Thế hệ người trẻ ngại giao tiếp, không dám thể hiện bản thân

Giao tiếp xã hội được hiểu là phương thức vận hành xã hội thông thường, nhưng vẫn tồn tại một thế hệ ngại giao tiếp. Vậy điều gì tạo nên chứng bệnh này ở giới trẻ? Bản chất hướng nội? Sự nhút nhát vốn có? Hay thói quen sinh hoạt hằng ngày tạo nên?

Hội chứng ngại giao tiếp và góc nhìn của người mắc

Hội chứng sợ giao tiếp xã hội là một dạng nằm trong nhóm bệnh rối loạn lo âu được mô tả bởi tình trạng người bệnh luôn cảm thấy lo sợ, hoảng loạn, sợ hãi quá mức khi phải đối mặt với các tình huống tương tác xã hội thông thường. Cũng bởi mang những nỗi sợ vô hình với xã hội nên người bệnh thường có xu hướng tự cô lập bản thân, né tránh các tình huống cần sự giao tiếp giữa người với người hay thể hiện bản thân trước đám đông. Theo dữ liệu của Học viện Sức khỏe Tâm thần Hoa Kỳ (NIHM), tỷ lệ người mắc chứng sợ hãi xã hội lên tới 13,3%, tức là đang ở mức khá cao. Hội chứng này rất phổ biến ở lứa tuổi vị thành niên từ 12 đến trước 25 tuổi,với tỷ lệ mắc dao động từ 9,1- 44%. Chứng sợ giao tiếp xã hội không phải một loại bệnh tâm thần, nhưng nó lại có thể là một phần nguyên nhân hình thành những bệnh lý về tâm lý khác như trầm cảm, tự kỷ, rối loạn lo âu, rối loạn tâm thần,...

Giao tiếp xã hội được hiểu là một hoạt động giao tiếp giữa một người với một người hay một nhóm người với nhau. Đây cũng là phương thức vận hành xã hội thông thường, nhưng đối với những bệnh nhân mắc chứng ám ảnh xã hội thì đó là một thử thách rất lớn và đáng sợ. Những người mắc chứng sợ giao tiếp xã hội sẽ luôn cảm thấy xấu hổ, mất mặt, lúc nào cũng trong trạng thái co rúm lại và rất ít khi hoặc không bao giờ dám bày tỏ quan điểm của mình trước đám đông. Khi ai đó nhìn người bệnh bằng ánh mắt phán xét, theo dõi trong một khoảng thời gian sẽ khiến người mắc cảm thấy lo sợ, bất an. Bạn Nguyễn Thị Hương Giang chia sẻ về quãng thời gian khép kín bản thân đầy tự ti và áp lực:

“Trước đây mình khi mình muốn nói điều gì mình sẽ phải suy nghĩ khá là lâu. Nhưng khi mình chuẩn bị nói ra rồi mà lại có một người khác chen ngang nói vào thì mình sẽ sợ rồi ậm ừ cho qua. Mình cũng có xu hướng không muốn nói điều đó ra nữa. Trong quá trình ấy mình luôn phải gồng lên và suy xét những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Mình cảm thấy xấu hổ, sợ hãi rất là nhiều và mình lúc nào cũng có những suy nghĩ kiểu nhỡ mình nói ra cái điều đó thì mọi người sẽ nghĩ mình thật là ngốc. Họ sẽ cười mình hay coi mình là trò đùa chế giễu mình mỗi khi mình thể hiện bản thân mình. Mình rất là sợ cái điều đấy nên rất ngại giao tiếp với mọi người.”

Những suy nghĩ tiêu cực và nhận định sai lầm về bản thân cũng từng khiến bạn Đinh Thanh Phương gặp phải những vấn đề liên quan đến sức khỏe thể chất như đau đầu, mất ngủ.

“Mình luôn cảm thấy mắc cỡ, lúc nào cũng có cảm giác có ai đó đang nhìn và phán xét mình nên mình luôn không thoải mái được là chính mình. Chẳng hạn một ngày nào đó, buổi sáng mình làm một hành động hay nói một điều gì đó thì đến đêm về sẽ nằm lăn lộn trên giường suy nghĩ về nó rất nhiều đêm liền. Làm gì mình cũng nghĩ về nó. Giấc ngủ không được đảm bảo nó cũng ảnh hưởng rất nhiều tới công việc và học tập của mình vào ngày hôm sau. Mình cũng rất hay bị đau đầu, có lần đi khám bác sĩ bảo mình bị viêm dạ dày vì quá stress và sinh hoạt không đều đặn. Mặc dù muốn bản thân tốt hơn nhưng mình không có cách nào thoát ra và thỏa hiệp với bản thân rằng nó là điều bình thường.”

