Thể hiện rõ nguyên tắc 'thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó'

Ngày 28.3, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu đã thảo luận về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành hội nghị

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành hội nghị

Ảnh: Hồ Long

8 điểm mới

Báo cáo Một số vấn đề về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý còn 96 điều, ít hơn 2 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, trong đó, bổ sung 1 điều (Điều 95), bãi bỏ 3 điều (Điều 55, 70 và Điều 94 dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội).

Liên quan đến đề nghị cân nhắc việc quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn “đạt chuẩn nông thôn mới”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn chung đạt danh hiệu “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” nhằm bảo đảm tính phổ quát chung nhất thể hiện tại khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc giao UBND cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn và việc xét tặng đối với danh hiệu này trên cơ sở tiêu chuẩn chung được nêu tại dự thảo Luật là phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa chung cả nước và phù hợp thực tiễn của từng vùng, miền, đặc điểm của từng địa bàn cụ thể, phản ánh được thực chất của phong trào thi đua ở từng địa phương. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo Luật.

Đối với việc xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý Điều 91 dự thảo Luật theo hướng: bổ sung quy định trường hợp tổ chức, cá nhân bị hủy bỏ quyết định khen thưởng; quy định cụ thể hơn về các trường hợp cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự Nhà nước mà có hành vi vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên có tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước và chỉnh lý quy định cụ thể về nội dung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về vấn đề xử lý vi phạm.

Ảnh: Hồ Long

Ảnh: Hồ Long

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý và giải trình ý kiến của ĐBQH đối với 34 nội dung tại 43 điều; rà soát, chỉnh lý kỹ thuật toàn bộ dự thảo Luật để bảo đảm rõ ràng về văn phong và thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu

Ảnh: Hồ Long

Nêu một số điểm mới của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật có 8 nhóm điểm mới chủ yếu là: thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; thể hiện rõ nguyên tắc "thành tích đến đâu, khen đến đó" và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” trước đây; đưa phong trào thi đua thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến); chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ…; quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…

Giải quyết cơ bản vướng mắc trong khen thưởng khu vực kinh tế tư nhân

Cơ bản đồng tình với Báo cáo nêu trên, các ĐBQH đánh giá cao cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan đã nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc, kỹ lưỡng; giải trình rõ những vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau. Các đại biểu cũng ghi nhận sự đổi mới mạnh mẽ trong nội dung dự thảo Luật lần này nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đối với công tác thi đua, khen thưởng.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phát biểu

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phát biểu

Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, dự thảo Luật lần này thực sự có sự đổi mới mạnh mẽ và căn bản, thể chế hóa được Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Đặc biệt, dự thảo Luật đã có các quy định nhằm giải quyết cơ bản các khó khăn, vướng mắc trong công tác khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân. Nêu nhận định này, ĐB Mai Thị Phương Hoa cho biết, trong giai đoạn hiện nay, khối doanh nghiệp tư nhân đang phát triển mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của đất nước với đóng góp trên 40% GDP cả nước. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức, nhà khoa học xứng đáng được khen thưởng vì thành tích đóng góp của mình. Tuy nhiên, một số quy định hiện hành về tiêu chuẩn khen thưởng cho doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài nhà nước chưa cụ thể, khó áp dụng và điều chỉnh bằng văn bản dưới luật. Khắc phục những bất cập này, dự thảo Luật đã bổ sung quy định cụ thể đối tượng là doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học và các tổ chức kinh tế khác được khen thưởng Huân chương Lao động các hạng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen của các bộ, ban, ngành, tỉnh; bổ sung những nguyên tắc xếp tôn vinh, trao tặng giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp... Với những quy định mới rất căn bản này, đại biểu Mai Thị Phương Hoa tin tưởng, công tác khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân sẽ được tăng cường và góp phần động viên, khích lệ, thúc đẩy khu vực này ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị, dự thảo Luật nên quy định ngay những nguyên tắc cơ bản về thẩm quyền trình khen thưởng, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp tư nhân, làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết sau này.

Điểm sơ quan thấy có tới 21 điểm trong dự thảo Luật giao cho Chính phủ, các bộ, ban, ngành quy định, hướng dẫn chi tiết, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, để luật đi vào cuộc sống sau khi được Quốc hội ban hành sẽ cần phải có một hệ thống văn bản dưới luật rất đồ sộ đi kèm. ĐB Trịnh Xuân An đề nghị, cần tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa những nội dung trong dự thảo Luật trình Quốc hội.

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu

Ảnh: Hồ Long

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu việc khen thưởng các đối tượng ngoài nhà nước; khen thưởng đối với ĐBQH chuyên trách và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; danh hiệu chiến sĩ thi đua, danh hiệu thôn, tổ dân phố, gia đình văn hóa; việc phân định vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ khen thưởng người lao động trực tiếp; nội hàm, quy định cụ thể về Huân chương đại đoàn kết dân tộc; thẩm quyền khen của Đại học Quốc gia, Ban Cơ yếu Chính phủ; về đối tượng, tiêu chuẩn, tiêu chí, thẩm quyền đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, xử lý vi phạm… và một số vấn đề khác.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu đối với Chính phủ kịp thời ban hành Nghị định hướng dẫn khi dự luật được Quốc hội thông qua để luật sớm đi vào cuộc sống; Ủy ban Xã hội tiếp tục chủ động phối hợp với Ban soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các ĐBQH chuyên trách tại Hội nghị, hoàn thiện dự thảo Luật và gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH các cơ quan, tổ chức theo quy định để dự án Luật khi trình Quốc hội bảo đảm chất lượng cao nhất.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-hien-ro-nguyen-tac-thanh-tich-den-dau-thi-khen-thuong-den-do-qa3qnbdlli-81506