Thế khó của Microsoft tại Trung Quốc

Giữa căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung, Microsoft gặp khó trong việc duy trì cơ sở nghiên cứu công nghệ tiên tiến tại Bắc Kinh.

Sau khi khánh thành phòng lab nghiên cứu công nghệ tiên tiến tại Bắc Kinh (Trung Quốc) mang tên Microsoft Research Asia vào năm 1998, Microsoft thuê hàng trăm nhà nghiên cứu để phát triển công nghệ nhận diện giọng nói, hình ảnh và khuôn mặt.

Đó là nền tảng cho những mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) phía sau nhiều chatbot nổi tiếng hiện nay như ChatGPT hay Copilot.

Phòng lab tại Bắc Kinh dần trở thành một trong những cơ sở nghiên cứu AI quan trọng nhất thế giới. Bill Gates, đồng sáng lập Microsoft, nhận định đó là cơ hội khai thác "nguồn tài năng trí tuệ sâu rộng" của Trung Quốc.

Tuy nhiên, căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng theo thời gian. Điều đó khiến các lãnh đạo như CEO Satya Nadella, Chủ tịch Brad Smith đặt câu hỏi phải làm gì với cơ sở này trong 4 năm qua.

Dấu hỏi về phòng lab tại Trung Quốc

Theo nguồn tin thân cận với New York Times, Microsoft bị nhiều quan chức Mỹ đặt câu hỏi về khả năng duy trì phòng nghiên cứu gồm 200 người tại Bắc Kinh. Công ty cho biết đã thắt chặt quy định tại cơ sở, hạn chế nhóm nghiên cứu tham gia các công việc nhạy cảm về chính trị.

Microsoft dự kiến chuyển một số nhà nghiên cứu từ Trung Quốc sang cơ sở mới tại Vancouver (Canada). Theo 4 nhân viên và cựu nhân viên Microsoft, công ty từng cân nhắc đóng cửa hoặc dời cơ sở, nhưng các lãnh đạo vẫn chọn duy trì phòng lab.

 Văn phòng của Microsoft tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters.

Văn phòng của Microsoft tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi cam kết duy trì phòng lab và những nhà nghiên cứu đẳng cấp thế giới. Không có cuộc thảo luận hoặc vận động về việc đóng cửa Microsoft Research Asia, và chúng tôi muốn tiếp tục chương trình nghiên cứu của mình", Peter Lee, lãnh đạo Microsoft Research - mạng lưới gồm 8 cơ sở nghiên cứu của công ty trên toàn thế giới - khẳng định.

Cơ sở nghiên cứu của Microsoft được quan tâm bởi đây là một trong số ít hãng công nghệ lớn của Mỹ (cùng Tesla và Apple) vẫn giữ vị thế quan trọng tại đất nước tỷ dân.

Khi căng thẳng địa chính trị giữa 2 nước ngày càng tăng, các công ty như Google đã giảm hoạt động, trong khi mạng xã hội Facebook hay X bị chặn tại Trung Quốc trong nhiều năm.

Mạng xã hội việc làm LinkedIn của Microsoft ngừng hoạt động tại Trung Quốc từ năm 2021. Tuy nhiên, công ty vẫn duy trì ứng dụng tìm kiếm Bing (dù bị kiểm duyệt gắt gao), hệ điều hành Windows, điện toán đám mây và các dịch vụ cho doanh nghiệp ở đất nước tỷ dân.

Cơ sở quan trọng của Microsoft

Theo nguồn tin giấu tên, Microsoft đã thảo luận về tương lai của phòng nghiên cứu ở Bắc Kinh trong nhiều năm.

Cơ sở này tạo ra lo ngại về an ninh quốc gia, đặt giả thuyết rằng Trung Quốc có thể xâm nhập đánh cắp dữ liệu, hoặc nhà nghiên cứu nghỉ việc để gia nhập các doanh nghiệp thân chính phủ.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho đã liên lạc đến Microsoft để hỏi về cơ sở, trong thời điểm phác thảo lệnh cấm xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc cách đây hơn 2 năm.

 Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm trụ sở Microsoft tại Mỹ năm 2015. Ảnh: Microsoft.

Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm trụ sở Microsoft tại Mỹ năm 2015. Ảnh: Microsoft.

Trong phiên điều trần cuối tháng 9/2023, các thượng nghị sĩ đã hỏi Chủ tịch Smith về mối quan hệ của Microsoft với Trung Quốc. Ông cho biết quốc gia này chiếm 1,5% doanh thu của công ty, tương đương 212 tỷ USD trong năm tài chính gần nhất.

Phòng lab của Microsoft tại Bắc Kinh ra đời sau khi Gates bổ nhiệm Kai-Fu Lee, chuyên gia AI sinh ra ở Đài Loan để phụ trách vận hành. Ông này sau đó rời công ty để gia nhập Google, hiện điều hành một tổ chức đầu tư mạo hiểm.

Các nhà nghiên cứu tại Microsoft Research Asia xây dựng nhiều công nghệ như nhận diện giọng nói, thị giác máy tính và ngôn ngữ tự nhiên. Chúng đều là nền tảng của các mô hình AI.

Một số nhà nghiên cứu đã nghỉ việc tại cơ sở, chuyển sang những tập đoàn lớn như Alibaba, Baidu hay Tencent. Số khác tham gia thành lập các startup như Megvil, chuyên phát triển giải pháp nhận diện khuôn mặt.

"Cái nôi" của nhiều công nghệ

Năm 2018, Microsoft cho biết đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Trung Quốc trong 10 năm gần nhất. Lý do bởi nhân sự ở đây có tài năng lớn.

Tuy nhiên, sự thành công và uy tín của Microsoft Research Asia cũng gây chú ý cho Washington, khi Nhà Trắng muốn hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ Mỹ của các doanh nghiệp Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia.

 Đồng sáng lập Microsoft Bill Gates và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp vào tháng 6/2023. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Đồng sáng lập Microsoft Bill Gates và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp vào tháng 6/2023. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Để xoa dịu nỗi lo, Microsoft được cho đã hạn chế phạm vi dự án tại đây. Năm ngoái, các nhà nghiên cứu Trung Quốc không được tham gia dùng thử GPT-4, mô hình ngôn ngữ phát triển bởi OpenAI, công ty được Microsoft đầu tư mạnh.

Theo Microsoft, phòng lab cũng hạn chế công việc liên quan đến điện toán lượng tử, nhận diện khuôn mặt và nội dung đa phương tiện tổng hợp (synthetic media), điều trái ngược với cơ sở mới tại Vancouver. Công ty cũng không tuyển dụng sinh viên, nghiên cứu sinh tại các trường học liên kết với quân đội Trung Quốc.

Không dễ cho các lãnh đạo Microsoft tìm giải pháp hài hòa đôi bên. Dù vậy, theo nguồn tin nội bộ, Bill Gates luôn ủng hộ phòng lab tại Bắc Kinh.

Những nhân vật quan trọng của mạng lưới cơ sở nghiên cứu Microsoft, gồm Peter Lee và Giám đốc Công nghệ Kevin Scott, đều ủng hộ cơ sở tiếp tục hoạt động bởi đây là "cái nôi" của nhiều công nghệ quan trọng.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/the-kho-cua-microsoft-tai-trung-quoc-post1454796.html