Thế hệ 'chỉ thắp nhang' tại Trung Quốc

Nhiều người trẻ Trung Quốc đang đổ xô đến các ngôi chùa Phật giáo và Đạo giáo để cầu nguyện có được việc làm, vào trường tốt hoặc trở nên giàu có.

 Gặp áp lực về công việc, giới trẻ Trung Quốc đổ xô đi chùa. Ảnh: SCMP.

Gặp áp lực về công việc, giới trẻ Trung Quốc đổ xô đi chùa. Ảnh: SCMP.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 được cho là động lực kích thích mà thế giới cần. Tuy nhiên, sau sự bùng nổ giai đoạn đầu, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dường như đang chững lại, CNN nhận định.

Trước triển vọng kinh tế ảm đạm, những người trẻ tuổi đã kéo đến các ngôi chùa Phật giáo và Đạo giáo để cầu nguyện "thần thánh can thiệp" nhằm tìm việc làm, vào trường tốt hoặc trở nên giàu có chỉ sau một đêm.

Dữ liệu được công bố trong tuần này cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 7,5% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, do nhu cầu toàn cầu suy yếu. Hoạt động của nhà máy đã giảm trở lại vào tháng trước và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở mức cao kỷ lục.

“Không đi học, không làm việc chăm chỉ, chỉ thắp nhang” đã trở thành một hashtag phổ biến trên mạng xã hội Trung Quốc kể từ tháng 3. Cụm từ này đề cập đến một xu hướng ngày càng phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc - những người muốn thoát khỏi một xã hội nhiều áp lực bằng việc đi chùa cầu may.

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 4 bởi website du lịch Qunar.com và mạng xã hội Xiaohongshu, “incense-burning youth” (Tạm dịch: Những người trẻ đi thắp nhang) đã trở thành câu cửa miệng số một trong ngành du lịch Trung Quốc trong năm nay.

Đổ xô đi chùa

Theo thống kê chính thức, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm 16-24 tuổi đạt mức kỷ lục 20,4% vào tháng 4. Trong khi đó, con số kỷ lục 11,6 triệu sinh viên đại học sẽ bước vào thị trường việc làm vốn đã khó khăn vào mùa hè này, theo ước tính của Bộ Giáo dục Trung Quốc vào năm nay.

Khi Trung Quốc mở cửa trở lại, những ngôi chùa Phật giáo và Đạo giáo trong những tháng gần đây đã trở thành điểm đến phổ biến của những người trẻ Trung Quốc. Họ mong muốn thoát khỏi áp lực cuộc sống và cầu may mắn.

Các ngôi đền khác nhau có xu hướng thu hút những kiểu tín đồ khác nhau. Ung Hòa Cung ở Bắc Kinh, dành cho tín ngưỡng Phật giáo Tây Tạng, là một địa điểm phổ biến cho những người mong tìm kiếm thành công trong sự nghiệp và tài chính.

Ngôi chùa này ghi nhận lượng người viếng thăm tăng mạnh nhất vào tháng 3 và đầu tháng 4 so với bất cứ ngôi chùa nào trong nước. Con số đó tăng 530% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Qunar.

 Hàng chục nghìn người xếp hàng để cầu may tại chùa Ung Hòa Cung ở Bắc Kinh vào ngày 26/2. Ảnh: IC.

Hàng chục nghìn người xếp hàng để cầu may tại chùa Ung Hòa Cung ở Bắc Kinh vào ngày 26/2. Ảnh: IC.

Phật giáo và Đạo giáo là một phần thiết yếu của văn hóa Trung Quốc, với hàng chục nghìn ngôi chùa và tu viện trên khắp đất nước.

Theo dữ liệu gần đây từ Qunar và website du lịch Trip.com, số chuyến viếng thăm đền chùa trong năm nay đã tăng hơn bốn lần so với một năm trước. Theo các website trên, khoảng một nửa số khách đến thăm là những người ở độ tuổi 20 và 30.

