Tạo phát triển đột phá cho hạ tầng chiến lược - Bài cuối: Chiến lược phát triển giao thông hiện đại ở Trung Quốc

Trong những năm qua, Trung Quốc là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trên thế giới, là động lực không chỉ đối với kinh tế châu Á mà cả kinh tế toàn cầu.

Tàu hỏa rời ga Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Tàu hỏa rời ga Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Để phục vụ hiệu quả việc vận hành nền kinh tế, việc đi lại của dân số khổng lồ và để phát triển tương ứng với quy mô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đã xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng giao thông.

Năm 2019, đánh giá tình hình trong nước, xác định xây dựng cường quốc giao thông là quyết sách chiến lược quan trọng hướng tới tương lai, là lĩnh vực đi đầu xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa, là sự hỗ trợ quan trọng cho việc xây dựng toàn diện cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, Trung ương Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã ban hành “Cương yếu xây dựng cường quốc giao thông”.

Cương yếu đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2035, cơ bản xây dựng thành cường quốc giao thông. Hệ thống giao thông tổng hợp hiện đại hóa cơ bản hình thành, mức độ hài lòng của nhân dân được nâng cao rõ rệt, năng lực xây dựng hiện đại hóa đất nước được tăng cường rõ rệt. Đến giữa thế kỷ này, xây dựng thành cường quốc giao thông hàng đầu thế giới. Chất lượng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật, năng lực sáng tạo khoa học kỹ thuật, trình độ thông minh hóa và xanh hóa đứng đầu thế giới, mức độ an toàn, năng lực quản lý, trình độ văn minh, sức cạnh tranh và sức ảnh hưởng quốc tế đạt đẳng cấp quốc tế.

Năm 2021, Trung Quốc ban hành "Cương yếu quy hoạch mạng lưới giao thông lập thể tổng hợp quốc gia". Cương yếu quy hoạch yêu cầu đến năm 2035, cơ bản xây dựng xong mạng lưới giao thông lập thể toàn diện quốc gia chất lượng cao, hiện đại hóa, an toàn đáng tin cậy, chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông, trình độ thông minh hóa và xanh hóa đứng đầu thế giới.

"Cương yếu quy hoạch mạng lưới giao thông lập thể tổng hợp quốc gia" đã đề ra 4 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ xây dựng mạng lưới giao thông lập thể tổng hợp quốc gia hoàn thiện lấy đường sắt làm chính, lấy đường bộ làm cơ sở và hoàn thiện mạng lưới vận tải hướng ra toàn cầu với trọng điểm xây dựng 7 tuyến vận tải quốc tế đường bộ như cầu Đại lục Á - Âu mới, hoàn thiện 4 tuyến vận tải quốc tế trên biển, xây dựng mạng lưới vận chuyển hành khách hàng không thông suốt bốn phương tám hướng, bao phủ toàn cầu.

Bộ Giao thông Trung Quốc cho biết kể từ khi ban hành “Cương yếu xây dựng cường quốc giao thông” năm 2019 đến năm 2023, trong 5 năm, Trung Quốc đã hoàn thành đầu tư tài sản cố định giao thông hơn 18.000 tỷ NDT (khoảng 2.500 tỷ USD). Kết quả là trong 5 năm qua, mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông của Trung Quốc ngày càng hoàn thiện.

Tính đến cuối năm 2023, tổng lộ trình mạng lưới giao thông tổng hợp của Trung Quốc đã vượt 6 triệu km, lộ trình vận hành đường sắt toàn quốc là 159.000 km, trong đó đường sắt cao tốc là 45.000 km; tổng chiều dài quốc lộ toàn quốc là 5,441 triệu km, trong đó đường cao tốc là 184.000 km; lộ trình tuyến bay vùng nước nội địa dài 128.000 km; bến cảng sản xuất có 21.905 bến, trong đó có 2.883 bến trên 10.000 tấn; 259 sân bay vận tải hàng không dân dụng, trong đó 38 sân bay có lượng hành khách hàng năm vượt quá 10 triệu lượt người. Năm 2023, Trung Quốc đã vận chuyển 54,75 tỷ tấn hàng hóa, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 16,9% so với năm 2019.

