'The Innocence Files' - những vụ án oan sai nổi tiếng tại Mỹ

Series tài liệu 'The Innocence Files' hiện gây xôn xao dư luận với nội dung xoay quanh các vụ án oan sai tại Mỹ và nỗ lực tìm lại công lý của nhóm Dự án Vô Tội.

The Innocence Files là series tài liệu gồm 9 tập xoay quanh các vụ án oan sai tại Mỹ, cùng nỗ lực của các thành viên thuộc Dự án Vô Tội (Innocence Project) nhằm lấy lại tự do cho những người tù oan.

Hồi hộp, kịch tính như một series trinh thám, tác phẩm đem tới những thước phim quy mô, chọn lọc, phỏng vấn đa chiều từ nạn nhân và gia đình của họ, cho tới nhân viên pháp y, thanh tra cảnh sát, luật sư, công tố viên...

Tất cả giúp làm nổi bật kẽ hở trong hệ thống luật pháp nước Mỹ và chân dung ám ảnh của các nạn nhân - những người vô tội phải chịu cảnh đày đọa vì tội ác mà họ không hề gây ra.

8 vụ án oan và hành trình dài đòi lại tự do

Khéo léo kết hợp các đoạn phim lưu trữ, băng ghi âm, video tái dựng hiện trường và tư liệu từ các cuộc phỏng vấn thực tế, The Innocence Files kể lại những vụ án còn nhiều uẩn khúc, lý giải cách mà sai sót trong cơ chế hành pháp và tư pháp đã quy chụp nhiều người vô tội vào sau song sắt.

Có những người bị bắt ngay trong nhà trước con mắt kinh hãi của người thân, có người chỉ tình cờ có mặt gần hiện trường vụ án mà bị kết tội. Trong nhiều vụ, động cơ về chủng tộc là không thể chối bỏ.

 Levon Brooks (bìa phải) trong ngày được tuyên trắng án. Trước đó, ông phải ngồi tù 16 năm với tội cưỡng bức và giết hại một bé gái 3 tuổi.

Levon Brooks (bìa phải) trong ngày được tuyên trắng án. Trước đó, ông phải ngồi tù 16 năm với tội cưỡng bức và giết hại một bé gái 3 tuổi.

Tính trung bình, Dự án Vô Tội mất khoảng 5 năm để có thể thu thập đủ bằng chứng nhằm lật lại một vụ án. Những nạn nhân trong câu chuyện đều phải ngồi tù trung bình 20-30 năm trước khi được tuyên trắng án, trở lại làm công dân tự do.

8 cá nhân bị bắt khi mới chỉ là những thanh thiếu niên, rồi phải trải qua gần nửa quãng đời người trong tù. Người thì bỏ lỡ khoảnh khắc con cái mình lớn lên, cha mẹ già đi, kẻ khác đòi lại được công lý thì qua đời vì bệnh tật chỉ vài năm sau đó.

Nói họ còn “may mắn” là bởi ít ra những người này còn được minh oan. Trong khi đó, không biết còn bao nhiêu người chịu oan sai vĩnh viễn và đánh mất đi cơ hội làm lại cuộc đời vì tội lỗi của kẻ khác.

Lỗ hổng pháp lý và sự tắc trách của người thi hành công vụ

Theo thống kê, kể từ năm 1989, có gần 2.600 phạm nhân bị kết tội sai được tuyên trắng án tại xứ sở cờ hoa. Con số cho thấy thực trạng đáng báo động của hệ thống luật pháp nước Mỹ.

9 tập phim chia làm ba phần dựa trên cách mà nạn nhân bị khép tội, bao gồm: bằng chứng (The Evidence), nhân chứng (The Witness), và quá trình truy tố (The Prosecution). Đây cũng là ba yếu tố thường "đóng góp" vào việc kết tội sai người.

Phần “bằng chứng” chỉ ra sự mơ hồ trong bản chất của ngành khoa học pháp y - một lĩnh vực nguy hiểm đầy rẫy “diễn viên” với tuyên ngôn ngụy khoa học dựa trên nghiên cứu chủ quan.

 Bác sĩ Michael West - nhân vật đã đẩy hai người đàn ông vô tội vào tù vì tuyên bố răng của họ khớp với “vết cắn” tìm thấy trên thi thể nạn nhân.

Bác sĩ Michael West - nhân vật đã đẩy hai người đàn ông vô tội vào tù vì tuyên bố răng của họ khớp với “vết cắn” tìm thấy trên thi thể nạn nhân.

Trong một tập phim, một người tự nhận là chuyên gia pháp y về vết cắn (bite mark) với hàng tá bằng cấp đã dõng dạc khẳng định hai người đàn ông là thủ phạm gây nên những vết cắn trên cơ thể nạn nhân. Hàng chục năm sau, khi thủ phạm thực sự bị bắt, công chúng mới té ngửa. Hóa ra chẳng có vết cắn nào cả, mà thi thể thực chất đã bị tôm cua trong đầm rỉa qua đêm.

“Nhân chứng” cũng là một yếu tố dễ bị thao túng bởi sự thiếu chính xác của trí nhớ con người và sức ép đến từ nghiệp vụ tra vấn của cảnh sát. Nhiều trường hợp nạn nhân khẳng định chắc chắn gương mặt họ thấy trong hồ sơ là kẻ đã tấn công, mà mãi đến hàng chục năm sau công nghệ ADN mới chứng minh điều ngược lại. Tương tự, cảnh sát có thể sử dụng một số mẹo tâm lý hoặc nói dối để lấy lời khai có lợi cho quá trình điều tra.

Không được xuất sắc về cách kể chuyện như hai phần đầu, nhưng “quá trình truy tố” cũng đem lại cái nhìn sâu hơn về những bước cuối cùng đẩy nghi phạm vào sau song sắt.

Công tố viên, cảnh sát, thanh tra, luật sư, ai cũng có thể mắc sai phạm và gây ra những bản án oan nghiệt kéo dài nhiều thập kỷ. Có những vụ án cảnh sát vội vàng kết luận để có thể đóng hồ sơ, trong lúc ngay cả người trong cuộc chẳng tin đó là hung thủ.

 Dự án Vô tội vẫn đang tiếp tục những nỗ lực không mệt mỏi để giải oan cho các tù nhân, cũng như thay đổi hệ thống tư pháp còn nhiều sơ hở của Mỹ.

Dự án Vô tội vẫn đang tiếp tục những nỗ lực không mệt mỏi để giải oan cho các tù nhân, cũng như thay đổi hệ thống tư pháp còn nhiều sơ hở của Mỹ.

Tất cả đều có thể được ngăn chặn nếu như tồn tại quy định nghiêm ngặt trong ngành pháp y, hạn chế sự lạm dụng nhân chứng, cũng như quy kết trách nhiệm cho cá nhân và tổ chức hành động cẩu thả. Đó cũng là mục tiêu mà Dự án Vô tội đang làm việc ngày đêm nhằm vận động thay đổi luật pháp nước Mỹ, bên cạnh nỗ lực giải oan cho tù nhân.

The Innocence Files là một series tài liệu xuất sắc về đề tài tội phạm của Netflix, không chỉ bởi cấu trúc hoàn thiện đưa ra giải pháp cho vấn đề, mà còn nhờ tính đa chiều khi vừa lắng nghe tiếng nói của nạn nhân, vừa để “kẻ ác” lên tiếng. Trên hết, loạt phim cũng gióng lên hồi chuông báo động dành cho hệ thống luật pháp luôn được cho là “vĩ đại”.

Như Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-innocence-files-nhung-vu-an-oan-sai-noi-tieng-tai-my-post1077137.html