“Dưới áp lực về trường học, công việc, hôn nhân và các mối quan hệ, ngày càng nhiều người trẻ tìm đến văn hóa truyền thống, chẳng hạn cầu nguyện và cầu phúc ở chùa để giảm bớt căng thẳng”, Yang Yan, nhà phân tích của công ty môi giới Trung Quốc Nanjing Securities, nhận định.

Theo bà, mạng xã hội cũng thúc đẩy sự bùng nổ của việc viếng thăm chùa chiền, khi những người trẻ tuổi thích chia sẻ trải nghiệm của họ trên mạng xã hội.

Nga Mi và Cửu Hoa là hai trong số “bốn ngọn núi linh thiêng của Phật giáo” nổi tiếng của Trung Quốc. Nơi đây có những ngôi chùa Phật giáo và di sản văn hóa lớn nhất của đất nước.

Núi Nga Mi ở tỉnh Tứ Xuyên đã đón 2,48 triệu khách từ tháng 1 đến tháng 5, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi hạn chế về đại dịch Covid-19 được đưa ra.

Đi chùa để cầu trúng số

Emei Shan Tourism, công ty cung cấp dịch vụ du lịch quanh ngọn núi này, đã ghi nhận doanh thu tăng vọt, đạt lợi nhuận ròng kỷ lục 9,8 triệu USD trong quý đầu tiên, tăng 262% so với cùng kỳ năm 2019.

Cổ phiếu của công ty đã tăng 44% trong 10 phiên giao dịch vừa qua, trở thành một trong những cổ phiếu hoạt động tốt nhất trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong giai đoạn này.

Công ty Phát triển Du lịch Cửu Sơn Hoa An Huy - điều hành khu danh lam thắng cảnh núi Cửu Hoa ở trung tâm tỉnh An Huy - cũng phá kỷ lục doanh thu hàng quý.

Trong khoảng thời gian tháng 1-3, doanh thu của công ty này đã tăng 43% so với cùng kỳ năm 2019 và là mức cao nhất kể từ khi niêm yết năm 2015. Cổ phiếu của họ đã tăng 34% trong 10 phiên giao dịch vừa qua.

 Tình nguyện viên Lu Zi viết lời chúc cho một vị khách lớn tuổi tại một ngôi chùa ở Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang. Ảnh: SCMP.

Tình nguyện viên Lu Zi viết lời chúc cho một vị khách lớn tuổi tại một ngôi chùa ở Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang. Ảnh: SCMP.

Các địa điểm Đạo giáo cũng đã chứng kiến số lượng tín đồ đến viếng thăm gia tăng mạnh mẽ. Núi Long Hổ ở tỉnh Giang Tây, một trong những cái nôi của Đạo giáo, đã đón 4,73 triệu lượt khách viếng thăm trong quý đầu tiên, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2019.

Võ Đang, một địa điểm Đạo giáo nổi tiếng khác xuất hiện trong phim “Ngọa hổ tàng long”, đã ghi nhận lượt ghé thăm tăng 23% trong khoảng thời gian tháng 1-3 so với năm 2019.

Bên cạnh việc cầu nguyện các vị thần để thành công trong sự nghiệp, nhiều người đang cầu mong trúng số. Doanh số bán vé số trên toàn Trung Quốc đã tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 50,33 tỷ nhân dân tệ (tương đương 7,28 tỷ USD), Reuters đưa tin.

Con số này đã đưa doanh số bán vé số tháng 4 của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ.

Giới phân tích nhận định trong thời kỳ kinh tế bấp bênh, nhiều người có xu hướng tìm kiếm niềm an ủi trong đức tin hoặc các hoạt động khác như mua vé số, nuôi thú cưng, tham dự các buổi hòa nhạc hoặc dành thời gian cho những sở thích như phim hoạt hình hoặc truyện tranh.

“Sức hấp dẫn cốt lõi của việc mua vé số là mang lại cho mọi người sự khuây khỏa”, họ nói thêm.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-he-chi-thap-nhang-tai-trung-quoc-post1438811.html