Thế nào là bao bì thương phẩm?

Bao bì thương phẩm của hàng hóa là bao bì chứa đựng hàng hóa và lưu thông cùng với hàng hóa, bao bì thương phẩm gồm bao bì trực tiếp và bao bì ngoài.

Theo phản ánh của ông Phạm Văn Cần, Điều 4 Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN quy định:

"Điều 4. Vị trí nhãn hàng hóa (Điều 4 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP)

1. Những nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa không cần thể hiện tập trung trên nhãn, có thể ghi trên vị trí khác của hàng hóa, bảo đảm khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa. Những nội dung bắt buộc đó là một phần của nhãn hàng hóa.

… 2. Hàng hóa có cả bao bì trực tiếp và bao bì ngoài

a) Hàng hóa trên thị trường có cả bao bì ngoài, không bán riêng lẻ các đơn vị hàng hóa nhỏ có bao bì trực tiếp bên trong thì phải ghi nhãn trên bao bì ngoài.

b) Hàng hóa trên thị trường có cả bao bì ngoài và đồng thời tách ra bán lẻ các đơn vị hàng hóa nhỏ có bao bì trực tiếp bên trong thì phải ghi nhãn đầy đủ cho cả bao bì ngoài và bao bì trực tiếp.

Ví dụ: Hộp cà phê gồm nhiều gói cà phê nhỏ bên trong:

- Trường hợp bán cả hộp cà phê không bán lẻ các gói cà phê nhỏ thì ghi nhãn đầy đủ cho cả hộp;

- Trường hợp bán cả hộp cà phê và đồng thời tách ra bán lẻ những gói cà phê nhỏ bên trong thì phải ghi nhãn đầy đủ cho cả hộp cà phê và các gói cà phê nhỏ bên trong;

- Trường hợp thùng carton đựng các hộp cà phê đã có nhãn đầy đủ bên trong, có thể mở ra để xem các hộp cà phê trong thùng carton thì không phải ghi nhãn trên thùng carton đó.

3. Trường hợp bao bì ngoài trong suốt có thể quan sát được nội dung ghi nhãn sản phẩm bên trong thì không bắt buộc ghi nhãn cho bao bì ngoài".

Ông Cần hỏi, bao bì ngoài trong suốt có thể quan sát được (quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN) có phải là bao bì thương phẩm không? Nếu bao bì nêu trên là bao bì thương phẩm thì có mâu thuẫn với quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 43/2017/NĐ-CP không?

Về vấn đề này, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ có ý kiến như sau:

Khoản 5 Điều 3 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 9/12/2021 của Chính phủ về nhãn hàng hóa quy định: "Bao bì thương phẩm của hàng hóa là bao bì chứa đựng hàng hóa và lưu thông cùng với hàng hóa; bao bì thương phẩm gồm bao bì trực tiếp và bao bì ngoài".

Như vậy, nếu bao bì trong suốt là bao bì chứa đựng và lưu thông cùng hàng hóa thì được coi là bao bì thương phẩm.

Quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư 05/2019/TT-BKHCN không mâu thuẫn với quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP.

Lý do, Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định vị trí ghi nhãn trực tiếp trên hàng hóa, trên bao bì thương phẩm của hàng hóa với những hàng hóa có bao bì thương phẩm. Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN hướng dẫn chi tiết trường hợp ghi nhãn cho hàng hóa có bao bì trong đó bao gồm trường hợp bao bì trong suốt.

Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN cũng quy định rõ bao bì trong suốt nhưng phải đọc được các nội dung ghi nhãn sản phẩm bên trong phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, đó là nhãn hàng hóa phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/the-nao-la-bao-bi-thuong-pham-102230829143842446.htm