Thế hệ gen Z dễ 'gãy vỡ'?
Thế hệ gen Z (những người sinh năm từ 1997 - 2012) được cho là những người đầu tiên được tiếp cận công nghệ từ khi còn nhỏ và có tư duy tốt về tiền tệ, kinh tế, công nghệ, nhanh nhạy với thời cuộc. Nhưng thế hệ này cũng gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống hiện nay, như bạo lực học đường, an toàn trên không gian mạng.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học (ĐH) Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, nói: Gen Z đang sống trong một thế giới được định nghĩa bởi từ PAID. Trong đó, P (pressure) là áp lực; A (alwways on) kết nối 24/7; I (information overloaded) bội thực thông tin và D (distracsted) phân tâm.
Bốn yếu tố này đang ảnh hưởng đến người trẻ Việt Nam. Họ gặp áp lực trong học tập. Việc kết nối 24/7 khiến họ dễ tiếp cận với những điều lệch chuẩn hay những bạo lực, bào mòn sức khỏe tâm thần. Đồng thời, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất khi học sinh, sinh viên ngày càng yếu, béo phì, cận thị. Tiếp cận nhiều thông tin không có chọn lọc khiến họ cảm thấy thế giới nguy hiểm, bất an, nên càng lo lắng, cô đơn hơn.
Còn sự phân tâm khiến cho giới trẻ không chú ý đến cảm xúc của người khác, mất dần khả năng thấu cảm; cha mẹ con cái cũng bị xa cách bởi thiết bị, công nghệ. Gen Z thông minh hơn, ngoại ngữ tốt hơn nhưng kỹ năng sống ngày càng kém vì thiếu tương tác trong cuộc sống thực. Hơn nữa, do đặc điểm của thông tin số là thỏa mãn lập tức khi cần nên càng ngày người trẻ càng thiếu sự kiên trì và nỗ lực. Không những thế, gen Z là thế hệ mang tính toàn cầu, có bạn ở khắp mạng xã hội nhưng thiếu người chia sẻ trong đời sống thực. Họ phải sống theo kiểu làm việc đa nhiệm nên thiếu sự chú ý, dẫn đến dễ hiểu nhầm. Thậm chí bộc lộ cảm xúc cũng bằng biểu tượng nên diễn đạt bằng ngôn ngữ ngày càng ít, dễ dàng hiểu sai ý của nhau dẫn đến xích mích thực. Thế hệ gen Z còn gặp phải vấn đề rối loạn giấc ngủ, lo âu trầm cảm, nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến nhiều hơn.
“Hai kỹ năng trụ cột quan trọng nhất người trẻ phải có là năng lực số, năng lực chăm sóc sức khỏe tinh thần. Bên cạnh đó là khả năng giải quyết vấn đề linh hoạt sáng tạo”.
PGS. TS Trần Thành Nam
Như ông nói, người trẻ giờ cô đơn hơn. Có lẽ vì vậy mà họ dễ bùng nổ dẫn đến các phản ứng tiêu cực. Đó là nguyên nhân của tình trạng bạo lực trong trường học đã nhức nhối nhiều năm nay vẫn tiếp diễn và ngày một gia tăng?
Tôi nghĩ, sau dịch COVID-19, các hệ thống phòng tham vấn, quy trình phòng ngừa bạo lực học đường đã bị lơi lỏng, có một số nơi đang bị tê liệt. Sự thiếu ý thức và cam kết của các bên để giải quyết sự việc ngay từ đầu không triệt để nên đã dẫn đến những hậu quả không thể đảo ngược. Môi trường xung quanh có quá nhiều chất liệu bạo lực. Các hình thức bạo lực đa dạng hơn (như bạo lực trực tuyến) mà không phải ai cũng nhận diện đúng đã bào mòn sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên, làm thay đổi chuẩn mực và có tình trạng chấp nhận sử dụng bạo lực khi giải quyết xung đột. Công tác phòng ngừa không được triển khai. Không có quy trình thống nhất xử lý các phát hiện và báo cáo.
Cô đơn, dễ vỡ
Phải chăng còn một lý do nào khác nữa đã dẫn đến tình trạng một số học sinh không còn tôn trọng thầy cô của mình, không tìm được nơi chia sẻ nên khủng hoảng tâm lý bị dồn nén dẫn đến những hậu quả đau lòng như vừa qua?
Đó là do áp lực thi cử, áp lực học hành, áp lực thành tích nhiều. Bên cạnh đó, xu hướng kinh tế hóa quan hệ thầy trò khiến cô trò xa cách; khoảng cách thế hệ ngày càng xa. Thầy cô không hiểu học trò, không thể trở thành người đồng hành. Cha mẹ cũng vậy. Chính vì thế, người trẻ cô đơn hơn, dễ gãy vỡ hơn.
Theo ông, người lớn đã “sai” ở đâu và cách khắc phục để tránh những đứt gãy, đổ vỡ đối với những người trẻ hôm nay?
Chúng ta quen với những dạng bạo lực hành động như bạo lực thể hiện qua hành vi, lời nói (bạo lực nóng). Nhưng còn có một dạng bạo lực kín hơn, khó nhận diện hơn. Đó là không hành động khi cần thiết, không đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thể hiện thiếu trách nhiệm và bỏ mặc (gọi là bạo lực lạnh hay bạo lực trắng).
Nhưng khi xử lý các hành vi bạo lực này, người lớn đang có niềm tin sai lầm. Đó là coi kẻ bắt nạt như tội phạm, muốn trị thật nghiêm như đuổi học ngay lập tức. Nhưng thực tế, quy định nghiêm khắc chưa đủ để giảm hành vi bạo lực, thậm chí còn làm cho học sinh cảm thấy ấm ức, bị đối xử bất công dẫn đến lừa dối và trả đũa.
Giải quyết bắt nạt không đơn thuần chỉ là loại bỏ kẻ đi bắt nạt. Nếu chỉ đơn giản loại ra một kẻ bắt nạt, việc bắt nạt vẫn sẽ không dừng lại vì sẽ có một kẻ bắt nạt khác lên thay thế.
Thế nên cái chính là cần phải giáo dục lại năng lực thấu cảm của nhóm những kẻ bắt nạt; giáo dục về các chiến lược giải quyết vấn đề một cách thân thiện. Bản thân phụ huynh có con là kẻ bắt nạt cần đi học về phương pháp làm cha mẹ; giáo viên cần xem lại các nguyên tắc kỷ luật tích cực của mình.
Giải quyết các vấn đề của gen Z, ngành giáo dục hay phụ huynh không thể đơn độc mà cần có sự phối hợp, đồng hành. Cần giáo dục thế hệ trẻ có đủ tự tin, đủ kỹ năng để xử lý các vấn đề gặp phải, tự định hướng không chỉ nghề nghiệp mà còn tự định hướng trong không gian mạng (là màng lọc giá trị); rèn giũa để họ có tinh thần trách nhiệm, quan tâm tới vấn đề gia đình, bản thân.
Cảm ơn ông.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/the-he-gen-z-de-gay-vo-post1530042.tpo