Thế khó của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ
Giá cả leo thang tạo áp lực lớn cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nhưng nếu FED thắt chặt các chính sách để kìm hãm lạm phát, quá trình phục hồi kinh tế có thể chững lại.
Theo CNN, giá tiêu dùng tại Mỹ tăng vọt trong tháng 11, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ năm 1982. Trong khi đó, giá hàng sản xuất tăng gần 10%, cho thấy áp lực lạm phát sẽ không sớm dịu đi.
FED có thể thắt chặt các chính sách để kìm hãm lạm phát. Tuy nhiên, điều này sẽ cản trở quá trình phục hồi của nền kinh tế và ảnh hưởng tới những thị trường tài chính.
"FED biết phải làm điều gì. Nhưng họ có thể không biết cách làm điều đó mà không khiến nền kinh tế suy yếu", bà Lisa Shalett - Giám đốc đầu tư của Morgan Stanley Wealth Management - nói với CNN.
Áp lực lớn
Chủ tịch FED Jerome Powell cần kiểm soát lạm phát. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ để làm điều đó, cơ quan này phải cắt giảm các biện pháp kích thích kinh tế và khiến đà phục hồi bị chững lại.
"Áp lực đối với Fed hiện rất lớn và vẫn đang gia tăng", ông David Kotok - Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư tại Cumberland Advisors - nhận định.
Giới quan sát cho rằng FED có thể đã sai về lạm phát. Trước đó, rất ít nhà kinh tế lường trước được rằng tình trạng lạm phát trong năm 2021 sẽ nghiêm trọng đến mức này.
Trước đó, FED cho rằng xu hướng gia tăng lạm phát hiện tại chỉ là "nhất thời". "FED có lẽ cần rút lại lời nói của mình", ông Mohamed El-Erian - cố vấn kinh tế trưởng tại Allianz - nhận định. "Lạm phát không còn là nhất thời nữa", ông nhấn mạnh.
Theo những dữ liệu được công bố hôm 14/12, giá sản xuất đã tăng vọt 9,6% so với một năm trước đó. Đây là mức cao nhất kể từ khi bắt đầu theo dõi vào năm 2010.
Bà Shalett thừa nhận rằng trong suốt 30 năm làm việc ở Phố Wall, đây là thời điểm bà lo ngại về lạm phát nhất.
Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận rằng lạm phát cao đang bóp nghẹt các hộ gia đình nước này. Tuy nhiên, ông nhận định lạm phát có thể đã chạm đỉnh.
Nhiều nhà kinh tế dự báo lạm phát sẽ hạ nhiệt vào năm 2022. Nhưng theo CNN, rất khó để dự đoán bất cứ điều gì trong thời kỳ dịch Covid-19.
"Ngay cả khi tình trạng lạm phát tồi tệ nhất sớm qua đi, điều đó không có nghĩa là giá cả sẽ quay trở lại mức 'lành mạnh'", CNN bình luận.
Thế khó của FED
Tình trạng lạm phát được khắc phục tốt sau cuộc Đại suy thoái. Trong nhiều năm, FED đã lo ngại rằng lạm phát quá thấp. Đó là nỗi ác mộng đối với các ngân hàng trung ương. Bởi rất khó để thoát khỏi vòng xoáy giảm phát.
Nhưng dịch Covid-19 đã thay đổi điều đó. Tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, thiếu hụt người lao động và nhu cầu tăng cao đẩy giá tăng vọt.
Trong vòng 6 tháng qua, giá tiêu dùng mỗi tháng đều tăng từ 5% trở lên. Mục tiêu lạm phát của FED chỉ khoảng 2%.
"Tình trạng này càng kéo dài, mức độ ảnh hưởng càng lớn", ông Ethan Harris - Trưởng bộ phận Kinh tế toàn cầu tại Bank of America - nói với CNN.
Hành vi của người tiêu dùng cũng thay đổi bởi rủi ro giá cả leo thang. Người lao động có thể đòi hỏi mức lương ngày càng cao, từ đó tạo vòng xoáy đẩy giá lên cao.
Khác với giảm phát, FED có thể giải quyết vấn đề lạm phát bằng cách tăng chi phí của tiền. Cụ thể, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ rút lại chương trình mua trái phiếu của FED, còn được gọi là nới lỏng định lượng.
Chính sách hiện tại của Fed - lãi suất bằng 0 và nới lỏng định lượng - là "điên rồ" khi áp lực lạm phát đang tăng cao và nền kinh tế vẫn khỏe mạnh
Bà Lisa Shalett, Giám đốc đầu tư của Morgan Stanley Wealth Management
Dù nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ và lạm phát tăng cao, đến gần đây, FED vẫn mua 120 tỷ USD trái phiếu kho bạc và khoản vay thế chấp mỗi tháng.
Nhưng chương trình đó gây áp lực lớn đối với lạm phát. Mới đây, FED cho biết sẽ chấm dứt các chính sách kích thích trong thời kỳ đại dịch vào 3 tháng tới. Ngân hàng trung ương Mỹ cũng ra tín hiệu có thể nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022.
"Chính sách hiện tại của FED - lãi suất bằng 0 và nới lỏng định lượng - là 'điên rồ' khi áp lực lạm phát đang tăng cao và nền kinh tế vẫn khỏe mạnh", bà Shalett nhận định.
Ông Paul Volcker - cựu chủ tịch FED - đã khắc phục tình trạng lạm phát tăng cao trong những năm 1970 và đầu thập niên 80 thông qua nâng lãi suất. Nhưng việc tăng lãi suất tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Dưới thời ông Volcker, lãi suất tăng vọt lên mức 20%, phá hủy nền kinh tế bằng cách tăng chi phí của mọi thứ từ những khoản vay thế chấp, cho vay kinh doanh nhỏ và cho vay mua ôtô.
"Mọi người đều nhắc tới ông Paul Volcker như một anh hùng. Nhưng nền kinh tế Mỹ đã ở trong giai đoạn suy thoái kép từ năm 1981 đến năm 1984", bà Shalett bình luận.
"Tôi lo ngại về việc một sai lầm chính sách quá lớn có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào tình trạng suy thoái hoặc tăng trưởng chậm lại", ông Kotok - Chủ tịch Cumberland Advisors - cảnh báo.
"Lịch sử chỉ ra đó không phải điều không thể", ông nói thêm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-kho-cua-cuc-du-tru-lien-bang-my-post1283744.html