Thế mạnh số 1 để Việt Nam thành trung tâm bán dẫn
TS. Nguyễn Khắc Lịch khẳng định con người chính là lợi thế lớn nhất để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành trung tâm bán dẫn, cũng là lý do Nvidia chọn mặt gửi vàng.
Ngày 14/12 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Quốc gia về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin lần thứ XXVII, REV-ECIT 2024, với chủ đề “Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo”.
Hội nghị được tổ chức bởi Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV) phối hợp với Trường Đại học Phenikaa, được bảo trợ bởi Bộ Thông tin và Truyền thông.
Điểm nhấn của Hội nghị Quốc gia REV-ECIT 2024 là Diễn đàn trao đổi về phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, các tập đoàn công nghệ lớn và các công ty công nghệ trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc, TS. Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam nhấn mạnh, hội nghị là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, các nhà khoa học trao đổi, thảo luận để tìm ra những giải pháp tối ưu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước cho sự phát triển thông tin - truyền thông nói chung và các giải pháp để thực hiện thành công chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh về chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam rằng đây là lĩnh vực mang tính chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.
Ông kêu gọi các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu tăng cường hợp tác, phát triển nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu thiết kế vi mạch và ứng dụng thực tiễn.
“Với sự đồng hành của các bên, công nghiệp bán dẫn sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu khu vực”, Thứ trưởng khẳng định.
Theo TS. Nguyễn Khắc Lịch, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Bộ TT&TT, ngành công nghiệp bán dẫn có tầm quan trọng rất lớn việc đưa Việt Nam thành trung tâm công nghệ toàn cầu.
Ông khẳng định: "Nếu không có nhà máy sản xuất chip, một quốc gia chưa thể coi là trung tâm bán dẫn", bởi lẽ việc xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn là cần thiết để đảm bảo tự chủ công nghệ, giảm phụ thuộc nước ngoài, ứng phó rủi ro địa chính trị, và duy trì chuỗi cung ứng ổn định.
Chiến lược bán dẫn Việt Nam được xây dựng với tầm nhìn dài hạn đến năm 2050, chia thành 3 giai đoạn từ nay đến 2050 với mục tiêu đạt 300 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo và 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử.
Về giải pháp, TS. Lịch nhấn mạnh sẽ có quỹ hỗ trợ đầu tư 10.000 tỷ đồng nhằm thu hút đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển công nghệ lõi, và hợp tác quốc tế. Ông cũng kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước và doanh nghiệp để thành lập các trung tâm nghiên cứu chất lượng cao.
Gần đây Nvidia và Samsung đều đã cam kết đầu tư mạnh vào Việt Nam, với tổng số vốn lần lượt là 4 tỷ USD và 4,1 tỷ USD.
Cụ thể, Nvidia đã ký thỏa thuận với một số đối tác về việc dịch chuyển chuỗi sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam, với cam kết đầu tư từ 4-4,5 tỷ USD trong vòng 4 năm tới. Việc này sẽ giúp tạo thêm khoảng 4.000 việc làm trực tiếp và khoảng 40.000-50.000 việc làm gián tiếp trong những năm tới.
"Đây là thời điểm vàng để Việt Nam bước vào bản đồ công nghệ bán dẫn thế giới", ông Lịch khẳng định.
Việt Nam có thể trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn
Vậy mấu chốt thế mạnh của Việt Nam là gì để không chỉ thu hút "đại bàng" mà còn đạt mục tiêu "bắt kịp, tiến cùng, vượt lên" với các quốc gia trong khu vực trong ngành công nghiệp bán dẫn, dù xuất phát sau? Theo TS. Lịch, đó chính là yếu tố con người.
Ông dẫn lại lời của CEO Nvidia khi quyết định đầu tư vào Việt Nam: "Chính ông Jensen Huang khẳng định rằng người Việt Nam rất giỏi về STEM - tức là khoa học, kỹ thuật, toán. Và thế mạnh đó rất phù hợp một cách tự nhiên với ngành công nghiệp bán dẫn".
TS. Lịch khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin vào nguồn nhân lực nước ta, và trong mục tiêu phát triển bán dẫn, Việt Nam không chỉ có đủ nhân lực cung cấp phục vụ trong nước, mà còn hướng tới cung cấp nhân lực cho khu vực và toàn cầu.
Nói cách khác, Việt Nam có thể trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn toàn cầu. Trong mục tiêu hiện tại, Việt Nam sẽ phấn đấu có 50.000 kỹ sư, cử nhân ngành bán dẫn đến năm 2030 và nhân đôi con số đó lên vào năm 2040.
Cũng theo ông chia sẻ, dù mới phát triển mạnh trong 3-4 năm trở lại đây, hiện nay Việt Nam đã có 50 doanh nghiệp thiết kế bán dẫn, với tổng số kỹ sư là 6.000. Ngoài ra, nhờ re-skill và up-skill, nguồn nhân lực IT dồi dào của Việt Nam qua hàng chục năm qua cũng là nguồn bổ sung dồi dào cho ngành này tiếp tục phát triển trong những năm tới.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/the-manh-so-1-de-viet-nam-thanh-trung-tam-ban-dan-ar913833.html