Thế khó của người Kurd trước cục diện mới ở Syria
Người Kurd ở Syria là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ luôn họ là lực lượng đối địch.
Cuộc nội chiến kéo dài 13 năm giữa chính phủ Syria và phe nổi dậy đã kết thúc. Nhưng giờ dây, cộng đồng người Kurd thiểu số ở Syria lại rơi vào thế khó trước cục diện mới Syria.
Một số phe phái vũ trang vẫn đang tranh giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ ở Syria sau khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ. Những nhóm này bao gồm Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do dân quân người Kurd lãnh đạo - liên minh với Mỹ để chống IS, và Quân đội Quốc gia Syria (SNA) - được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và đối địch với lực lượng người Kurd.
Trong hơn một thập kỷ, các chiến binh do người Kurd lãnh đạo là đối tác đáng tin cậy nhất của Mỹ ở Syria, giải phóng các thành phố bị IS chiếm giữ và giam giữ khoảng 9.000 thành viên của tổ chức khủng bố này.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có chung biên giới với Syria, coi dân quân người Kurd là lực lượng đối địch và là một phần của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Ankara coi là nhóm khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ coi dân quân người Kurd ở Syria là đồng minh với PPK muốn ly khai và chống đối nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người ủng hộ các nhóm nổi dậy lật đổ chính quyền Assad, dường như đang muốn nắm bắt cơ hội do sự thay đổi chính trị quan trọng ở Syria tạo ra để theo đuổi kế hoạch nhằm vào dân quân người Kurd.
Ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ và mối đe dọa với người Kurd
Một chính phủ mới ở Syria, do nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo, đang dần dần đươc định hình. Các quan chức Mỹ và các nhà phân tích về Trung Đông đều có chung quan điểm rằng: Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có ảnh hưởng lớn.
“Điều đó có nghĩa là vị thế của các nhóm người Kurd ở Đông Bắc Syria có vẻ ngày càng ‘mong manh’. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đối với những gì đang và sẽ xảy ra ở Syria trong tương lai gần”, ông Wa'el Alzayat, một chuyên gia về Syria đồng thời là cựu nhà ngoại giao Mỹ, cho biết.
Ông Nicholas Heras, một nhà phân tích cấp cao tại Viện New Lines nhận định: “Khi HTS và các nhóm liên minh chiếm thủ đô Damascus và tuyên bố lật Tổng thống Bashar al-Assad, họ đã mang theo một làn sóng quyền lực và ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với tương lai của Syria”.
Rủi ro với người Kurd ở Syria càng trở nên rõ ràng hơn khi các nhóm vũ trang được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã tấn công lực lượng SDF trong tuần trước, với sự yểm trợ từ các cuộc không kích và hỏa lực pháo binh của Ankara.
Chỉ huy SDF, Mazloum Abdi, cho hay họ phải điều chuyển các chiến binh đang bảo vệ các nhà tù giam giữ thành viên IS để chống lại các chiến binh được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Trước cục diện hiện nay với áp lực từ Thổ Nhĩ Kỳ và HTS, nhà phân tích Heras dự đoán những người Arab đã gia nhập SDF để chống IS có thể sẽ rời rút khỏi nhóm này hoặc gia nhập các nhóm khác. Điều đó sẽ làm suy yếu thêm lực lượng người Kurd.
Kịch bản tốt nhất cho người Kurd là nhận được đủ hỗ trợ từ Mỹ để bảo vệ lãnh thổ ở Đông Bắc Syria, từ đó nắm giữ được con bài mặc cả với chính phủ mới ở Damascus nhằm theo đuổi một nhà nước tự chủ - điều mà họ mong muốn từ lâu.
Trong trường hợp xấu nhất, người Kurd có thể phải đối mặt với một cuộc xung đột gay gắt với các chiến binh được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, buộc phải nhượng lại quyền kiểm soát ít nhất một số vùng lãnh thổ giàu dầu mỏ và nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump quyết định rút binh sĩ Mỹ khỏi Syria, họ sẽ mất đi sự hỗ trợ quan trọng trên thực địa.
Vai trò then chốt của Mỹ
“Thực sự cần phải có một thỏa thuận ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình giữa người Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd mà cả 2 bên đều có thể chấp nhận”, Natasha Hall, một chuyên gia về Syria tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nhận định.