Chiến lược phát triển hạ tầng giao thông Trung Quốc đã và đang được thực hiện đã đưa Trung Quốc phát triển trở thành nước có mạng lưới đường cao tốc, đường sắt cao tốc, cụm cảng và cụm sân bay lớn nhất thế giới, tạo thành một hệ thống giao thông ba chiều "đường biển, đường bộ và đường không". Công nghệ mới, ngành nghề mới trong lĩnh vực giao thông vận tải của Trung Quốc phát triển mạnh mẽ với công nghệ đồng bộ xây dựng đường sắt cao tốc, đường hầm, cầu vượt biển… nằm trong top đầu thế giới.

Tàu cao tốc "Phục Hưng", máy bay cỡ lớn C919, bến cảng container tự động hóa cảng Dương Sơn Thượng Hải đi vào hoạt động, công nghệ Bắc Đẩu được ứng dụng sâu rộng, hệ thống nhận diện khuôn mặt hành khách đi lại được sử dụng rộng rãi. Kết nối dữ liệu lớn giao thông, ứng dụng công nghệ mới thông minh hóa không ngừng được đổi mới. Sự kết hợp giữa hình thái giao thông truyền thống và công nghệ thông tin mới đã thúc đẩy nhiều hình thái giao thông vận tải mới, phát huy vai trò quan trọng trong việc phục vụ người dân.

Thành quả trong lĩnh vực xây dựng giao thông xanh cũng nổi bật. Đi sâu triển khai chiến lược ưu tiên phát triển giao thông công cộng đô thị, làn xe dành riêng cho xe buýt tăng từ 5.256 km năm 2012 lên 18.264 km năm 2021. Trong lĩnh vực chuyển đổi xanh phương tiện giao thông vận tải, tính đến cuối năm 2023, Trung Quốc có hơn 20 triệu xe năng lượng mới.

Mặc dù phát triển giao thông của Trung Quốc đã thu được thành tựu to lớn, nhưng giới chuyên gia trong ngành cho rằng vẫn chưa thích ứng với yêu cầu xây dựng cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, so với cường quốc giao thông thế giới vẫn tồn tại khoảng cách không nhỏ như bố cục mạng lưới cơ sở hạ tầng chưa hợp lý, hệ thống giao thông tổng hợp chưa hoàn thiện, bố cục cơ sở hạ tầng khu vực còn chưa cân bằng, phương thức vận tải xanh chiếm tỷ lệ không cao, vấn đề tiêu thụ năng lượng cao, khí thải cao chưa được giải quyết, hiệu quả và trình độ dịch vụ vận tải chênh lệch khá lớn, một số dịch vụ công cơ bản về vận tải ở vùng sâu vùng xa, vùng nghèo khó thiếu phương thức dịch vụ đa dạng, chi phí logistics cao, tình hình ùn tắc giao thông đô thị nghiêm trọng.

Để khắc phục những hạn chế trên, cùng với sự phát triển của Trung Quốc bước vào thời đại mới, hướng tới mục tiêu tổng thể của chiến lược xây dựng cường quốc giao thông là xây dựng hệ thống giao thông vận tải tổng hợp hiện đại "an toàn, tiện lợi, hiệu quả, xanh và kinh tế", đồng thời mang lại cảm giác hạnh phúc, an toàn của người dân, Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện nhiều sách lược, giải pháp, trong đó có tham khảo kinh nghiệm của các nước phát triển dựa trên thực tiễn tình hình đất nước, phát triển mạnh giao thông xanh, giao thông công cộng, phát triển các công nghệ giao thông mới, nâng cấp, chuyển đổi số hóa hạ tầng giao thông, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực giao thông vận tải.

Hải Yến (P/v TTXVN tại Bắc Kinh)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tao-phat-trien-dot-pha-cho-ha-tang-chien-luoc-bai-cuoi-chien-luoc-phat-trien-giao-thong-hien-dai-o-trung-quoc-20241216083207553.htm