Thế khó của OPEC

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga mới đây đã không thể nhất trí về việc cắt giảm sản lượng nhằm kiềm chế đà sụt giảm của giá dầu trên thị trường thế giới vì dịch Covid-19. Nhưng đây mới chỉ là sự khởi đầu của những khó khăn mà OPEC sẽ gặp phải trước thực tế ảnh hưởng của tổ chức quyền lực này đối với thị trường năng lượng thế giới ngày càng hạn chế…

Hội nghị ở Vienna (Áo) mới đây có thể nói là một thất bại của OPEC trong nỗ lực kiểm soát giá dầu thế giới. Hầu hết bộ trưởng các nước OPEC, kể cả Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, quốc gia dẫn đầu trong khối, đều rời hội nghị với gương mặt căng thẳng và không đưa ra bình luận nào.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak chia sẻ sau cuộc họp nhiều giờ với những người đồng cấp ở OPEC rằng: Về việc cắt giảm sản lượng, cuộc gặp đã quyết định, từ ngày 1-4 sẽ không có quốc gia nào, kể cả OPEC hay các nước ngoài OPEC, bị ràng buộc với việc duy trì sản lượng thấp.

 Cuộc họp của OPEC và các nước ngoài OPEC tổ chức tại Vienna (Áo). Ảnh: AFP

Cuộc họp của OPEC và các nước ngoài OPEC tổ chức tại Vienna (Áo). Ảnh: AFP

Tại cuộc họp ở Vienna, 14 nước thành viên OPEC muốn cắt giảm sản lượng khoảng 1,5 triệu thùng/ngày, tương đương 1,5% sản lượng trên toàn thế giới. Hai nước hàng đầu OPEC là Saudi Arabia và Iran cần các nước ngoài tổ chức này cắt giảm khoảng 500.000 thùng trong số đó. Nhưng mong muốn này của OPEC không nhận được sự hưởng ứng của một trong những quốc gia xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới bên ngoài OPEC là Nga. Nga tỏ ra chần chừ, vì theo Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo, Moscow có thể dễ chấp nhận và chống đỡ việc giá dầu sụt giảm tốt hơn Saudi Arabia. Theo giới phân tích thị trường, Nga có thể chấp nhận mức giá 40USD/thùng và có vẻ sẵn sàng chống đỡ với mức giá thấp hơn trong ngắn hạn.

Trong vài năm gần đây, Nga và các nước khác ngoài OPEC đã hợp tác khá hiệu quả với tổ chức này trong việc cắt giảm sản lượng nhằm kiểm soát giá dầu trên thị trường “vàng đen” thế giới. Nhưng việc Mỹ gần đây nổi lên là nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới và vẫn duy trì 100% sản lượng khai thác, đã buộc Moscow phải cân nhắc lại điều này. Các tập đoàn lớn trong ngành năng lượng Nga lo ngại nếu cắt giảm sản lượng hơn nữa sẽ khiến doanh thu sụt giảm và khiến thị phần rơi vào tay các đối thủ khác, nhất là từ Mỹ.

Việc thuyết phục Nga cắt giảm sản lượng càng khó hơn đối với OPEC vì nhiều quan chức Nga gần đây tỏ ra không mấy quan tâm tới việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ vì mức giá hiện nay phù hợp với kế hoạch ngân sách của nước này. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Nga chỉ cần duy trì mức giá tối thiểu là 42,4USD/thùng. Trong khi đó, Saudi Arabia-quốc gia phụ thuộc phần lớn vào ngân sách từ tiền bán dầu, lại cần giá dầu duy trì tối thiểu ở mức 83,6USD/thùng để cân bằng với ngân sách.

Theo giới phân tích, thời gian tới OPEC sẽ phải tiếp tục vật lộn để chặn đà giá dầu sụt giảm hơn nữa, nhất là khi dịch Covid-19 lan rộng làm ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Dịch bệnh khiến nhu cầu đi lại hạn chế nên kéo theo nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu cũng suy giảm.

Trước viễn cảnh ảm đạm này, những nhà phân tích bi quan đã nghĩ tới nguy cơ kịch bản cũ dư thừa nghiêm trọng sẽ tái diễn như năm 2014. Khi đó, OPEC buộc phải dừng việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ để đối phó với nguy cơ mất thị phần vào tay ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ. Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo cho biết OPEC quyết tâm tránh để lặp lại kịch bản này.

Tuy nhiên, e rằng OPEC sẽ phải nỗ lực rất nhiều bởi có thể ngay cả trong trường hợp OPEC và các quốc gia ngoài tổ chức này nhất trí được việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ trong vài ngày tới, thì cũng khó có thể vực dậy giá dầu, do tác động tồi tệ của dịch Covid-19. Trong khi đó, Mỹ và Nga vẫn tiếp tục thúc đẩy sản xuất trong thời gian qua, khiến thị trường luôn trong tình trạng dư thừa dầu mỏ và giá dầu liên tục ở mức thấp.

Ông Mohammed Barkindo cho biết, các cuộc đàm phán giữa OPEC và các nước bên ngoài vẫn sẽ được tiến hành bởi tình hình đang cấp bách hiện nay. Nhưng cho dù kết quả thế nào, diễn biến giá dầu thời gian gần đây cũng chứng tỏ một điều thời hoàng kim những năm 1970 của OPEC sẽ khó có thể trở lại.

XUÂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/the-kho-cua-opec-611883