Thế khó của sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện môi trường
Tỷ lệ sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường vẫn chưa đạt kỳ vọng, mặc dù những ưu điểm là không thể phủ nhận.
Chưa đạt kỳ vọng
Ngành công nghiệp vật liệu xây dựng đang đóng góp rất lớn trong nền kinh tế, chiếm khoảng khoảng 6,5 – 7% vào GDP của Việt Nam.
Trong đó, vật liệu xanh, vật liệu xây dựng thân thiện môi trường giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và mang đến một chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân.
Mặc dù Nhà nước đã có định hướng phát triển theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, hướng đến sản xuất sạch, tuy nhiên, theo ông Lê Văn Tới, Phó chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, việc sản xuất và sử dụng loại vật liệu này trên thị trường hiện nay vẫn còn rất nhiều hạn chế.
Ông Tới ví dụ, ngày 28/4/2010 Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định 567 về chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020. Ngày 16/4/2012 Thủ tướng đã ra Chỉ thị số 10 về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung. Đây là chủ trương đột phá tích cực trong việc sản xuất sạch và sử dụng vật liệu xây thân thiện của Việt Nam. Song, không dễ để thay đổi thói quen lâu đời đối với người dân, các doanh nghiệp và ngay cả các cấp chính quyền.
Bên cạnh đó, hiện Việt Nam chưa có dự án sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng rác thải sinh hoạt làm nhiên liệu.
Từ đầu năm 2020 cả nước bị ảnh hưởng lớn của Đại dịch Covid- 19, các ngành sản xuất bị đình trệ, trong đó có ngành xây dựng và lĩnh vực vật liệu xây dựng. Các cơ sở sản xuất không được khai thác hết công suất do việc tiêu thụ sản phẩn rất khó khăn, vì vậy việc đầu tư mới các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung cũng chững lại
Hoạt động sản xuất đã vậy, kết quả trong sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện cũng không mấy khả quan. Tại Hội thảo “Xu hướng công nghệ vật liệu trong công trình xây dựng” do Báo Xây dựng tổ chức, ông Tới cho rằng, ngày càng có nhiều khối nhà cao tầng sử dụng kính tiết kiệm năng lượng nhưng đây vẫn chưa phải tất cả các chủ đầu tư, tại mọi dự án nhà cao tầng đều sử dụng.
Trong khi đó, Quy chuẩn Việt Nam số 09/2013/BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, đã quy định rõ, việc hạn chế bức xạ mặt trời tại các tòa nhà.
Về tiêu thụ vật liệu xây không nung, theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng, nếu tính bình quân cả nước và các loại vật liệu xây không nung nói chung thì con số sử dụng năm 2015 là 4,98 tỷ viên trên tổng số 23 tỷ viên vật liệu xây được sử dụng, đạt 21%. Như vậy chỉ tiêu thứ nhất của Chương trình 567 là tỷ lệ sử dụng bình quân trong cả nước đã đạt (Chương trình đề ra là trên 20%);
Tỷ lệ gạch nhẹ đang ở tỷ lệ thấp, chỉ mới khoảng gần 10% trên tổng số vật liệu xây không nung, mà mục tiêu đề ra là trên 20%. Đây là chỉ tiêu quan trọng thứ hai trong Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ nhưng là tiêu chí quan trọng, nhằm khuyến khích tạo ra công trình xanh.
Theo đó, ngoài tính năng vượt trội khác như nhẹ, dễ xây, tạo tính công nghiệp hóa cao trong sản xuất và sử dụng… vật liệu xây không nung loại nhẹ có độ cách âm lớn, độ truyền nhiệt rất thấp.
Hai tiêu chí này khiến cho người sống trong tòa nhà được khỏe khoắn và thoải mái hơn. Đặc biệt độ truyền nhiệt thấp của gạch bê tông khí chưng áp giúp tòa nhà có thể tiết kiệm tới 40% năng lượng để sưởi nóng vào mùa đông và làm mát vào mùa hè. Những người đã sống trong căn hộ được xây bởi gạch bê tông khí chưng áp thì cảm nhận rất rõ điều này.