Chính quyền Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden đang chạy đua để đàm phán về vấn đề này trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1/2025.
Trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước, Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh “việc đảm bảo IS đã bị kiểm soát” vẫn là ưu tiên cấp bách ở Syria và các chiến binh người Kurd đang “đóng vai trò quan trọng trong việc theo đuổi sứ mệnh đó”.
Nhưng Mỹ cũng đối mặt với thách thức khi Ankara tuyên bố rằng “bất kỳ thành phần mở rộng nào của PKK ở Syria đều không thể được coi là đối tác hợp pháp”.
Dù vậy, có những dấu hiệu cho thấy những nỗ lực ngoại giao của Mỹ có hiệu quả. Tuần trước, Tướng Michael E. Kurilla của Mỹ đã đến thăm Đông Bắc Syria, nơi có 900 quân nhân Mỹ đồn trú. Vài giờ sau, một lệnh ngừng bắn giữa lực lượng người Kurd và SNA được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã được công bố tại thành phố Manbij ở phía Bắc, nơi hai bên thường xuyên xảy ra xung đột.
Trong bài đăng trên X, chỉ huy SDF, ông Abdi cho biết lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian. Theo thỏa thuận, lực lượng người Kurd sẽ rút khỏi Manbij, một thành phố có đa số là người Arab mà họ đã chiếm được từ tay IS vào năm 2016 nhưng kể từ đó đã trở thành điểm nóng giao tranh giữa các phe phái Syria để giành quyền kiểm soát.
Tuy nhiên ông Abdi và nhiều người Kurd ở Syria ngày càng lo ngại rằng việc họ phải rút lui khỏi Manbij chỉ là sự khởi đầu.
Kobani sẽ trở thành là điểm nóng tiếp theo ở Syria?
Hôm 10/12, một thành viên cấp cao của HTS cho biết các nhóm sắc tộc địa phương liên minh với HTS đã giành quyền kiểm soát Deir al-Zour ở phía Đông từ tay các chiến binh người Kurd chỉ vài ngày sau khi nhóm này tiếp quản thành phố khi chính quyền Assad sụp đổ.
Trong những ngày qua, các chiến binh được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cũng đã nhiều lần giao tranh với lực lượng người Kurd ở khu vực xung quanh Sông Euphrates.
Ông Heras, nhà phân tích của New Lines, cho rằng những cuộc giao tranh đó có thể là sự chuẩn bị cho cho một chiến dịch quân sự ở Kobani, một thành phố có đa số là người Kurd.
“Thổ Nhĩ Kỳ đang lợi dụng cuộc khủng hoảng ở Syria để gây bất ổn cho khu vực và chiếm giữ đất đai của chúng tôi, trong khi tuyên bố rằng họ đang chiến đấu với những kẻ khủng bố. Nhưng chúng tôi không phải là khủng bố, chúng tôi là đồng minh của Mỹ”, Sinam Sherkany Mohamad, người đứng đầu nhánh chính trị của các chiến binh người Kurd cho biết.
James F. Jeffrey, cựu đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, từng là đặc phái viên về Syria trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, cho biết bất kỳ chiến dịch tấn công nào vào Kobani cũng sẽ vi phạm thỏa thuận năm 2019 mà Mỹ đã đàm phán để xoa dịu căng thẳng, và dù là do người Thổ Nhĩ Kỳ hay lực lượng người Syria liên kết với Ankara thực hiện cũng không sẽ khác gì nhau.
Các quan chức và chuyên gia cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể đợi cho đến khi ràng buộc lợi ích của họ với chính phủ mới ở Syria mới quyết định có tiến hành một cuộc tấn công quân sự toàn diện vào lực lượng người Kurd hay không. Ankara Nhĩ Kỳ cũng có thể theo dõi xem liệu ông Trump có rút binh sĩ Mỹ khỏi Syria hay không.
Trong một tuyên bố trên mạng xã hội, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cảnh báo, ông sẽ thúc đẩy các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara tấn công lực lượng người Kurd, điều mà ông cho là sẽ “khởi đầu cho một cuộc vượt ngục của IS”.
“Nếu Thổ Nhĩ Kỳ có hành động quân sự chống lại lực lượng người Kurd ở Syria, điều đó sẽ gây nguy hiểm đáng kể cho lợi ích của Mỹ”, ông nói thêm.