Thế nào là công thức 'tối thiểu mà tối ưu'?
Nghị lực hay ý chí quyết vượt thắng bản thân, chẳng phải đi kiếm tìm ở bên ngoài ta hay mong muốn được ban phát từ bên trên ta, mà phải được nuôi dưỡng bởi chính hành động bền bỉ của ta.
Điều khác biệt cơ bản là kỷ luật thiên về ấn định những nghiêm cấm. Kỷ cương lại mở hướng để động viên, khuyến khích những điều nên làm, cần làm, vì lợi ích riêng và chung. Còn kỹ năng lại được tôi luyện cơ bản là nhờ vào lòng tự trọng của cá nhân và sự tôn trọng của/đối với tập thể (nói thế để hiểu rằng một tập thể đầy đố kỵ, ganh ghét, là một tập thể đang tự giết nhau). Song cả ba đều đòi hỏi một nghị lực cao độ để tự mình rèn luyện lấy mình.
Nghĩa là một ý chí quyết thắng, cơ bản là thắng chính mình, vượt lên những yếu đuối, mệt mỏi, tư duy tiêu cực của bản thân: bỏ cuộc là thua cuộc khi chưa xông trận. Trong rất nhiều cuộc tranh tài, từ nội địa đến quốc tế, cách biệt hơn thua lắm khi chỉ một vài giây, một vài phần trăm của một điểm, bởi một thoáng hụt hơi, chút trật nhịp của nghị lực bản thân trong quá trình tôi luyện, lúc bung mình phóng tới, giữa các đội hình, cùng đồng đội...
Đâu vô cớ mà mọi tiến trình đào tạo đều vận dụng công thức hết sức phổ quát “tối thiểu mà tối ưu”: hoặc 60/60; hoặc 30/90; hoặc 15/120. Nghĩa là muốn trau dồi, tôi luyện bất cứ việc gì, từ tập hít thở thiền định đến học ngoại ngữ, từ thói quen đọc sách hay viết lách... chỉ cần khởi sự thực hành hoặc 60 phút/ngày trong 60 ngày không ngừng nghỉ; hoặc 30 phút/ngày trong 90 ngày liên tiếp; hoặc 15 phút/ngày trong liên tục 120 ngày, thì bản thân sẽ đạt một thành quả khả quan đến độ thúc đẩy tự mình mong muốn tiếp tục tiến xa và sâu hơn nữa. Đồng thời trở thành một thói quen không thể từ bỏ vì bản thân thật sự nhìn ra quá trình ấy đã mang đến cho mình rất nhiều lợi ích vượt trội.
Nói cách khác, nghị lực hay ý chí quyết vượt thắng bản thân, chẳng phải đi kiếm tìm ở bên ngoài ta hay mong muốn được ban phát từ bên trên ta, mà phải được nuôi dưỡng, vun trồng bởi chính hành động bền bỉ, không ngừng, của ta. Ta đốt lửa trong lòng ta để soi sáng đường ta đi. Đơn giản vô cùng: không đi thì không thể đến. Cứ đều đặn, nhịp nhàng, nhẹ nhàng, đĩnh đạc, khoan thai, đi thì rồi sẽ đến. Bất cứ nơi nào mà ta muốn đến. Và chẳng có phần thưởng nào lớn hơn phần thưởng chính ta cho ta: lòng tự trọng của mình dành cho chính mình, trong mỗi bước chân đi, trên suốt đường đời mà ta sống.
Cần lưu ý một từ ngữ cửa miệng của rất nhiều doanh nhân, đủ mọi cấp bậc và ngành nghề: “make money / tạo tác tiền tài”, cứ được lặp đi lặp lại đơn thuần như vai trò cốt tủy của doanh nghiệp, vô hình trung, đã hình thành một quan niệm lệch lạc trầm trọng.
Đương nhiên, trong thương trường, doanh nghiệp phải làm ra tiền. Nếu không, doanh nghiệp... dẹp tiệm. Nhưng muốn làm ra tiền, nhất thiết trước tiên doanh nghiệp phải biết “make sense / tạo tác lý lẽ”. Bởi, hết sức đơn giản: làm ra tiền, lâu bền và vững vàng, khác hẳn với làm tiền. Cái trước không thể không cần có nền tảng lý lẽ chắc chắn, cái sau chẳng cần gì khác ngoài lấy tiền bạc làm cứu cánh.
Do vậy, cho rằng mục đích tối thượng của kinh doanh là làm ra tiền thì quá thiển cận và sai lầm. Bởi muốn làm ra tiền, doanh nghiệp phải biết khởi đầu làm ra giá trị cộng thêm cho thị trường, cộng đồng, xã hội. Và như vậy, làm ra tiền là hệ luận tất yếu doanh nghiệp hưởng được khi đã biết tạo lý lẽ cho tất cả các đối tác liên quan, từ khách hàng, bạn hàng đến cán bộ công nhân viên của tổ chức. Dễ hiểu: có ai muốn giao dịch, cộng tác lâu dài với mình khi họ không nhận được bất cứ lý lẽ liên quan đến ích lợi nào của họ, vật chất lẫn tinh thần, tạo tác từ mình?
Make sense / Tạo tác lý lẽ bao gồm một quy trình liên kết mật thiết ba khâu: Make meanings / Tạo tác ý nghĩa, Make feelings / Tạo tác cảm xúc và Make values / Tạo tác giá trị. Có thể trình bày cô đọng như sau:
(1) Make money - Tạo tác tiền tài
(2) Make sense - Tạo tác lý lẽ
(3) Make meanings - Tạo tác ý nghĩa
(4) Make feelings - Tạo tác cảm xúc
(5) Make values - Tạo tác giá trị
Để đạt được (1) nhất thiết trước đấy, nghĩa là nền tảng, phải có được (2), vốn bao gồm cùng lúc cả (3) + (4) + (5). Nói gọn: ai cũng muốn có tiền, nhưng chỉ trọc phú mới lấy tiền làm trọng, cứ mở miệng ra là đòi make money - làm như thể ngoài money thì không có gì đáng để make cả.
Đơn giản là vì ta chỉ mua sắm lâu dài hàng hóa nào đấy khi ta nhận ra ý nghĩa, cảm xúc và giá trị đàng hoàng tử tế mà hàng hóa ấy thực sự mang lại cho ta. Do vậy, để làm ra tiền thì trước tiên doanh nghiệp phải tạo tác trong tâm trí người tiêu dùng những lý lẽ vững chắc để họ muốn trở thành khách hàng trung kiên của doanh nghiệp. “Đầu tiên là tiền đâu” là trằn trọc khôn nguôi của đám con buôn ô trọc chứ không phải của giới doanh nhân đích thực, muốn cống hiến và đóng góp cho cộng đồng xã hội. Để từ đó nhận được sự trả công và ghi công xứng đáng của thị trường và tập thể nhân quần.
Nguồn Znews: https://znews.vn/the-nao-la-cong-thuc-toi-thieu-ma-toi-uu-post1490961.html