Năm 2016 đến 2018 lượng vật liệu xây không nung được đưa vào sử dụng cũng đã được tăng thêm so với năm 2015. Tuy nhiên vẫn tồn tại một thực trạng là tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung loại nhẹ vẫn còn thấp so với chỉ tiêu đề ra. Từ năm 2019 lượng vật liệu xây không nung được đưa vào sử dụng bị giảm dần.
Đáng chú ý, từ năm 2020 do ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19, việc tiêu thụ vật liệu xây dựng nói chung và vật liệu xây nói riêng giảm đáng kể. Nhưng điều đáng nói là tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây đã bị giảm một cách nhanh chóng.
Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng, năm 2021 cả nước tiêu thụ tổng cộng 21,75 tỷ viên quy tiêu chuẩn, trong đó vật liệu xây không nung 3,35 tỷ viên QTC chiếm 15,4%. 8 tháng đầu năm 2022 cả nước tiêu thụ tổng cộng 11,94 tỷ viên QTC, trong đó vật liệu xây không nung 1,94 tỷ viên chiếm 16,25%.
Như vậy đối chiếu với tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung năm 2015 và Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 đã được phê duyệt bởi Quyết định 567/QĐ- TTg ngày 28/4/2010 và Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2030 đã được phê duyệt bởi Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 thì con số sử dụng thực tế còn rất xa với mục tiêu chương trình.
Giải pháp nào cho vật liệu xây dựng thân thiện môi trường?
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện ngày một thấp, chưa đạt kỳ vọng, ông Tới cho rằng, mỗi giai đoạn có những khó khăn riêng.
Theo đó, nhìn chung, mọi người chưa quen với việc sản xuất và sử dụng đại trà vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, vật liệu xây không nung. Bên cạnh đó, chỉ đạo của các cấp các ngành chưa kiên quyết, thiếu quy định ở các văn bản pháp luật cấp cao như nghị định, luật và công tác tuyên truyền chưa liên tục, chưa đủ mạnh mẽ
Một thách thức khác đối với ngành sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện môi trường được ông Nguyễn Quang Hiệp, Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng chỉ ra là do tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, cần phải có giải pháp, công nghệ để sử dụng nguyên liệu có chất lượng thấp, tận dụng phế thải từ các ngành khác.
Nhiên liệu hóa thạch ngày càng khan hiếm, chi phí cho nhiên liệu, năng lượng ngày một tăng cao; Các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính tạo ra các thách thức không nhỏ khiến ngành sản xuất vật liệu xây dựng cần phải có thay đổi mạnh mẽ về công nghệ sản xuất. Trong khi đó, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực và năng lực để thực hiện.
Lạm phát 'khó hạ nhiệt' khi giá xăng dầu và nguyên vật liệu chưa ngừng tăng
Về giải pháp để việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện được như định hướng, ông Tới cho rằng, thứ nhất, Nhà nước cần phải có những biện pháp hành chính cần thiết để thúc đẩy sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện. Những biện pháp này cần được quy định trong văn bản pháp luật, ít nhất là trong nghị định.
Thứ hai, cần có sự thay đổi trong công tác chỉ đạo thực hiện. Chính phủ cần nhất quán, quyết liệt hơn; gắn trách nhiệm cho các địa phương, có kiểm tra, có khen thưởng các địa phương làm tốt, có phê bình đối với những địa phương thực hiện chưa tốt.
Thứ ba, về các giải pháp mang tính kỹ thuật, chuyên sâu, các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm, đến việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiên. Đặc biệt đối với công trình “xanh”, cần đưa ra các tiêu chí và thông số đặc thù cụ thể.
Bên cạnh đó, các trường đào tạo phải có chương trình giảng dạy tại các trường chuyên ngành xây dựng về thiết kế, thi công sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện. Chính phủ cần khuyến khích, hỗ trợ các trường, các trung tâm dạy nghề mở các khóa đào tạo ngắn hạn kỹ thuật cho công nhân sử dụng vật liệu xây không nung.
Mặt khác, về công nghệ thi công, các cơ quan quản lý cần bổ sung chính sách để khuyến khích sử dụng công nghệ thi công tiên tiến, nhằm tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động trong sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường.