Thế khó của Tổng thống Joe BidenTin khácCông tác dân vận tạo sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằngĐẩy mạnh tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Cùng với châu Âu, Mỹ đang gặp nhiều vấn đề cả về chính trị, kinh tế, xã hội trước áp lực chi phí năng lượng tăng cao bởi lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với ngành dầu mỏ của Nga liên quan tới cuộc xung đột Ukraine. Giàn khoan dầu ngoài khơi Huntington Beach, California (Mỹ). Ảnh: Los Angeles Times.
Các giải pháp của Mỹ đưa ra hiện nay nhằm hạn chế những tác động xấu tới nền kinh tế chưa phát huy hiệu quả, trong khi hệ lụy của lệnh trừng phạt lại đang đến trước.
Còn nhớ, khi quyết định “ra đòn” với ngành dầu mỏ của Nga, Tổng thống Joe Biden cũng tiên đoán được những tổn hại cho nền kinh tế của chính nước Mỹ, khi phát biểu: “Tôi sẽ không giả vờ nói rằng điều này sẽ không gây tổn hại gì”. Và cho đến thời điểm hiện tại, những lo ngại đó của người đứng đầu nước Mỹ đã trở thành hiện thực.
Tâm lý bức xúc của người dân Mỹ ngày càng gia tăng khi giá xăng tăng kỷ lục, trong khi chi phí cho thực phẩm và thuê nhà cũng tăng theo. Theo ông Garrett Golding, nhà kinh tế tại Fed Dallas, áp lực lạm phát đang đẩy giá nhiều mặt hàng tiêu dùng lên cao, trong khi mức lương không theo kịp.
Dù Mỹ chưa bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng việc giá xăng không ngừng leo thang sẽ khiến nền kinh tế này không bền vững về dài hạn. Và “đó là lúc mọi thứ bắt đầu đổ vỡ”, ông Garrett nhấn mạnh.
Theo New York Times, thực trạng này đang kéo theo làn sóng phản đối việc chính quyền Mỹ chi hàng tỷ USD cho một cuộc xung đột ở nước ngoài không hồi kết. Người ta cũng chứng kiến sự ủng hộ dành cho ông Biden đã sụt giảm đáng kể và không loại trừ khả năng Đảng Dân chủ sẽ mất quyền kiểm soát Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào mùa thu tới. Những người chỉ trích đã dán lên các trụ xăng hình ông Biden với câu: “Tôi đã làm điều đó”.
Trước Mỹ, ở Pháp và Anh cũng chứng kiến những tác động tiêu cực lên quyền lực của nguyên thủ đương nhiệm do giá năng lượng tăng. Đảng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mất đa số ghế trong nghị viện vào tay Đảng National Rally cực hữu.
Còn ở Anh, Thủ tướng Boris Johnson cũng vừa thua hai cuộc bầu cử phụ. Bởi vậy, giới phân tích dự báo nếu giá dầu tiếp tục tăng cao sẽ đe dọa chiếc ghế quyền lực của ông Biden. Lịch sử nước Mỹ từng chứng kiến các cử tri không ủng hộ tổng thống khi xảy ra những cú sốc địa chính trị khiến giá dầu tăng. Năm 1973, các nước Arab cấm vận xuất khẩu dầu sang Mỹ vì nước này hỗ trợ Israel trong Chiến tranh Yom Kippur.
Kết quả là cuộc khủng hoảng năng lượng, kết hợp với vụ Watergate, đã làm giảm niềm tin của công chúng vào Tổng thống Richard Nixon. Giá tăng sau cuộc cách mạng Iran năm 1979 cũng góp phần chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống của Jimmy Carter.
Nhằm cứu vãn tình hình, chính quyền Mỹ đưa ra nhiều giải pháp để hạ nhiệt giá năng lượng, bao gồm đề xuất áp giá trần với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga, đồng thời có các chính sách hỗ trợ tài xế. Ông Biden kỳ vọng kế hoạch thiết lập giá trần đối với dầu của Nga sẽ là “một mũi tên bắn trúng hai đích”, vừa duy trì được nguồn cung dầu toàn cầu, vừa hạn chế được nguồn thu của Moscow.
Nhưng nhiều nhà kinh tế và chuyên gia năng lượng nghi ngờ rằng việc áp dụng giá trần vốn chưa từng được thử nghiệm trên quy mô toàn cầu sẽ không thể triển khai nhanh chóng. Trước mắt, biện pháp hỗ trợ tạm thời các tài xế có vẻ khả thi hơn.
Ngoài ra, các quan chức hàng đầu của Mỹ cũng đã liên hệ với Venezuela để nước này gia tăng xuất khẩu dầu. Dự kiến vào tháng 7 tới, ông Biden sẽ lên đường tới Saudi Arabia và gặp Thái tử Mohammed bin Salman, sau khi liên tục kêu gọi nước này và các nhà sản xuất dầu lớn khác tăng sản lượng.
Tổng thống Mỹ cũng đã đề xuất Quốc hội đình chỉ thuế xăng và dầu diesel liên bang trong 3 tháng như một giải pháp tình thế. Tuy nhiên, ông Biden không có khả năng nhận đủ sự ủng hộ của các nhà lập pháp. Một số thành viên Đảng Dân chủ đã cùng với đảng viên Cộng hòa lên tiếng phản đối kế hoạch này.
Theo tờ Washington Post, chính phủ Tổng thống Biden đã mở cửa cho nhiều hoạt động khoan dầu khí ngoài khơi tại vùng biển liên bang trong vòng 5 năm tới, đặt ra lộ trình khai thác nhiên liệu hóa thạch trong tương lai của Mỹ. Kế hoạch này được đưa ra bất chấp việc sẽ khiến nước Mỹ xa rời cam kết làm giảm một nửa tình trạng ô nhiễm môi trường của Mỹ vào năm 2030 so với mức năm 2005.
Giá năng lượng tăng đang khiến ông Biden lâm vào tình thế khó khăn vì phải thực hiện những bước đi ngược lại với chương trình nghị sự khi nhậm chức, trong đó tập trung vào việc giảm sử dụng dầu và khí đốt, thay vì thúc đẩy nguồn cung.
Theo Wall Street Journal, ông Biden có thể nhìn sang Đức để tham khảo kinh nghiệm. Đức là nước phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga và nước này đang cân nhắc phân bổ khí đốt trong mùa đông nếu bị cắt nguồn cung quan trọng này. Điều này đã khiến Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck phải thực hiện các bước dường như không phù hợp với Đảng Xanh mà ông đồng lãnh đạo, như khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than và mua khí đốt từ Qatar.
Nước Mỹ cũng đang tìm cách phát huy lợi thế là nước xuất khẩu ròng xăng, dầu và các sản phẩm liên quan, đồng thời là một trong những nhà xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới. Nhưng con đường này cũng không đơn giản vì đòi hỏi nguồn đầu tư liên bang khổng lồ và nới lỏng các quy định liên quan.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/510828-the-kho-cua-tong-thong-joe-biden.html