'Thế hệ chuột túi' ăn bám bố mẹ đáng báo động ở Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, ngày càng có nhiều người trưởng thành trong độ tuổi từ 25 đến 34 vẫn sinh sống cùng bố mẹ, thiếu tự lập về kinh tế và cần sự trợ giúp từ gia đình.
Theo tờ Koreatimes, các cuộc cãi vã giữa Kim Young-joon, 30 tuổi, với bố mẹ anh vì những vấn đề nhỏ nhặt ngày càng xảy ra nhiều hơn. Mặc dù có bằng thạc sĩ, nhưng Kim vẫn từ chối các lời mời làm việc vì cảm thấy không phù hợp với trình độ học vấn của mình. Người đàn ông dù đã trưởng thành này vẫn luôn thất nghiệp kể từ đó.
“Bố mẹ tôi nói rằng họ rất căng thẳng khi thấy tôi ở nhà cả ngày lẫn đêm, khiến tôi tổn thương và phản ứng nhạy cảm mỗi khi gặp họ. Tôi sợ tình trạng này sẽ trở nên tồi tệ hơn khi tôi già đi, bởi vì việc tìm được một công việc tử tế và tự chủ về tài chính càng khó khăn hơn”, anh Kim chia sẻ.
Kim nằm trong số 2/3 người Hàn Quốc ở độ tuổi từ 25 đến 34 sống cùng cha mẹ hoặc sống tách khỏi cha mẹ nhưng không độc lập về kinh tế. Họ được gọi chung là “thế hệ chuột túi” (Kangaroo tribe) - cụm từ dùng để chỉ những đứa con sống phụ thuộc vào cha mẹ về mặt tài chính lẫn tình cảm ngay cả khi đã đủ lớn để tự lập.
Theo nghiên cứu của Dịch vụ Thông tin Việc làm Hàn Quốc, vào năm 2020, 66% người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 25 đến 34 thuộc “thế hệ chuột túi”. Tỷ lệ này đã dao động trong khoảng 60% trong nhiều năm, ở mức 62,8% vào năm 2012, 66,6% vào năm 2016 và 68% vào năm 2018.
Năm 2020, 73,4% thanh niên không có bằng đại học và 69,4% sống tại Seoul hoặckhu vực Seoul mở rộng. Những người thất nghiệp chiếm 47,4% “thế hệ chuột túi” vào năm 2012. Tỷ lệ này tăng lên 66% vào năm 2020.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả thanh niên có việc làm đều sống độc lập với cha mẹ. Khoảng 72,2% những người làm công việc tạm thời, không kiếm được nhiều tiền hoặc việc làm không ổn định khác cho biết họ chưa sống tách khỏi cha mẹ.
Một số người khác sống với cha mẹ đến tuổi trưởng thành cho biết họ đang học thạc sĩ hoặc vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc.
Chuyên gia cảnh báo “thế hệ chuột túi” không chỉ gây tổn hại cho các hộ gia đình mà còn cả nền kinh tế đất nước.
Ông Jeon Young-soo, Giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Hanyang, nói: “Chi phí để dành cho thế hệ này sẽ ngày càng lớn hơn khi họ ngày càng lớn tuổi và cha mẹ họ nghỉ hưu. Cuối cùng, chính phủ sẽ phải hỗ trợ họ và giúp họ sinh tồn theo đúng nghĩa đen”.
Ông Jeon cho rằng các bậc phụ huynh nên ngừng hỗ trợ tài chính cho con cái trưởng thành.
Ông nói: “Những đứa trẻ này sẽ cần phải tìm mọi cách có thể để tự sinh tồn bất kể những thách thức kinh tế mà chúng gặp phải”.
Trong khi đó, dữ liệu do Shinhan Card công bố ngày 6/6 cho thấy ngày càng có nhiều ông bà ở Hàn Quốc dành thời gian và tiết kiệm tiền bạc cho con cháu, vì lạm phát cao và dân số suy giảm khiến các bậc cha mẹ khó có thể tự mình chăm sóc con cái hơn.
Dữ liệu cho thấy từ tháng 1 đến tháng 9/2023, số lượng người trên 60 tuổi tới các quán cà phê dành cho người trẻ hoặc sân chơi trong nhà dành cho trẻ em, nhiều hơn đáng kể so với năm 2019 – với mức tăng 80%.
Trong cùng thời gian, số lượt đến bệnh viện nhi của nhóm tuổi này cũng đã tăng 59%, trong khi chi tiêu của họ cho tài liệu học tập cho trẻ em tăng tới 115%.
“Nhiều người cao tuổi được phân loại là những người thuộc thế hệ ‘baby boomer’ ổn định về mặt tài chính, sẵn sàng chia sẻ thời gian và tiền bạc vì lợi ích của con cái họ”, Shinhan Card cho biết.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao đang khiến việc hỗ trợ nuôi dạy con cái phải phụ thuộc nhiều hơn vào ông bà.
Năm 2023, những người trên 65 tuổi chiếm 18,4% tổng dân số Hàn Quốc. Đất nước này dự kiến sẽ trở thành một xã hội siêu già vào năm 2025, khi nhóm tuổi này được dự báo sẽ chiếm 20% dân số.