Thế khó của du lịch sinh thái ở Trị An

Nhu cầu cắm trại khi hồ Trị An (Đồng Nai) của du khách ngày càng tăng nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể cho hoạt động du lịch này khiến cả khách và chủ đơn vị kinh doanh đều gặp khó.

Hàng chục điểm kinh doanh du lịch sinh thái tự phát ven hồ Trị An (Đồng Nai) đã bị yêu cầu tự tháo dỡ và cưỡng chế tháo dỡ do vi phạm về sử dụng đất lòng hồ Trị An, đất rừng giao khoán.

Tuy nhiên, nhu cầu của người dân về hoạt động này lại tăng cao khiến cả đơn vị kinh doanh và du khách đều gặp khó khi đến đây.

Xây dựng trên đất khoán

Hồ Trị An rộng 323 km2, thuộc địa phận huyện Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Trảng Bom và Định Quán. Vào mùa khô, nước rút, để lại những đất trống và sạch ráo, thu hút nhiều người dân đến vui chơi.

Chia sẻ với Zing, ông Trần Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Mã Đà, cho biết hậu đại dịch, các điểm cắm trại tự phát nở rộ do nhu cầu của người dân tăng cao.

Cụ thể, vào ngày cuối tuần, khách từ các tỉnh lân cận như TP.HCM, Bình Dương, Biên Hòa (Đồng Nai)... đổ về khu vực hồ Trị An chơi và dựng lều cắm trại. Khi thấy "cầu tăng", người dân địa phương bắt đầu mua lều bạt cho thuê rồi xây dựng các khu cắm trại quanh hồ.

Để thu hút thêm khách, nhiều đơn vị còn đầu tư xây dựng thành khu glamping (cắm trại cao cấp), điểm ăn uống và các hoạt động vui chơi lòng hồ như chèo SUP, kayak, cano...

 Một số đơn vị dựng trại sát mép hồ.

Một số đơn vị dựng trại sát mép hồ.

Vị chủ tịch chia sẻ thêm trên địa bàn xã hiện có hơn 30 cơ sở làm du lịch tự phát, trong đó 20 cơ sở đã có giấy phép đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên trong giấy phép kinh doanh nêu rõ, cơ sở phải đáp ứng đúng quy định, và đủ điều kiện mới được hoạt động.

"Đất kinh doanh phải là đất phi nông nghiệp. Trong khi đó, khu vực này hầu hết vẫn là đất khoán nhận từ khu bảo tồn để làm nông nghiệp", ông Sơn cho biết.

Phần lớn người dân xã Mã Đà đều ký hợp đồng với Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai và nhận đất khoán để trồng xoài. Chính vì vậy, các khu cắm trại chủ yếu dựng ở vùng bán ngập lòng hồ Trị An hoặc trên khu đất người dân nhận khoán từ Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.

Du khách hoang mang, người đầu tư gặp khó

Chủ một khu cắm trại trên địa bàn xã Mã Đà cho biết cơ sở đã có đầy đủ giấy phép kinh doanh và duy trì hoạt động hơn 2 năm. Tuy nhiên, tất cả công trình phục vụ cho du khách chỉ mới được là công trình tạm.

Vị này cho biết cơ sở của mình chỉ xây dựng trong phần đất cho phép và cam kết đảm bảo an toàn, song vẫn mong chính quyền địa phương có hướng dẫn cụ thể và tạo điều kiện cấp phép để đi vào hoạt động có sự quản lý của ngành du lịch.

Đồng quan điểm, Kim Phương, chủ MiMi Camping, cho biết yêu cầu của chính quyền là đúng. Tuy nhiên, chủ khu cắm trại cảm thấy khá buồn vì việc tháo dỡ gây ảnh hưởng đến cảnh quan của khu cắm trại, mang lại trải nghiệm không tốt cho du khách và phần nào ảnh hưởng đến việc kinh doanh của đơn vị.

Hiện, cơ sở đã phải di dời 20 lều cắm trại cao cấp vào khu đất bên trong và gỡ bỏ nhiều công trình trang trí quanh khu cắm trại. Chị Phương mong chính quyền sớm có quy chế rõ ràng cho mô hình kinh doanh này để cả người kinh doanh và du khách đều vui vẻ.

 Không chỉ người kinh doanh mà cả du khách cũng gặp khó khi muốn cắm trại ở đây.

Không chỉ người kinh doanh mà cả du khách cũng gặp khó khi muốn cắm trại ở đây.

Về phần du khách, không ít người cảm thấy hoang mang trước thông tin cấm cắm trại ở hồ Trị An.

Minh Kiệt (quận 12, TP.HCM) cho biết anh và nhóm bạn thường xuống đây dựng lều và vui chơi vào dịp cuối tuần. Trước đây, cả nhóm thường tự chuẩn bị dụng cụ và cắm trại ở một khu đất trống gần hồ.

"Đây không phải lần đầu có thông tin cấm cắm trại ở Trị An. Lần đầu tiên thấy thông báo, nhóm tôi đã chuyển từ cắm trại tự túc sang thuê bãi. Đến giờ lại tiếp tục xuất hiện thông tin tương tự nên cuối tuần trước, nhóm đã phải gọi điện hỏi lại khu cắm trại trước khi xuống", Kiệt chia sẻ.

Theo nam du khách, khu vực này khá mát mẻ, thích hợp để "đi trốn". Tuy nhiên, nếu tiếp tục có những thông tin không rõ ràng như trên, Kiệt cho rằng khu vực này sẽ mất một lượng khách đáng kể.

Cần cơ chế rõ ràng

Mới đây, tại buổi làm việc của UBND tỉnh Đồng Nai với các sở ngành và chính quyền địa phương về việc thực hiện đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và việc xử lý tình trạng du lịch sinh thái tự phát ven hồ Trị An, ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhận xét việc phát triển du lịch sinh thái tự phát ven hồ Trị An cho thấy nhu cầu rất lớn về du lịch của người dân và kinh doanh phát triển du lịch của doanh nghiệp.

Điều này cũng phù hợp mục tiêu phát triển về du lịch của tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, hiện hình thức phát triển du lịch sinh thái ven hồ Trị An đang tự phát, chưa đúng quy định và cần phải chấn chỉnh.

 Các điểm cắm trại hút khách vào ngày cuối tuần.

Các điểm cắm trại hút khách vào ngày cuối tuần.

Theo ông, địa phương và các ngành phải có hướng dẫn để các cơ sở, hộ dân đầu tư du lịch làm đúng với quy định, đưa vào quản lý để có nguồn thu tiền sử dụng đất hàng năm, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch góp phần phát triển kinh tế địa phương mà vẫn đảm bảo vấn đề môi trường, an ninh trật tự.

Ông Trần Đăng Ninh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai, đề xuất tại cuộc họp các cơ sở kinh doanh nên tổ chức thành một hợp tác xã hay du lịch cộng đồng. Nhân viên các đơn vị phải được tập huấn công tác cứu hộ, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nhận định nhu cầu du lịch của người dân là có thật, tỉnh cũng đặt mục tiêu phát triển mạnh về du lịch. Trong đó, huyện Vĩnh Cửu lại có thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái nên cần phát huy.

Theo ông Phi, điều quan trọng bây giờ là chính quyền phải tạo cơ chế và hướng dẫn cho người dân, nhà đầu tư thực hiện cho đúng.

Vân Khanh

Ảnh: Quỳnh Danh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-kho-cua-du-lich-sinh-thai-o-tri-an-post1424953.html