Việc sống khép kín, ngại giao tiếp xã hội đã khiến cho rất nhiều bạn trẻ mất đi cơ hội phát triển bản thân, bỏ qua rất nhiều trải nghiệm thú vị của cuộc sống. Những điều này sẽ gián tiếp khiến các bạn trẻ thiếu đi những kỹ năng xã hội như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tranh luận,... Bạn Nguyễn Công Thành chia sẻ về quãng thời gian khó khăn khi không dám thể hiện bản thân mà bỏ qua cơ hội tìm kiếm việc làm.

“Mình có quen anh học khóa trên và anh ấy cũng rất là quý mình. Anh ấy luôn hỏi mình về vấn đề học tập và mong muốn làm gì của mình sau khi ra trường. Nhưng mình luôn ngại nói, ngại chia sẻ với anh ấy. Đáng lẽ ra mình đã có một công việc tốt hơn nhưng mình đã ngại và không đủ can đảm nói ra mong muốn của mình. Rồi mình cứ mãi chật vật tìm chỗ thực tập. Nhưng mình nhận ra mỗi cá thể đều có bản ngã riêng, nếu mình hông mở lời sẽ không ai biết được mình đang như thế nào, mình cần gì để họ có thể giúp đỡ và thúc đẩy để có thể thành công.”

Việc thay đổi là điều cần thiết cho tương lai mới

Cũng giống như các tình trạng sức khỏe tâm thần khác, chứng ngại giao tiếp xã hội có thể xuất phát từ rất nhiều các nguyên nhân các nhau. Vậy điều gì tạo nên chứng bệnh này ở giới trẻ? Bản chất hướng nội? Sự nhút nhát vốn có? Hay thói quen sinh hoạt hằng ngày tạo nên? Với sinh viên, lứa tuổi bắt đầu có những sự thay đổi điều kiện sống, học tập, thay đổi môi trường giao tiếp, môi trường xã hội… kết hợp với tâm lý bồng bột, thiếu kinh nghiệm sống thì những triệu chứng liên quan đến trầm cảm, lo âu hay stress lại càng tăng cao. Tại Hàn Quốc, ước tính có khoảng 338.000 người trong độ tuổi từ 19 đến 34 đang trải qua và có xu hướng sống cách ly xã hội. Những triệu chứng này khiến cho người mắc nỗ lực né tránh tất cả các tình huống giao tiếp xã hội thông thường để khiến bản thân cảm thấy an tâm và dễ chịu hơn. Tuy nhiên, trong một số tình huống xã hội sẽ gây ra nhiều phiền toái không đáng có trong cuộc sống.

Sau thời gian dài sống trong vỏ bọc khép kín, bạn Nguyễn Thị Hương Giang nhận thấy mình cần thay đổi và phát triển bản thân mình cho tương lai tốt đẹp hơn.

“Mình cũng không nhớ mình bắt đâu thay đổi từ khi nào nhưng cái mục tiêu lớn nhất là mình muốn giúp đỡ bố mẹ. Mình muốn phải thành công thật nhanh trước khi họ già đi. Mình đã đăng ký dạy thêm cho các bé cấp 1 ở một trung tâm tiếng anh và điều này đã giúp mình phát triển bản thân hơn rất nhiều. Mọi người ở đó rất là thân thiện, các anh chị và các bạn đều sêm sêm tuổi với mình nên đã giúp mình giao tiếp với mọi người tốt hơn. Không gian ở đó cũng rất thoải mái và dễ chịu, cũng nhờ đó mà mình đã thay đổi rất nhiều. Sau một năm cố gắng thì mình đã từ một giáo viên nhỏ dạy tiếng anh mình đã được lên làm quản lý bộ phận .”

Khi chấp nhận thay đổi, thoải mái chia sẻ và thể hiện bản thân, bạn Thanh Phương cũng đã có những thay đổi tích cực cả trong cuộc sống và công việc.

“Cho đến sau này mình dần dần muốn thay đổi và nhận thấy có lẽ mọi người cũng đã quên rồi, và có thể chẳng ai chú ý đến điều mình coi là ngốc nghếch ấy, mọi người đều sẽ bận rộn chả ai có thể nhớ và để ý đến mình đâu. Dần dần mình không còn để tâm đến những thứ bên ngoài đó nữa, cũng thể hiện góc nhìn, quan điểm của mình với người khác một cách rõ ràng hơn. Sau đó mình cảm thấy cuộc sống thật đẹp, rất nhiều thứ hay ho mình đã bỏ qua. Mình thoải mái khám phá, tìm hiểu về những thứ mình yêu thích mà trước giờ mình không dám làm.”

Thiếu tự tin và ngại giao tiếp với mọi người chính là “liều thuốc độc” giết chết cuộc sống của bạn. Mỗi người dù không được lựa chọn cách mình sinh ra nhưng có thể lựa chọn cách sống và thể hiện bản thân mình. Hãy “sống” và mở lòng nhiều hơn đón nhận mọi thứ theo hướng tích cực, và lan tỏa những điều nhỏ bé phi thường tới mọi người xung quanh.

Hồng Ngọc

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/the-he-ngai-giao-tiep-khong-dam-the-hien-ban-than-2147422.html