neođim-Sắt-Bo, hoặc nam châm NdFeB, chiếm phần lớn sản lượng nam châm vĩnh cửu đất hiếm toàn cầu.
Ứng dụng của nam châm đất hiếm ngày nay rất rộng rãi. Nó là thành phần quan trọng tạo nên các sản phẩm thân thiện với môi trường như xe điện và turbine gió, cũng như các sản phẩm công nghệ khác như điện thoại di động, thiết bị điện tử, tủ lạnh, tên lửa, vũ khí và máy bay phản lực. Nam châm đất hiếm cũng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc sản xuất 60% đất hiếm toan cầu. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc chiếm ưu thế đáng kể trong chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu. Nước này cũng có rất nhiều lợi thế khi nói đến sản xuất nam châm đất hiếm.
Một số quốc gia coi kim loại đất hiếm là quan trọng chiến lược và nhận thức được rằng phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc về đất hiếm sẽ gây ra những rủi ro về kinh tế và an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, các hạn chế xuất khẩu gần đây của Trung Quốc đối với kim loại này đã thúc đẩy một số nước trên thế giới bắt đầu các chương trình nghiên cứu để phát triển nam châm có từ trường mạnh mà không cần đến đất hiếm.
Trung Quốc vẫn thống trị thị trường
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) đưa tin, các chuyên gia và nguồn tin trong ngành cho biết, nhiều quốc gia sẽ khó có thể từ bỏ sự phụ thuộc vào nam châm đất hiếm của Trung Quốc, đặc biệt là khi nhắc đến các sản phẩm tầm trung, bất chấp nỗ lực của giới chức một số quốc gia trong việc thay thế các nhà sản xuất nam châm Trung Quốc bằng các nhà sản xuất trong nước.
Nguyên nhân chủ yếu được cho là vì nam châm do Trung Quốc sản xuất có nhiều lợi thế, từ giá nhân công rẻ, sản phẩm đa dạng, cho đến công nghệ.
Theo trang Quartz (Mỹ), giá nam châm đất hiếm sản xuất ở Trung Quốc thấp hơn 20% giá sản phẩm cùng loại sản xuất ở châu Âu, theo Nabeel Mancheri, tổng thư ký của Hiệp hội Công nghiệp Đất hiếm có trụ sở tại Brussels, Bỉ. Nhưng khi chính phủ Trung Quốc thắt chặt các quy định về môi trường và sử dụng đất, dự kiến chi phí sản xuất sẽ tăng lên. Mancheri dự kiến chi phí sản xuất một nam châm đất hiếm ở Trung Quốc và châu Âu sẽ tương đương nhau trong 15 năm tới.
Reuters đưa tin hôm 23/8 rằng EU đang nghiên cứu các đề xuất để bắt đầu sản xuất tại chỗ một loại nam châm đặc biệt được sử dụng để chế tạo động cơ ô tô điện. Theo đó, các nhà sản xuất địa phương sẽ nhận được hỗ trợ, bao gồm tiếp cận nguồn vốn giá rẻ và được chi trả phần chênh lệch do chi phí nguyên liệu thô cao hơn.
Động thái của EU tương tự như một dự luật của Hạ viện Mỹ được đưa ra gần đây. Dự luật này đưa ra mức tín dụng 20 USD cho mỗi kg nam châm đất hiếm được sản xuất tại Mỹ.
Trung Quốc là nhà cung cấp nam châm đất hiếm lớn nhất của EU, mặc dù Nhật Bản cũng xuất khẩu các loại nam châm này sang EU.
Theo trang Physics Today, thị phần khai thác đất hiếm trên thế giới của Trung Quốc đã giảm trong những năm gần đây, nhưng nước này vẫn tạo ra khoảng 90% kim loại đất hiếm và nam châm NdFeB; gần như toàn bộ phần còn lại do Nhật Bản sản xuất.
Cả các chuyên gia và những người trong ngành đều cho biết khó có khả năng các nước có thể cắt giảm nhập khẩu nam châm đất hiếm từ Trung Quốc trên quy mô lớn, đặc biệt là khi nói đến các sản phẩm tầm trung.
Zhang Anwen, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Đất hiếm Trung Quốc, cho biết nam châm đất hiếm của Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn so với nam châm sản xuất ngoài Trung Quốc, bao gồm nguyên liệu và chi phí lao động tương đối rẻ, các công nghệ hàng đầu thế giới như tách đất, và chủng loại sản phẩm đa dạng.
Điều này có nghĩa là mặc dù các nhà sản xuất trên thế giới có thể chế tạo nam châm bằng vật liệu đất hiếm không có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng giá thành sản phẩm sẽ đắt hơn so với nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc.
Theo Zhang, khó có thể định lượng chi phí sản xuất nam châm đất hiếm của các nước khác. Nhưng chắc chắn chi phí nguyên liệu, lao động và các chi phí khác sẽ cao hơn.
Các chuyên gia cũng cho biết, mặc dù các nước trên thế giới sẽ thận trọng với việc nhập khẩu nam châm đất hiếm do Trung Quốc sản xuất để dùng cho các sản phẩm cao cấp, hoặc cho mục đích quân sự/chính trị, nhưng họ vẫn hy vọng có thể mua các sản phẩm tầm trung từ Trung Quốc.
“Các công ty ô tô rất nhạy cảm về chi phí thu mua nguyên liệu sản xuất. Do đó, nam châm sản xuất tại Trung Quốc sẽ là lựa chọn hàng đầu,” Zhang cho biết.
Đồng thời, Zhang cũng bác bỏ một số thông tin trên các phương tiện truyền thông quốc tế rằng lợi thế của nam châm đất hiếm của Trung Quốc nằm ở trợ cấp của chính phủ.
“Theo tôi được biết, ngành công nghiệp nam châm vĩnh cửu đất hiếm của Trung Quốc là một ngành siêu cạnh tranh và không nhận được bất kỳ hình thức trợ cấp nào,” Zhang khẳng định.
Phá vỡ cấu trúc ngành sẽ gây tổn hại cho nhiều bên
Yang, giám đốc của một doanh nghiệp đất hiếm thuộc sở hữu nhà nước có trụ sở tại Cám Châu (Giang Tây, Trung Quốc) cho biết các công ty trên thế giới sẽ cần ít nhất 5 năm để cạnh tranh với các nhà sản xuất nam châm Trung Quốc.
Yang nói: “Mỹ và châu Âu thiếu dây chuyền sản xuất nam châm đất hiếm và gần như không thể mua được nguyên liệu thô và chế biến chúng để dùng cho quá trình sản xuất nam châm đất hiếm, ít nhất là trong ngắn hạn.”
Dữ liệu thống kê chính thức của Trung Quốc cho thấy nhu cầu sử dụng nam châm đất hiếm do nước này sản xuất vẫn rất lớn. Năm 2020, Trung Quốc đã xuất khẩu 40.835 tấn nam châm vĩnh cửu đất hiếm, tăng 0,24%/năm.
Theo Zhang, việc phá vỡ cấu trúc ngành sẽ gây tổn hại cho nhiều bên, và dù thế nào chăng nữa, các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn tự tin về một tương lai tốt đẹp.
Ông cho rằng điều này không chỉ do thị trường Trung Quốc ngày càng mở rộng, mà còn do sự trỗi dậy của các ngành công nghiệp mới nổi như ô tô điện, sản phẩm điện tử tiêu dùng và sản xuất năng lượng gió. Tất cả đã thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm đất hiếm.
Minh Đức (Theo Global Times, Quartz, Physics Today)